Cẩn trọng ngộ độc con so

Những ngày qua, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước tiếp nhận và cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc sau khi ăn con so mà người dân nghĩ là sam biển. Trung tâm Y tế huyện cảnh báo người dân phân biệt rõ để tránh ăn nhầm con so dẫn đến bị ngộ độc, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Sam biển được xem là sản vật mang nét đặc trưng và trở thành món đặc sản đối với người xứ biển, với cách ăn phổ biến nhất là nướng. Tuy vậy, trong tự nhiên có một loài giáp xác hình dạng, kích thước và màu sắc tương tự như sam biển nhưng chúng chứa độc tố rất cao, người ăn ngay lập tức bị ngộ độc, ngành chuyên môn gọi là con so biển (còn gọi là sam đuôi tròn hoặc sam lông). Chính vì con so có nhiều điểm tương đồng với con sam nên có không ít trường hợp người dân nhầm lẫn, chế biến con so làm thức ăn và hậu quả bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu.

Mới đây, vào khoảng 2 giờ 50 phút, ngày 25/1, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước tiếp nhận nữ bệnh nhân Ð.T.H.M (36 tuổi, ngụ Khóm 5, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân) nhập viện cấp cứu trong tình trạng tím tái, khó thở, lừ đừ, tứ chi bị tê liệt và ngưng thở. Sau nhiều giờ được các bác sĩ cấp cứu, chăm sóc đặc biệt, sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục và vượt qua cơn nguy kịch.

Trung tâm Y tế huyện phối hợp Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước tìm hiểu bệnh nhân bị ngộ độc.

Trung tâm Y tế huyện phối hợp Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước tìm hiểu bệnh nhân bị ngộ độc.

Ngay sau khi bệnh nhân phục hồi, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước trực tiếp đến giường bệnh thăm hỏi sức khỏe và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến ngộ độc. Người thân bệnh nhân M cho biết: Vào ngày 24/1, gia đình đóng đáy trên tuyến sông Công Nghiệp và bắt được 4 con sam trứng mang về nướng, chia mỗi người 1 con ăn trong buổi cơm chiều. Các thành viên khác trong gia đình không có triệu chứng bất thường, riêng bệnh nhân M khi ăn vào cảm giác bị tê ở vùng miệng nên ngưng ăn. Sau đó, bệnh nhân mệt và khó thở, gia đình chuyển Bệnh viện Ða khoa Cái Nước cấp cứu.

Trước đó, vào khoảng 1 giờ ngày 22/1, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước tiếp nhận 3 trường hợp ăn sam biển bị ngộ độc ở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Gia đình cho biết, ông C.T.H đi biển đánh bắt được 3 con sam, mang về nhà nướng và tổ chức tiệc nhậu. Tham gia tiệc nhậu có 4 người, trong đó có 1 người không ăn. Sau khoảng 2 giờ, ông H có triệu chứng tê vùng miệng, gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Nguyễn Việt Khái khám.

Do tình trạng sức khỏe bệnh nhân không ổn định, gia đình tiếp tục chuyển ông H và 2 người trong tiệc nhậu có sử dụng sam nướng lên Bệnh viện Ða khoa Cái Nước cấp cứu. Lúc này, bệnh nhân H bị ngộ độc khá nặng phải điều trị tích cực, kết hợp cho thở máy. Sau 24 giờ, sức khỏe bệnh nhân mới hồi phục. Còn 2 người kia sử dụng thịt sam ít nên có triệu chứng nhẹ, qua thăm khám, bác sĩ cho 1 trường hợp xuất viện, bệnh nhân còn lại được tiếp tục theo dõi, điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hộ, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước, cho biết, các trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khi nhập viện, hướng điều trị là tiến hành trung hòa độc tố và đặt ống trợ thở. Ðối với những trường hợp ngộ độc phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời thì qua 24 giờ bệnh nhân sẽ dần phục hồi, qua cơn nguy kịch.

Theo ông Quách Văn Dự, Trưởng khoa Y tế công cộng - Dinh dưỡng và An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, các bệnh nhân bị ngộ độc cho rằng do ăn con sam biển, có thể họ đã nhầm lẫn với con so. Vì trong môi trường tự nhiên xuất hiện loài giáp xác có hình dạng, màu sắc khá tương đồng với con sam biển, chứa độc tố rất cao, được gọi là con so, con người khi ăn phải loài giáp xác này sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Ðể phân biệt con sam và con so, chúng ta có thể dựa vào một vài đặc điểm như sau: đuôi con sam khi cắt ngang có tiết diện hình tam giác, 3 cạnh chụm lại kéo dài đến tận cuối đuôi, ở đỉnh tam giác có gai nhọn như lưỡi cưa. Ngược lại, đuôi so có tiết diện hình tròn hoặc bầu dục và không hề có gai nhọn. Con sam khi di chuyển thường đi theo cặp, sam đực bám lên lưng con cái; con so thường đi đơn lẻ, tuy nhiên vào mùa giao phối thì con đực và con cái có thể cùng nhau di chuyển. Ðể phòng ngừa xảy ra ngộ độc, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình, nếu chúng ta không phân biệt được con sam và con so thì tốt nhất không nên ăn để phòng tránh ngộ độc./.

Huỳnh Việt

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-tro-ng-ngo-do-c-con-so-a31116.html