Cẩn trọng trào lưu kiếm tiền bằng thu thập đồng xu Jagat
Tưởng chừng chỉ là một hoạt động vui chơi có thưởng, nhưng trào lưu tìm xu Jagat dường như đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Bùng nổ tìm xu Jagat
Thời gian gần đây, Jagat đã trở thành một từ khóa gây sốt trong cộng đồng giới trẻ. Gắn liền với khái niệm "xu Jagat", đây không chỉ là một trò chơi hay hoạt động giải trí mà còn mang lại cơ hội kiếm tiền thực sự, khiến nhiều người hào hứng tham gia và không ngừng bàn luận.
Trào lưu "Truy tìm đồng xu Jagat" bùng nổ trong giới trẻ TP.HCM vào đầu tháng 11/2024 và sau đó bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội vào giữa tháng 12.
Người chơi chỉ cần tải một ứng dụng mạng xã hội về điện thoại, sau đó nhận được các manh mối về vị trí của một đồng xu đặc biệt được giấu kín tại những địa điểm bí mật.
Ở TP.HCM, những khu vực trung tâm như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thảo Cầm Viên thường là nơi giấu các đồng xu trong khi tại Hà Nội, các địa điểm sẽ ở công viên Thống Nhất, Hồ Gươm...
Theo hướng dẫn, họ sẽ lần lượt giải mã các gợi ý để đến được nơi cất giấu đồng xu – có thể là bờ rào, gốc cây, hoặc thậm chí trong một chiếc thùng rác. Khi tìm thấy, người chơi có thể sử dụng mã vạch hoặc số seri trên đồng xu để đổi lấy những phần quà hấp dẫn.
Với độ "hot" của trào lưu, giá trị của đồng xu đã được tăng lên với 3 mức tương ứng: Đồng - 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, Bạc - 10 triệu đồng và Vàng - 30 triệu đồng.
Sau hơn một tháng rầm rộ, hàng loạt bài viết và video được các bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội, hào hứng khoe "chiến tích" là những đồng xu có giá trị cao, từ 10 đến 30 triệu đồng.
Dù vậy, chia sẻ với phóng viên, một bạn trẻ cho biết: "Em và bạn của mình đã chơi được hơn 1 tuần nay. Tuy nhiên, bọn em chỉ mới tìm được các đồng xu giá trị thấp. Trên hội nhóm, nhiều người cũng bắt đầu nghi ngờ về các câu chuyện kiếm được xu 10 hay 30 triệu đồng. Mọi người phỏng đoán có thể những xu giá trị cao chỉ dùng để tạo fomo và các video chủ yếu được quay lại từ người nhà Jagat".
Theo ghi nhận, nhiều bạn trẻ, sinh viên đại học thậm chí còn nghỉ học để tham gia trò chơi với hi vọng một ngày có thể kiếm được 1- 2 triệu đồng.
Tưởng chừng chỉ là một hoạt động vui chơi có thưởng, nhưng trào lưu tìm xu Jagat dường như đang để lại nhiều hậu quả khó lường. Nhiều bạn trẻ mải mê với giấc mộng kiếm được hàng chục triệu đồng, mà không nhận ra rằng “chẳng ai cho không ai điều gì”.
Một số người đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc để tham gia săn xu, nhưng cuối cùng nhận lại là những phần thưởng không tương xứng. Đáng lo ngại hơn, sự cuốn hút của xu Jagat còn khiến nhiều bạn trẻ bỏ bê học tập, công việc, chạy theo giấc mơ “đổi đời nhanh” mà không lường trước rủi ro.
Câu hỏi đặt ra là: liệu trào lưu này thực sự mang lại giá trị, hay chỉ là một cơn sốt ảo với những hệ lụy kéo dài?
Cẩn trọng khi tìm xu Jagat
Về bản chất, phương thức marketing này không mới, đã được áp dụng vào nhiều ứng dụng hay trò chơi, tiêu biểu là Pokémon Go.
Tuy nhiên, trong quá khứ, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc khi người chơi náo loạn công cộng hoặc mải mê nhìn vào định vị trên ứng dụng để tìm đồ vật.
Trong trường hợp của Jagat, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự công cộng, mà còn đe dọa đến sự an toàn của các bạn trẻ khi phải đi tìm xu vào ban đêm, thậm chí xuyên đêm, đặc biệt tại những khu vực như hồ nước trong công viên.
Bên cạnh đó, giới trẻ cũng chưa lường trước hệ lụy khi phải cài đặt một ứng dụng "chạy ngầm", bắt buộc người chơi cấp quyền theo dõi liên tục để sử dụng.
Theo tìm hiểu, chức năng của Jagat sau khi cài đặt có nhiều điểm tương đồng với Zenly - ứng dụng theo dõi từng gây nhiều phẫn nộ. Jagat cho phép theo dõi vị trí, khả năng xem dung lượng pin điện thoại của bạn bè, người thân; xem người khác ở nguyên vị trí trong bao lâu hay di chuyển với tốc độ như thế nào, trò chuyện, kết bạn.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều người lo lắng khi các bạn trẻ tải về và cài đặt ứng dụng của Jagat.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu nhấn mạnh rằng vị trí là một trong những thông tin cá nhân nhạy cảm và quan trọng nhất của mỗi người dùng, bởi nếu thông tin này rơi vào tay kẻ xấu, nó có thể trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng. Ông cho rằng, các ứng dụng khuyến khích người dùng chia sẻ vị trí luôn đi kèm những rủi ro nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ bị lợi dụng để theo dõi.
Một ví dụ điển hình là cộng đồng sử dụng ứng dụng Zenly trước đây, nơi nhiều người từng chia sẻ cách cài ứng dụng này lên điện thoại của bố mẹ, người yêu hoặc người thân mà không được sự đồng ý. Họ thậm chí tắt toàn bộ thông báo và để ứng dụng chạy ngầm nhằm bí mật theo dõi vị trí của đối phương. Ngoài ra, trên các diễn đàn và nhóm mạng xã hội, có không ít trường hợp người dùng chủ động chia sẻ mã QR để kết bạn với người lạ, mà không nhận ra rằng việc này có thể tạo cơ hội cho những kẻ xấu tiếp cận thông tin cá nhân của mình.
“Các nhà phát triển thường cam kết rằng họ không kinh doanh dữ liệu người dùng, nhưng người dùng thực tế lại không thể kiểm soát hoặc biết được dữ liệu của mình sẽ bị khai thác theo cách nào,” ông Hiếu cảnh báo. Ông cũng chỉ ra rằng ngay cả khi các nhà phát triển ứng dụng tuân thủ đúng cam kết, nguy cơ bị hacker tấn công và đánh cắp thông tin vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi.
Để bảo vệ quyền riêng tư và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn, ông Hiếu khuyến nghị người dùng nên cẩn trọng khi cấp quyền truy cập vị trí cho các ứng dụng. “Hạn chế tối đa quyền truy cập vào vị trí hoặc chỉ cấp quyền khi thực sự cần thiết là cách tốt nhất để bảo vệ thông tin của chính mình,” ông nhấn mạnh. Đồng thời, ông khuyên người dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chia sẻ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng, dù chúng có được quảng bá là an toàn hay đáng tin cậy đến đâu.
Việc sử dụng các ứng dụng chia sẻ vị trí không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn liên quan trực tiếp đến ý thức bảo vệ quyền riêng tư của từng cá nhân. Trong bối cảnh dữ liệu cá nhân ngày càng trở thành mục tiêu bị khai thác, mỗi người cần tự trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân trước những rủi ro không đáng có.