Cẩn trọng khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng
Sử dụng thực phẩm chức năng để phòng ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh đang trở thành xu hướng khá phổ biến. Mặc dù vậy, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu rõ bản chất, phương pháp sử dụng thực phẩm chức năng, cũng như tìm mua thực phẩm chức năng ở những nơi uy tín, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Hiện nay, trên thị trường thực phẩm chức năng được bán khắp nơi, không chỉ ở các quầy thuốc, công ty phân phối, mà các cửa hàng tạp hóa, trang mạng xã hội đều rao bán thực phẩm chức năng với đủ loại sản phẩm khác nhau. Ngoài ra, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh, 1 máy tính bảng và vài thao tác đơn giản là có thể tìm, mua được nhiều loại thực phẩm chức năng khác nhau, có xuất xứ từ nước ngoài với các loại công dụng bổ sung vitamin, collagen, làm đẹp da, giảm cân… đến hỗ trợ điều trị các loại bệnh, như: Rụng tóc, sinh lý, xương khớp, tim mạch, thần kinh, tiểu đường, gout, ung thư… nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mỗi hộp.
Các cơ quan quản lý về y tế, sức khỏe trên thế giới, cũng như Việt Nam đã có những quy định về việc quản lý chất lượng thực phẩm chức năng và ngăn cấm những quảng cáo quá mức, sai sự thật. Trên mỗi sản phẩm cũng buộc niêm yết dòng chữ: “Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không thay thế thuốc chữa bệnh” để tránh việc hiểu lầm hay phóng đại tác dụng sản phẩm. Tuy nhiên, với những chiêu trò quảng cáo, tư vấn của nhân viên các công ty, shop bán online, nhất là với những người không có kiến thức y học, khách hàng rất dễ bị lừa. Bên cạnh đó, khi mua online cũng có nghĩa khó xác định, đảm bảo sản là hàng thật, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có đúng giá hay không.
Mặc khác, nhiều người cho rằng, thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên, không phải thuốc, nên sử dụng thoải mái. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, không phải cứ thực phẩm chức năng sẽ tốt cho sức khỏe và có thể sử dụng theo ý thích. Trên thực tế, có những loại thực phẩm chức năng tiềm ẩn những khả năng gây ra các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi dùng sai mục đích hoặc kết hợp với các dược phẩm khác.
Nghe quảng cáo công dụng tuyệt vời của collagen đối với phụ nữ, nhất là chị em phụ nữ, không qua tư vấn của bác sĩ, chị Nguyễn Thị Diễm P. (TP. Châu Đốc) đã tự tìm mua collagen dạng lỏng nhập khẩu từ nước ngoài về uống hàng ngày. Nhưng chỉ sau tuần đầu tiên, tình trạng da cải thiện không nhiều, không đúng như lời quảng cáo, chị P. còn bị dị ứng da. Gọi điện thoại cho người bán hàng, chị P. vẫn được khuyên nên tiếp tục dùng loại thực phẩm này vì đó chỉ là những dị ứng đơn giản, lâu dần hiện tượng này sẽ hết và cơ thể sẽ hấp thu collagen đầy đủ… Dùng thêm 1 tuần nữa, thấy hiện tượng dị ứng ngày càng nặng lên, chị ngừng sử dụng và đến bệnh viện khám. Chị P. được bác sĩ kê đơn thuốc chống dị ứng và yêu cầu không nên sử dụng bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào nếu chưa qua tư vấn của bác sĩ vì cơ thể chị rất nhạy cảm. Chị P. chia sẻ: “Dù biết người bán hàng không có chuyên môn về dược phẩm, nhưng vì những lời quảng cáo công dụng loại collagen này quá hấp dẫn, đánh trúng tâm lý phụ nữ là ai cũng thích trẻ và đẹp, nên tôi đã mua về sử dụng. Tiền mất thì không sao, sức khỏe là quý nhất. Từ nay, muốn uống thuốc gì hỏi bác sĩ trước là tốt nhất”.
Vốn có nhiều bệnh cùng lúc, như: Đau dạ dày, rối loạn tiền đình, viêm đa khớp…, nhưng chữa trị đã nhiều năm, mà vẫn chưa thuyên giảm, ông Nguyễn Văn T. (TP. Long Xuyên) đành nhờ đến các thực phẩm chức năng. Nghe ai chỉ loại nào hay, hoặc thấy trên mạng quảng cáo rầm rộ loại nào tốt là ông T. cũng mua về sử dụng. Trung bình 1 tháng, ông chi hơn 1 triệu đồng, có khi hơn 3 triệu đồng cho thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, hiệu quả không như ông mong đợi. “Có lần, qua mạng xã hội, tôi đặt 1 liệu trình chữa rối loạn tiền đình gần 4 triệu đồng, nhưng chỉ thuyên giảm được ít ngày, rồi bệnh lại y như cũ. Vậy mà ban đầu, người bán đã cam kết với tôi là khỏi bệnh 100%”- ông T. chia sẻ.
Tin vào lời quảng cáo chữa khỏi bệnh gout, không hết không lấy tiền, ông Trần Văn M. (huyện Phú Tân) đặt mua 2 hộp thực phẩm chức năng hỗ trợ trị bệnh gout trên mạng xã hội. Trước khi đặt mua, ông M. rất yên tâm vì được tư vấn tận tình, người bán nói những lời nghe rất thuyết phục và cam kết hiệu quả. Để đặt mua, ông phải chuyển tiền trước, vì lý do đây là hàng ngoại nhập. Trước khi mua, ông M. kiểm tra thông tin thực phẩm chức năng kỹ càng. Vì bị bệnh gout hoành hành, ông mua dùng thử. Hơn 3 ngày sau, khi nhận được hàng và điều khiến ông bất ngờ là, hộp nhựa đựng thuốc màu khác, mẫu chữ bị lem và không có ngày sản xuất. Gọi điện thoại cho người bán không bắt máy, biết mình bị lừa nên ông M. không sử dụng.
Còn chị Võ Thị Kim Y. (huyện Châu Phú) tìm đến dòng sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân “thần tốc”. Chị Y. chia sẻ, sau Tết, chị Y. tăng cân, vì vậy rất thiếu tự tin khi mặc quần áo. Để quay lại số cân ban đầu, chị Y. tìm đến thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, với những lời quảng cáo hấp dẫn, như: Giảm cân “thần tốc” từ 3 - 5kg chỉ trong 1 tháng với cam kết “không cần ăn kiêng”, “không cần tập luyện”, “không bị tác dụng phụ”... Mua về dùng trong thời gian ngắn, chị Y. có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, khi đi khám được bác sĩ cảnh báo nếu uống thực phẩm chức năng giảm cân kéo dài sẽ dẫn đến suy đa nội tạng. Vì vậy, chị Y. bỏ hẳn chuyển sang duy trì chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và tập luyện thể thao hợp lý.
Để sử dụng thực phẩm chức năng một cách hiệu quả và an toàn, cần lựa chọn kỹ, xem xét rõ mặt hàng trước khi mua; tìm hiểu thông tin về công dụng sản phẩm, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, địa chỉ mua bán, những cửa hàng và thương hiệu sản phẩm uy tín. Người dân không nên nghe qua lời giới thiệu của người bán. Đồng thời, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.