Cẩn trọng khi tái đàn gia súc, gia cầm
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bắt đầu tập trung tái đàn để duy trì quy mô, ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Trước Tết Nguyên đán năm 2024, gia đình ông Hoàng Ngọc Sơn, ở xóm Na Chạng, xã Bàn Đạt (Phú Bình), đã xuất bán 600 con gà thương phẩm. Để duy trì sản xuất, ông vừa nhập 500 con gà về nuôi lứa mới, nâng tổng đàn gà của gia đình lên 1.500 con.
Ông Sơn cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi gà theo hình thức gối vụ, trong chuồng luôn có từ 1.000-1.500 con. Bán xong một lứa là tôi tiến hành thu gom và xử lý toàn bộ phân, rác thải, sử dụng vôi bột và các loại hóa chất để phun khử trùng sau đó mới nhập con giống cho lứa tiếp theo.
Cùng với gia cầm, nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang tái đàn sau Tết. Là một trong những hộ nuôi lợn nhiều nhất của Hợp tác xã Chăn nuôi xanh (phường Lương Sơn, TP. Sông Công), gia đình ông Nguyễn Văn Ngữ ở tổ dân phố Pha hiện chăn 250 con lợn thịt. Trước Tết, gia đình xuất bán 50 con lợn với sản lượng thịt hơi 60 tấn, nên ông vừa tiếp tục tái đàn thêm 50 lợn con.
Ông Ngữ chia sẻ: Trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, trên địa bàn phường xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ. Vì thế, trước khi tái đàn, tôi đã tuân thủ nghiêm các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại. Sử dụng các chế phẩm sinh học hòa vào nước uống, độn chuồng và phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường phòng, chống dịch...
Hiện, nhiều trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung tái đàn vật nuôi. Để thuận lợi trong tiêu thụ, tránh gặp phải rủi ro, thiệt hại lớn về mặt kinh tế thì người dân đa phần chăn nuôi theo hình thức gối vụ, số lượng đàn gia súc, gia cầm trong chuồng giữ ổn định.
Ông Nguyễn Anh Khôi, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), chia sẻ: Trên địa bàn xã có 2.700 con trâu, bò; 12.000 con lợn và trên 300.000 con gia cầm. Mấy năm nay, đàn gia súc của xã luôn ổn định, không còn xảy ra tình trạng người dân ồ ạt tái đàn với số lượng lớn sau Tết Nguyên đán như trước. Đàn gia cầm có tăng nhưng không đáng kể, chủ yếu là do người dân mở rộng quy mô chăn nuôi. Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân trước khi tái đàn cần thực hiện nghiêm quy trình tái đàn và công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Mặc dù là thời điểm tái đàn vật nuôi, khôi phục sản xuất sau Tết nhưng đây cũng là thời điểm giao mùa, mưa phùn và nồm ẩm là điều kiện để dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có thể bùng phát. Do vậy, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) khuyến cáo, các hộ chăn nuôi nên nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp; duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu.
Khi tái đàn vật nuôi cần chọn con giống tốt, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; chủ động làm tốt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, tránh gây thiệt hại khi bước vào vụ chăn nuôi mới.
Để hỗ trợ người dân chăn nuôi tái đàn đạt hiệu quả cao, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, hóa chất, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Với sự chủ động trong việc tái đàn vật nuôi của người dân cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, chính quyền các địa phương, tin tưởng rằng năm 2024 lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp.
Năm 2024, toàn tỉnh đề ra mục tiêu tổng đàn trâu, bò đạt 95 nghìn con; đàn lợn 610 nghìn con; đàn gia cầm 16 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 222.850 tấn, sản lượng trứng gia cầm 465 triệu quả.