Cẩn trọng với app cho vay online

Cứ vào dịp cuối năm, các ứng dụng (app) cho vay online lại 'dội bom' mời chào qua tin nhắn, tài khoản mạng xã hội, với phương thức vay siêu dễ, chỉ cần số điện thoại và chứng minh nhân dân là người tiêu dùng dễ dàng vay được số tiền vài chục triệu đồng trong vòng vài giờ.

Hiện nay, ngân hàng không thể giải quyết hết tất cả nhu cầu của những người cần nguồn tiền vay ngắn hạn, đặc biệt với những khoản vay nhỏ không có tài sản thế chấp. Vì vậy, cần sớm có khuôn khổ pháp lý để phát triển nhiều định chế tài chính cùng tham gia vào hoạt động huy động và cho vay, có như vậy sẽ hạn chế được tín dụng “đen”.

Cho vay online “dội bom” người dùng

Chị H. tại Hà Nội cho biết những ngày gần đây liên tục nhận được đường link giới thiệu vay tiền trên mạng. Đang cần tiền, chị làm theo các yêu cầu của app: chụp hình chân dung, cho phép app thâm nhập vào danh bạ điện thoại, Facebook... và chỉ hơn 10 phút sau, chị đã nhận được số tiền 3 triệu đồng trong tài khoản (trên số tiền vay 5 triệu đồng), lãi suất lên đến 5%/ngày.

Tương tự, anh B. khi đang lướt Facebook thấy dòng quảng cáo của một ứng dụng vay online. Ứng dụng này yêu cầu cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan mới chấp nhận cho vay, anh B. đồng ý và được duyệt vay số tiền 3,2 triệu đồng trả trong 15 ngày với lãi suất là 800.000 đồng/15 ngày. Đến thời hạn trả, anh B. chưa có điều kiện trả, nên khất nợ thêm khoảng 3 ngày. Ứng dụng đồng ý cho khất nhưng tính lãi suất 100.000/ngày với lý do lãi suất cộng thêm phí phạt trả chậm.

Không có nhu cầu vay tiền, nhưng chị N. cũng liên tục nhận được các tin nhắn mời chào vay tiền qua các app. Thậm chí, sau khi nhận được tin nhắn qua điện thoại, chị N. đang lướt Facebook thấy dòng quảng cáo của chính ứng dụng này.

Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, chỉ cần gõ từ khóa “vay tiền” trên CH Play, hoặc app store trên điện thoại thấy xuất hiện rất nhiều ứng dụng vay tiền với các cam kết hấp dẫn như vay nhanh, vay nhiều, lãi suất thấp, chỉ cần xác minh thông tin online.

Hầu hết các ứng dụng này báo lãi suất vừa phải, có khi rẻ hơn lãi suất của các cơ sở tín dụng và ngân hàng, nhưng đến khi duyệt xong sẽ tính mức lãi khác, số tiền thực nhận cũng thấp hơn so với khoản vay ban đầu, với đủ các lý do như: phí bổ sung, phí bảo hiểm.

Thực tế, thời gian qua, hàng loạt app cho vay online đã bị cơ quan chức năng phát hiện hoạt động như một đường dây tín dụng đen như: VN online, Moreloan, Vaytocdo… Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan quản lý, trên thị trường vẫn còn hàng chục app cho vay cắt cổ khác đang hoạt động rầm rộ, ra sức mời chào người dân vay vốn, phổ biến nhất là hình thức tiếp cận “con mồi” qua các mạng xã hội.

Người tiêu dùng cần thận trọng với các app cho vay online thực chất là tín dụng đen

Người tiêu dùng cần thận trọng với các app cho vay online thực chất là tín dụng đen

Cần có hành lang pháp lý

Tại hội thảo về tín dụng đen tổ chức mới đây, đại diện Bộ Công an đưa ra nhận định về dạng cho vay thông qua các app: Hiện nay trên thị trường xuất hiện, nhiều app cho vay tiền online. Qua xác minh một số vụ tố giác vay nợ qua app đã phát hiện những địa chỉ công ty quảng cáo cho vay qua app là những địa chỉ ma. Đây là dấu hiệu của tội phạm hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Phương thức chung của hoạt động cho vay thông qua app là giao dịch ngầm, sự thỏa thuận giữa con nợ và chủ nợ không được chứng thực. Đa số các app có một “ông chủ” đứng đằng sau điều hành. Khi người vay chậm trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán, các “ông chủ” cho đòi nợ thông qua “lực lượng đòi nợ thuê”, từ đó phát sinh các hành vi trái luật như đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người...

Theo các chuyên gia, thực tế app chỉ là phương tiện cho người có tiền và người cần tiền giao dịch và chưa có quy định cấm giao dịch giữa cá nhân với cá nhân. Tuy nhiên, theo quy định, tổ chức hoạt động tín dụng phải có một số điều kiện như được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước, số vốn tối thiểu, cách thức cho vay...

Như vậy, tổ chức cho vay qua app không tuân thủ quy định trên là vi phạm pháp luật. Luật không cấm cá nhân cho cá nhân vay, nhưng tổ chức hay cá nhân cho vay lãi suất quá mức quy định cho phép thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi.

Ts Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho biết hình thức cho vay qua app chính là hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) - là khoản cho vay trực tiếp giữa người cho vay và người đi vay thông qua nền tảng công nghệ số kết nối trực tuyến (platform) mà không qua trung gian tài chính. Hình thức cho vay này đang chứa đựng nhiều rủi ro do sự thiếu hụt về hành lang pháp lý.

Vì vậy, cơ quan quản lý cần phải đặt ra tất cả các vấn đề để nghiên cứu thí điểm hình thức cho vay qua công ty công nghệ này, nhằm hạn chế, ngăn chặn tiêu cực, phát huy mặt tích cực của nó.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng hoạt động cho vay ngang hàng nếu được quản lý tốt sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống tài chính chưa phát triển; người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng với chi phí thấp, ít thủ tục.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/can-trong-voi-app-cho-vay-online-1064119.html