Cẩn trọng với áp lực chốt lời
Sự thăng hoa và lan tỏa của dòng tiền giúp VN-Index vượt dứt khoát ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm, nhưng chỉ số có thể sẽ gặp khó khăn tại ngưỡng kháng cự tiếp theo.
Cẩn trọng tại ngưỡng kháng cự 1.220 điểm
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua trong sắc xanh, VN-Index đánh dấu tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp kể từ đầu tháng 7/2023, từ 1.120 điểm lên 1207,64 điểm, tăng gần 8%.
Tuy diễn biến trong tuần có nhiều rung lắc khi VN-Index tiến đến vùng kháng cự tâm lý 1.180 - 1.200 điểm, nhưng sự thăng hoa và lan tỏa của dòng tiền trong thị trường chung giúp chỉ số vượt dứt khoát ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm. Theo đó, khối lượng giao dịch đạt trên 850 triệu cổ phiếu/phiên trong cả tuần, vượt trội so với trung bình khối lượng 20 ngày và có chiều hướng tăng mạnh trong các phiên gần đây.
Diễn biến tích cực của giá cùng với thanh khoản lan tỏa tốt đã hỗ trợ cho VN-Index có động lực tăng điểm vững vàng. Tuy vậy, chỉ báo kỹ thuật về động lượng RSI (14) duy trì trong thời gian dài tại vùng quá mua là một tín hiệu cảnh báo cho khả năng rung lắc trong thời gian sắp tới.
Mặt khác, VN-Index đang tiến dần đến vùng Fibonacci 50% tại 1.220 điểm trở nên đáng lưu ý khi chỉ số đã tăng liên tục, vượt qua nhiều ngưỡng kháng cự lớn mà chưa có nhịp điều chỉnh kỹ thuật trở về nền giá tích lũy.
Do đó, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm, hướng đến ngưỡng kháng cự 1.220 điểm, nhưng cần cẩn trọng với áp lực chốt lời tại ngưỡng kháng cự mới là quan điểm đáng lưu ý trong giai đoạn hiện tại.
Về dòng tiền, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và bluechips được dòng tiền lớn quan tâm, tạo lực đẩy chung cho thị trường. Nhóm ngành bán lẻ có mức tăng giá vượt trội so với các nhóm ngành khác, tiếp theo là dịch vụ tài chính và công nghệ thông tin. Xét khối lượng giao dịch, bất động sản, dịch vụ tài chính và ngân hàng thuộc Top 3 trong tuần qua.
Xuất khẩu và logistics có triển vọng sáng
Trong nửa đầu năm 2023, thương mại Việt Nam đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh, gây ra bởi tác động của nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Trong đó, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt giảm 12,1% và 18,2% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị, dệt may và giày dép chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu gần đây có chuyển biến tích cực, với việc xuất khẩu tháng 5 và tháng 6 tăng lần lượt 4,3% và 4,5% so với tháng liền trước, được hỗ trợ từ việc nền kinh tế Trung Quốc đang dần tiến tới mở cửa hoàn toàn sau dịch Covid-19.
Bên cạnh nhiều nhóm ngành có sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu như hàng điện tử, máy tính và dệt may, xuất khẩu nhóm hàng gạo, cà phê và nông sản ghi nhận tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 nhờ nhu cầu tăng cũng như nguồn cung thế giới bị hạn chế. Chính sự tăng trưởng liên tục về xuất khẩu của nhóm các mặt hàng nông nghiệp đã giúp cho thương mại Việt Nam giảm bớt ảnh hưởng từ kinh tế thế giới ảm đạm.
Số liệu vĩ mô từ các quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu có dấu hiệu tích cực, như lạm phát tại Anh, Mỹ, EU dần hạ nhiệt, mặc dù lãi suất giữ ở mức cao để kéo lạm phát về mức mục tiêu.
Kafi cho rằng, trong thời gian tới, thương mại thế giới có thể tăng chậm do nhu cầu tiêu dùng và sản xuất phục hồi nhẹ. Kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại đang mở ra tiềm năng lớn cho hoạt động thương mại toàn cầu.
Với việc kinh tế Trung Quốc và Mỹ, 2 thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam đang dần cải thiện, hoạt động thương mại có thể tiếp tục xu hướng phục hồi trong giai đoạn nửa sau năm 2023. Kéo theo đó, các doanh nghiệp logistics được hưởng lợi từ xu hướng này.
Việc xuất khẩu nhóm hàng nông sản tích cực (vốn là sản phẩm chủ lực của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên) và kỳ vọng duy trì xu hướng tăng trong giai đoạn cuối năm 2023 sẽ giúp các doanh nghiệp ngành cảng biển ở khu vực miền Nam được hưởng lợi.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/can-trong-voi-ap-luc-chot-loi-post326848.html