Cẩn trọng khi mua tinh dầu hoa oải hương hỗ trợ ngủ ngon
Không phải tất cả loại tinh dầu hoa oải hương được bán trên thị trường hiện nay đều được tạo ra theo cùng một quy trình và có công dụng giống nhau.
Những người đam mê liệu pháp hương thơm khẳng định rằng tinh dầu có thể làm mọi thứ, từ xoa dịu cảm giác lo lắng đến làm chậm quá trình rụng tóc. Và một trong những tác dụng "thần kỳ" nhất của hoa oải hương là hỗ trợ giấc ngủ.
Tuy nhiên, nếu thử tìm kiếm trên mạng, bạn sẽ thấy vô số sản phẩm tinh dầu hoa oải hương đang được bày bán cùng lời giới thiệu có vẻ như đã "thành thánh hóa" sản phẩm. Cần lưu ý rằng không phải tất cả các loại tinh dầu hoa oải hương có mặt trên thị trường đều được tạo ra theo một quy trình và có công dụng giống nhau. Sau đây là những điều bạn cần biết khi cân nhắc mua loại sản phẩm này.
Khoa học nói gì về tinh dầu
Sử dụng các loại tinh dầu có mùi mạnh như một phương pháp trị liệu đã có lịch sử lâu đời nhưng hiện tại chưa được cấp phép. Có những nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng một số loại tinh dầu, nhưng nhìn chung các bằng chứng khoa học chưa thực sự chắc chắn.
Thành phần cụ thể của tinh dầu không được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận. Tóm lại, tinh dầu thương mại không được chứng minh là có tác dụng tương tự như thuốc và FDA không giám sát chúng theo cách như vậy. FDA chỉ theo dõi để đảm bảo các công ty tinh dầu không tiếp thị sản phẩm của họ như thuốc, thông qua nhãn mác và các quảng cáo khác.
Nhiều người sử dụng tinh dầu bằng cách hít chúng qua mũi, xịt hoặc ngâm một vật phẩm để ngửi. Những người khác thoa chúng trực tiếp lên da (mặc dù trước khi làm như vậy, bạn thường nên pha loãng sản phẩm trong một loại dầu nền, như dầu dừa hoặc dầu jojoba). Nhưng một lưu ý chắc chắn: Không nên uống tinh dầu .
Về mặt lý thuyết, khi hít vào, các phân tử mùi hương của tinh dầu di chuyển từ các dây thần kinh trong mũi đến não, tác động đến cảm xúc và chức năng sinh lý của con người dựa trên thành phần của tinh dầu. Các loại tinh dầu khác nhau đã được quan sát thấy có tác dụng khác nhau, chẳng hạn như ảnh hưởng đến việc giải phóng serotonin hoặc dopamine. Tuy nhiên, nghiên cứu về hầu hết loại tinh dầu được tiếp thị để hỗ trợ giấc ngủ không thực sự toàn diện.
Công dụng giúp ngủ ngon của hoa oải hương
Theo Tiến sĩ Charlene Gamaldo, Giám đốc y khoa của Trung tâm Giấc ngủ và Sức khỏe Johns Hopkins, các nghiên cứu đều đồng tình rằng tinh dầu hoa oải hương là một chất hỗ trợ giấc ngủ.
Với các bệnh nhân của mình, Gamaldo sẵn sàng thảo luận về các phương pháp điều trị không cần kê đơn bằng hoa oải hương thông qua trà, dầu, kem dưỡng da và thuốc xịt.
"Hợp chất trong hoa oải hương là một trong những hợp chất được nghiên cứu nhiều nhất", Gamaldo cho biết.
Nhưng khi sử dụng các loại tinh dầu khác ngoài hoa oải hương, bà tương đối do dự vì còn thiếu bằng chứng khoa học. Hoa cam cúc, trầm hương và cây xô thơm là một số loại tinh dầu khác thường được tiếp thị là hỗ trợ giấc ngủ.
Tiến sĩ Allison Siebern, phó giáo sư lâm sàng tại Khoa Y học Giấc ngủ của Đại học Stanford, cho biết: "Thị trường sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ, cùng với thị trường tinh dầu còn khá hỗn loạn".
Siebern đồng ý rằng tinh dầu hoa oải hương có tiềm năng tốt trong việc hỗ trợ ngủ ngon. Tuy nhiên, bà cho biết tinh dầu không thể là phương pháp điều trị chính thức cho các tình trạng bệnh lý về tâm thần hoặc y khoa, như chứng ngưng thở khi ngủ hoặc mất ngủ kinh niên.
Siebern cho biết bà coi tinh dầu là "một công cụ toàn diện để hỗ trợ sức khỏe", nhưng khuyên bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng chúng.
Lưu ý khi chọn mua tinh dầu
Nếu bạn muốn thử tinh dầu hoa oải hương, Siebern khuyên nên xem liệu công ty sản xuất có kiểm tra hiệu lực và độ tinh khiết của sản phẩm bằng phương pháp sắc ký khí hoặc phân tích khối phổ hay không và liệu họ có cung cấp những thông tin này cho người tiêu dùng không.
Sắc ký khí là quy trình được sử dụng để tách hỗn hợp hóa chất. Còn khối phổ cho phép phân tích riêng từng thành phần. Khi kết hợp, các quy trình này được gọi là GC-MS và chúng được sử dụng cho nhiều loại phân tích hóa học.
Bạn có thể tìm thấy thông tin về GC-MS trên trang web của công ty sản xuất và đây có thể là một công cụ hữu ích - mặc dù không phải là công cụ quyết định - để đánh giá chất lượng của sản phẩm tinh dầu.
Gamaldo khuyên người dùng nên tìm kiếm các loại tinh dầu có nhãn ghi rõ Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) - tổ chức ban hành các tiêu chuẩn cơ bản về tinh dầu mà các công ty có thể sử dụng làm hướng dẫn.
Jade Shutes, cựu Chủ tịch của Hiệp hội quốc gia Mỹ về liệu pháp hương thơm toàn diện, có một số hướng dẫn bổ sung mà bạn có thể áp dụng cho quá trình tìm kiếm loại tinh dầu thích hợp:
- Nếu một công ty chào hàng tinh dầu đạt "therapeutic grade" (cấp độ trị liệu), không có nghĩa đó là sản phẩm chất lượng cao. Nhãn cấp độ trị liệu không có định nghĩa theo quy định và chỉ đơn giản là một chiêu trò tiếp thị.
- Tinh dầu nên được chiết xuất từ một loài thực vật cụ thể có tên tiếng Latin. Nhãn mác phải thể hiện xuất xứ của từng thành phần, quy trình trồng cây và thậm chí cả bộ phận của cây được sử dụng.
- Lý tưởng nhất là công ty bạn mua tinh dầu nên minh bạch về các chi tiết như phương pháp chiết xuất và thành phần hóa học của từng loại dầu.