Cẩn trọng trước chiêu trò thu tiền trái phép đưa lao động đi nước ngoài
Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện đang có tình trạng các đối tượng lừa đảo người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, Bộ khuyến cáo người lao động liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp dịch vụ hoặc cơ quan lao động nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ.
Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phát đi thông tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, thời gian gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được kiến nghị, phản ánh của người lao động, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về các đối tượng mạo danh là cán bộ/nhân viên doanh nghiệp dịch vụ để lừa đảo, thu tiền của người lao động. Đáng chú ý, có trường hợp đối tượng mạo danh sử dụng tên doanh nghiệp gần giống với tên của doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép. Hay tài khoản nhận tiền là tài khoản cá nhân trùng với tên lãnh đạo của doanh nghiệp dịch vụ có giấy phép.
Để tránh bị các đối tượng lừa đảo, trục lợi, đồng thời làm ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp dịch vụ, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp dịch vụ, hoặc cơ quan lao động nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ và làm thủ tục đưa đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
“Người lao động nên trực tiếp nộp tiền dịch vụ tại doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lưu ý, không nộp tại Chi nhánh của doanh nghiệp. Đồng thời, người lao động nên yêu cầu doanh nghiệp dịch vụ cấp phiếu thu tiền hoặc hóa đơn có các nội dung, bao gồm: tên đầy đủ của doanh nghiệp, ngày lập chứng từ, tên người nộp tiền, số tiền và nội dung nộp, tên kế toán, tên thủ quỹ và đóng dấu doanh nghiệp (ghi rõ họ tên, chức danh và ký nhận). Người lao động cũng nên đối chiếu, kiểm tra thông tin doanh nghiệp để đảm bảo là doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép (tên, địa chỉ, mã số thuế...)” - Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo.
Trong trường hợp vì lý do khách quan, người lao động không thể nộp tiền trực tiếp tại doanh nghiệp mà nộp bằng hình thức chuyển khoản, cần kiểm tra kỹ thông tin để đảm bảo số tài khoản nhận tiền, tên tài khoản đúng của doanh nghiệp dịch vụ.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đề nghị khi có vấn đề phát sinh liên quan đến các doanh nghiệp dịch vụ, các đối tượng mạo danh nhân viên doanh nghiệp dịch vụ, người lao động phản ánh tới cơ quan chức năng là Cục Quản lý lao động ngoài nước, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương… để được hướng dẫn và xử lý.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2023, có hơn 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, gửi về khoảng 3,5 – 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm.
Lao động làm việc tại Hàn Quốc có thu nhập cao nhất, từ 1.600 – 2.000 USD; tiếp theo là Nhật Bản 1.200 – 1.500 USD... Thị trường Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, dao động 600 – 1.000 USD đối với lao động có tay nghề và 400 – 600 USD với lao động phổ thông.
Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước, địa chỉ: “http://dolab.molisa.gov.vn” (tại mục: danh sách doanh nghiệp xuất khẩu lao động).