Cẩn trọng trước nguy cơ dịch chồng dịch

Những ngày qua, sốt xuất huyết (SXH) và Covid-19 tại Hà Nội có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong khi đó, tại nhiều bệnh viện ghi nhận tình trạng trẻ nhỏ mắc cúm A tăng đột biến.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Nguồn: BV Bạch Mai.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Nguồn: BV Bạch Mai.

Thông tin từ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương, trong vài tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhi phải nhập viện do cúm A đang có xu hướng tăng cao bất thường so với những năm trước.

TS. BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết: “Rất nhiều bệnh nhân đến khám có những biểu hiện rầm rộ và điển hình của bệnh cúm. Sau khi làm các xét nghiệm, chúng tôi phát hiện đến 20-25% bệnh nhân bị cúm A trong tổng số hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày tại khoa Nhi của Bệnh viện”.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn với bệnh nhân đủ các lứa tuổi, từ người lớn đến trẻ nhỏ.

BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng khoa bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn thông tin: “Những ngày gần đây, tại bệnh viện có dấu hiệu gia tăng các bệnh nhân mắc cúm A. Cao điểm, bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 10 bệnh nhân mắc cúm A vào điều trị; trong khi trước đó chỉ ghi nhận lác đác một vài ca”.

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, thường xảy ra vào mùa đông xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm mùa). Bệnh cúm A được gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9,…

Bệnh lây lan qua đường hô hấp, từ các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng,… Mặc dù đa phần cúm A có diễn biến lành tính, thế nhưng cảm giác đau đầu, mệt mỏi mà nó gây ra không hề dễ chịu.

Anh Vũ Hồng Cường (33 tuổi, ở Hà Nội) cho biết: Cả gia đình tôi mới mắc cúm A vào tuần trước, thậm chí theo tôi quan sát, cơ quan tôi cũng khoảng chừng 20% mắc bệnh cúm này”.

Sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua trên địa bàn thành phố ghi nhận 52 ca mắc SXH - tăng gấp đôi so với tuần trước đó. Đồng thời, trong tuần cũng ghi nhận 3 ổ dịch SXH mới tại 3 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 7 ổ dịch SXH tại 4 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Đan Phượng. Hiện còn 5 ổ dịch đang hoạt động.

Cùng với số ca bệnh bắt đầu gia tăng, tại một số bệnh viện cũng ghi nhận những ca bệnh nặng do SXH, trong đó có bệnh nhân do nguồn lây tại Hà Nội và cả bệnh nhân trở về từ TPHCM.

Các chuyên gia y tế nhận định, mặc dù năm nay dịch SXH bùng phát muộn hơn các năm nhưng dự báo tháng 7 và tháng 8 sẽ là thời điểm dịch gia tăng mạnh mẽ tại miền Bắc.

Được biết, tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã ghi nhận một số trường hợp nhập viện do dịch bệnh này. Một trường hợp cụ thể, bệnh nhân N.C.T. (ở Hà Nội) nhập viện do sốt liên tục trong 5 ngày kèm đau đầu. Bệnh nhân kèm một số biểu hiện buồn nôn, ăn uống kém, sốt cao liên tục, tự uống thuốc ở nhà không cải thiện được.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân đã được tiến hành xét nghiệm có tình trạng giảm tiểu cầu, xuất huyết niêm mạc. Bệnh nhân sau đó được chẩn đoán mắc SXH và không có yếu tố dịch tễ liên quan tới khu vực phía Nam.

Một trường hợp khác cũng được đưa tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng đau đầu, sốt cao và co giật khi sốt ngày thứ 2. Đáng lo ngại, sau khi làm các xét nghiệm có liên quan, các bác sĩ xác định bệnh nhân đồng thời mắc SXH và dương tính với Covid-19.

Các chuyên gia y tế cho biết, SXH và Covid-19 đều là bệnh gây ra do virus. Do đó, 2 bệnh lý này có thể gây ra những triệu chứng chồng lấp, gây khó khăn cho việc điều trị cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường lý giải: “Nếu bệnh nhân chỉ mắc SXH đơn thuần, triệu chứng là rất mệt mỏi, sốt cao. Tuy nhiên, kèm theo mắc Covid-19, triệu chứng sẽ nặng nề hơn, vẫn sốt cao, mệt mỏi và phải điều trị kéo dài hơn.

Nguyên nhân là Covid-19 gây tổn thương phổi, viêm phổi làm suy hô hấp còn SXH gây sốc, suy giảm chức năng hệ tuần hoàn. Khi cơ thể bị tổn thương nặng nề cả hệ hô hấp và tuần hoàn, các bác sĩ phải tính toán, cân nhắc rất kỹ khi sử dụng các thuốc, các phương pháp điều trị”.

Phòng ngừa nguy cơ dịch chồng dịch

Lý giải về nguyên nhân nhiều dịch bệnh có diễn biến phức tạp trong thời gian qua, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM cho hay: “Bệnh trái mùa, bệnh đến sớm so với những năm trước đó là do trẻ em ở nhà quá lâu để phòng, chống dịch Covid-19, bây giờ trẻ đi học thì các bệnh lây truyền gia tăng”.

Đáng lo hơn, bên cạnh SXH, tay chân miệng và cúm A, Hà Nội đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 (ghi nhận 3 ca được giải trình tự gen tại Bệnh viện Bạch Mai, biến chủng này được dự báo có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng cũ), do đó trong thời gian tiếp theo có thể ghi nhận sự gia tăng số ca mắc, cần giám sát chặt chẽ.

Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại, việc tránh nguy cơ “dịch chồng dịch” là cần thiết và cấp bách. Theo các chuyên gia y tế, biện pháp hữu hiệu nhất là người dân cần tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại và vaccine phòng cúm A.

Bên cạnh đó là các biện pháp phòng, chống dịch như đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng để chủ động phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/can-trong-truoc-nguy-co-dich-chong-dich-5690728.html