Cẩn trọng khi phàn nàn về sếp, công ty

Căng thẳng, bất đồng với công việc hoặc cấp trên là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, bạn nên khéo léo khi bộc lộ cảm xúc của mình để không tổn hại đến sự nghiệp và mối quan hệ.

 Giải tỏa cảm xúc tại văn phòng có thể làm xuất hiện nhiều rủi ro. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels.

Giải tỏa cảm xúc tại văn phòng có thể làm xuất hiện nhiều rủi ro. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels.

Người lao động có nhiều điều để than phiền tại nơi làm việc. Đó có thể là những cuộc họp kéo dài, vị sếp khó tính hoặc mức lương không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt.

Trong những tình huống này, việc than vãn, giãi bày cảm xúc trong lòng sẽ giúp bạn giải tỏa phần nào áp lực, thậm chí nâng cao hiệu suất làm việc.

Dù vậy, theo The Wall Street Journal, nếu bạn bộc lộ vấn đề của mình quá vô tư tại công sở, rủi ro có thể ập đến. Ví dụ, bạn có chút trách móc sếp và kể điều này với một đồng nghiệp. Thật không hay chút nào khi người đó tiếp tục đi thuật lại với các hội nhóm khác trong công ty, sau đó đến được tai sếp.

Không những vậy, nguồn năng lượng bất mãn thực sự có thể lây lan, khiến cả văn phòng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Dưới đây là những điều bạn có thể làm để giải tỏa áp lực công việc của mình, song vẫn đảm bảo được hòa khí tại nơi làm việc.

Không đổ lỗi

Theo Liane Davey, nhà tâm lý học tại Tổ chức công nghiệp Toronto (Mỹ), không nhất thiết phải luôn tỏ ra mọi thứ đều ổn. Tuy vậy, nếu bắt buộc phải xả ra mọi phiền toái của mình, bạn hãy làm điều đó một cách tỉnh táo.

Khi bực tức, bạn không nên trút giận lên sếp hay cấp dưới của mình. Điều này sẽ chỉ châm ngòi thêm xung đột giữa các nhóm đồng nghiệp với nhau. Thay vào đó, bạn hãy lựa chọn một người bạn đáng tin để tâm sự, người này tốt nhất không nên liên quan đến sự việc căng thẳng mà bạn đang đối mặt.

Tâm trạng bạn đang rất khó chịu, nhưng khi đưa ra bất cứ lời phàn nàn nào về sếp hay đồng nghiệp, hãy giữ vững sự khách quan.

Ví dụ, thay vì khẳng định "Sếp của tôi quá thô lỗ", bạn hãy đưa ra quan điểm của mình: "Anh ta đã cắt ngang khi tôi đang cố gắng trình bày vấn đề. Điều này khiến tôi cảm thấy mình không được tôn trọng".

Cách bày tỏ này thể hiện sự trưởng thành của bạn cũng như cho người nghe thấy được bạn không có ý đổ lỗi.

Cuối cùng, bạn hãy cân nhắc một hành động hay kế hoạch giải tỏa tiếp theo như trao đổi vấn đề trực tiếp với người làm mình khó chịu, hoặc đơn giản chỉ là ra ngoài và đi dạo để cảm xúc nguôi ngoai lại.

 Chúng ta nên lựa chọn đúng người để chia sẻ cảm xúc của mình. Ảnh minh họa: Gustavo Fring/Pexels.

Chúng ta nên lựa chọn đúng người để chia sẻ cảm xúc của mình. Ảnh minh họa: Gustavo Fring/Pexels.

Không lưu lại bằng chứng

Tất nhiên, không dễ dàng để bạn xóa bỏ sạch trơn những ưu phiền hay bất mãn trong công việc. Nhiều người thường xả cơn giận dữ của mình vào các nhóm chat, gọi điện cho bạn bè hoặc cảm thán trực tiếp với vài người đồng nghiệp.

Nhưng theo tiến sĩ Davey, bạn cần tránh lưu lại bằng chứng về việc chỉ trích của mình vì bất cứ điều gì được viết ra luôn tồn tại rủi ro. Thậm chí, việc gọi điện cũng có thể bị ai đó ghi âm lại.

Tùy vào trường hợp, bạn có thể chọn cách giãi bày an toàn hơn đó là tự trò chuyện với chính mình. Bạn hãy nói hết vào phần ghi âm trên điện thoại, nghe lại ở một nơi riêng tư, tự hỏi bản thân "Liệu có nực cười không?" rồi xóa bỏ bản ghi.

 Bạn có thể tâm sự cơn giận dữ của mình với đồng nghiệp, nhưng không nên để lại dấu tích như tin nhắn, văn bản viết tay. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Bạn có thể tâm sự cơn giận dữ của mình với đồng nghiệp, nhưng không nên để lại dấu tích như tin nhắn, văn bản viết tay. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Hãy nhớ rằng mọi thứ vẫn có thể tồi tệ hơn

Sau khi tìm nhiều cách để trút bỏ bực dọc, bạn cần nhớ rằng căng thẳng chưa thể nào biến mất ngay lập tức. Năng lượng tiêu cực thực sự có thể lan tỏa từ người này sang người khác. Khi bạn tâm sự câu chuyện của mình cho một đồng nghiệp, đó cũng là lúc bạn làm họ áp lực cùng mình.

Giáo sư Allison Gabriel tại Đại học Arizona (Mỹ), người nghiên cứu về cảm xúc trong công việc, cho biết việc giải tỏa cảm xúc nơi công sở có thể gây ra những hậu quả sâu rộng.

Trong một báo cáo gần đây, bà và đồng nghiệp nghiên cứu 112 nhân sự trong 10 ngày làm việc. Kết quả cho thấy những người tiếp xúc với đồng nghiệp có hành vi trút giận cảm thấy tiêu cực hơn hẳn, xuất hiện cảm xúc như lo lắng hay buồn bã. Đồng thời, họ có khả năng đối xử thô lỗ hơn với những nhân viên khác trong ngày hôm đó.

Bà cho biết thêm việc nghe lời chê bai, phàn nàn nơi công sở cũng có thể khiến một nhân viên giảm thiểu sự tập trung khi làm việc. Họ sẽ băn khoăn liệu mình có phải là người tiếp theo bị sếp làm khó.

Ngay cả những người đi trút giận cũng có thể cảm thấy tồi tệ bởi bản thân họ sẽ có thể tiếp diễn tất cả áp lực này một lần nữa.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-trong-khi-phan-nan-ve-sep-cong-ty-post1360748.html