Cẩn trọng nhiễm độc vì tự ý dùng thuốc nam

Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng gần đây vẫn xuất hiện nhiều ca nhập viện vì ngộ độc sau khi tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Nhiều hệ lụy nghiêm trọng

Mới đây, BV Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận nam bệnh nhân tên N.V.Đ đến từ Đắk Lắk, trong tình trạng toàn thân nổi vảy, bong tróc da, sạm đen từng mảng.

Bệnh nhân cho biết sau một thời gian dài dùng thuốc bổ, thấy men gan tăng cao nên tiếp tục mua thuốc đông y trị bệnh.

Tuy nhiên, dùng thuốc được một thời gian thì càng ngày càng ngứa, toàn bộ cơ thể nổi từng lát rộp trên da, bong tróc. Lúc đó, ông Đ mới tìm đến viện.

Thuốc đông y có những độc dược dùng để trị bệnh nên khi sử dụng phải đúng liều lượng cho phép (Ảnh minh họa)

Thuốc đông y có những độc dược dùng để trị bệnh nên khi sử dụng phải đúng liều lượng cho phép (Ảnh minh họa)

Sau khi thăm khám tại nhiều khoa không tìm được nguyên nhân, ông Đ. được chuyển tới Khoa Chống độc. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông Đ. bị nhiễm độc cơ thể do dùng thuốc đông y.

Theo ThS. BS. Doãn Uyên Vy, Phụ trách Phòng khám Chống độc, BV Chợ Rẫy, thời gian qua, tại đây tiếp nhận nhiều ca bị bệnh lý về suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da vàng mắt, da nổi sần sùi, sạm da; có ca bệnh bị tiêu chảy kéo dài gây viêm ruột mạn tính, làm mất đạm qua ruột.

Bên cạnh đó, có những ca nặng hơn, tổn thương nhiều cơ quan khác nhau cùng lúc. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim cấp, cơ tim giảm động, suy thận cấp, viêm gan cấp tính, lơ mơ, hôn mê… có thể dẫn đến tử vong.

Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cũng từng tiếp nhận không ít bệnh nhân trong tình trạng tương tự. Điển hình như bệnh N.T.T (Bắc Giang) được chuyển cấp cứu lên từ BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng suy đa tạng kèm viêm phổi.

Theo người nhà bệnh nhân, bà T. vốn mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng men gan, thoái hóa cột sống. Bà lại hay bị đau xương khớp nên nghe theo lời mách của hàng xóm, bà mua thuốc nam từ Hòa Bình về uống.

Được khoảng 10 ngày thì bà T. thấy mệt mỏi tăng dần, sốt, ăn uống kém, tức bụng. Điều trị tại BV Đa khoa Bắc Giang, bà T. được chẩn đoán viêm gan cấp, viêm thận cấp, theo dõi ngộ độc thuốc nam. Sau ít ngày, bệnh nhân trở nặng, suy đa tạng kèm viêm phổi nên nhanh chóng chuyển về BV Bạch Mai.

Tại đây, các bác sĩ gửi mẫu thuốc thuốc nam bà T. dùng sang Viện Pháp y Quốc gia, kết quả phát hiện có chất Paracetamol được trộn lẫn vào thuốc.

Theo TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, tại đây thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, thành phần.

Nguy hiểm nếu tùy tiện sử dụng

Tổn thương của một bệnh nhân bị nhiễm độc do dùng thuốc đông y chữa men gan tăng cao

Tổn thương của một bệnh nhân bị nhiễm độc do dùng thuốc đông y chữa men gan tăng cao

Chia sẻ về ca ngộ độc thuốc nam có chứa Paracetamol, BS. Nguyễn Trung Nguyên cho hay, trước đây gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân dùng thuốc nam có trộn Corticoid, còn với ca này là ít gặp.

Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt, chỉ uống với liều lượng và hướng dẫn cụ thể khi có chỉ định của bác sĩ. Việc trộn Paracetamol vào thuốc nam với liều lượng không được công bố khiến bệnh nhân bị ngộ độc.

Theo ThS. BS. Doãn Uyên Vy, bên cạnh các ca ngộ độc do dùng thuốc đông y kéo dài với mục đích bồi bổ sức khỏe, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ, cũng có ca ngộ độc do dùng thuốc tây y lâu dài và gặp tác dụng phụ.

BS. Vy dẫn chứng, có bệnh nhân uống thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol 500mg, 2 viên/ngày nhưng sử dụng liên tục trong 5 tháng. Sau đó bệnh nhân xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu chân răng khi đánh răng. Đây chính là tác dụng phụ của Paracetamol khi sử dụng liên tục dù là liều thấp.

“Nhiều người nghĩ thuốc Đông y lành, sử dụng thoải mái nên thường tự ý đi mua uống lâu dài. Tuy nhiên, dù cây cỏ cũng có chất độc tự nhiên trong đó. Thuốc đông y thường được tự pha chế thủ công, liều lượng không đồng đều ở các viên thuốc.

Thậm chí, có những viên thuốc được bào chế chứa hàm lượng thạch tín, thủy ngân cao gấp 10 - 30 lần so với liều trong sách thuốc đông y hướng dẫn. Do đó, người bệnh tùy tiện sử dụng những loại thuốc đông y này lâu dài sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc từ các kim loại nặng độc hại”, BS. Vy cho biết.

Theo BS. Vy, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ ràng thì bệnh nhân đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Khi bị nhiễm độc quá nặng, nguy cơ tử vong cao. Thuốc tây y hay thuốc đông y đều có những độc dược dùng để trị bệnh, nên khi sử dụng phải đúng liều lượng cho phép, trong thời gian rất ngắn và cần theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân.

Để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc, người dân khi có bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế và uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc theo kinh nghiệm dân gian, truyền tai, mách bảo nhau, thuốc trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh tiền mất, tật mang.

Lan Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-trong-nhiem-doc-vi-tu-y-dung-thuoc-nam-d548805.html