Cẩn trọng trong việc đề xuất chính sách giáo dục

Thực hiện lộ trình đổi mới tài chính giáo dục đến năm 2025, Bộ GD-ĐT dự thảo Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP đang được thực hiện trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Có thể nói, Nghị định 86/2015/NĐ-CP đã có tác dụng tốt trong việc đổi mới cơ chế tài chính GD-ĐT theo tinh thần của Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Việt Nam. Đến hết năm học 2019-2020, ước tính số thu học phí trong các cơ sở GD-ĐT công lập đạt bình quân 42.755 tỷ đồng/năm.

Số thu này chỉ chiếm 19,32% trong tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) cho GD-ĐT công lập (bình quân 221.250 tỷ đồng/năm giai đoạn 2015-2020), nhưng đã đóng góp nhất định vào việc huy động nguồn lực cho xây dựng và phát triển sự nghiệp GD-ĐT, như nâng cấp sửa chữa cải tạo cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học, chi cho hoạt động giáo dục... Nguồn thu này tạo động lực tích cực trong việc phát triển và không ngừng nâng cao chất GD-ĐT.

Trong khi đó, Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quy định, đến năm 2018, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN (đối với GD-ĐT là học phí) tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý. Thực tế cho thấy, thu học phí chỉ chiếm 6,32% tổng chi thường xuyên cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, tức là thu học phí chưa đạt lộ trình tính đủ chi phí như quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Theo giải trình của Bộ GD-ĐT, ở một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thì mức trần học phí mầm non, phổ thông vùng thành thị (300.000 đồng/tháng/học sinh) được đánh giá là quá thấp; chưa có khung học phí cho các trường đã thực hiện tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Cách tiếp cận của dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86 là nhằm mở rộng mức trần học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông để thực hiện chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học, tiến tới thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, năm 2020 là một năm Việt Nam đang chịu rất nhiều thách thức khó khăn về kinh tế - xã hội.

Dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta. Con số thất nghiệp lớn, chỉ riêng quý 2 lên đến 1,3 triệu người. Thêm nữa là những trận bão đổ vào khắp miền Trung gây ra lũ lụt và phá hủy ghê gớm môi trường sống và sản xuất - kinh doanh ở khu vực này; dù Nhà nước và các tổ chức, cá nhân rất cố gắng cứu trợ nhưng chỉ giảm bớt được khó khăn phần nào cho nhân dân trong vùng. Vì thế, dễ hiểu khi việc đưa ra dự thảo nghị định nói trên về học phí của Bộ GD-ĐT gây phản ứng gay gắt trong dư luận. Mọi chính sách tác động đến người dân trong thời điểm này đều phải cân nhắc đến mức nghiêm cẩn, bởi ai cũng biết đến những khó khăn của nền kinh tế trong năm nay và cả năm 2021 trong bối cảnh thế giới chưa có dấu hiệu thuyên giảm số người bị mắc Covid-19.

Giáo dục là lĩnh vực luôn nhạy cảm, tác động thiết thân đến từng người dân, nhất là người nghèo. Trong bối cảnh như vậy, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT (cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ quan tham mưu chính sách giáo dục do Chính phủ) cần phải tính toán kỹ lưỡng thời điểm ban hành, trong đó có vấn đề học phí. Mọi chính sách ban hành, dù có thể đúng, nhưng thời điểm không thích hợp cũng khiến cho hiệu quả chính sách bị giảm, thậm chí bị xã hội phản ứng gay gắt. Đừng khiến xã hội có tâm lý là Bộ GD-ĐT làm việc ngẫu hứng, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính toán, thiếu lắng nghe…

Dù sau khi dư luận phản ứng, Bộ GD-ĐT đã đề xuất lùi thời gian tăng học phí, nhưng khung học phí tới đây cũng phải bảo đảm hợp lý, phải lắng nghe ý kiến của người dân để có được sự đồng thuận cao nhất về chính sách tài chính mới.

TS HOÀNG NGỌC VINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/can-trong-trong-viec-de-xuat-chinh-sach-giao-duc-697524.html