Cẩn trọng với bệnh đột quỵ khi trời rét đậm

Ngoài các bệnh lý hô hấp, da liễu, biến cố về tim mạch, đột quỵ là mối nguy cơ sức khỏe hàng đầu trong thời tiết lạnh.

Trong một tuần trở lại đây, Hà Nội và TP.HCM đón nhận liên tiếp các đợt không khí lạnh tăng cường khiến nền nhiệt hạ thấp. Nhiệt độ Hà Nội có ngày chỉ còn 9 độ C. Người dân đi làm sớm đã cảm nhận được cái rét tê cóng.

Tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cũng bắt đầu đón nhận đợt không khí lạnh từ hôm nay (9/1). Nhiệt độ có thể xuống thấp dưới 20 độ C.

Các bác sĩ cảnh báo với thời tiết rét đậm, rét hại ở phía Bắc và đợt lạnh đột ngột ở phía Nam có thể khiến cơ thể khó thích nghi. Trong đó, người già, trẻ em và những người làm việc ngoài trời gặp nhiều ảnh hưởng nhất.

Nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ não

Bác sĩ Hoàng Văn Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết thời tiết lạnh hoặc tắm nước lạnh đột ngột sẽ kích thích “hệ thần kinh tự chủ” gây ra tăng nhịp tim, co mạch ngoại biên từ đó làm tăng huyết áp.

Khi nhịp tim và huyết áp tăng lên, trái tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để có thể vận chuyển oxy đi nuôi cơ thể. Do đó, người có bệnh tim mạch dễ xuất hiện cơn đau thắt ngực. Đây có thể là tiền đề dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não.

 Người lớn tuổi có nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ não khi thời tiết đột quỵ chuyển lạnh. Ảnh minh họa: Medical News Today.

Người lớn tuổi có nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ não khi thời tiết đột quỵ chuyển lạnh. Ảnh minh họa: Medical News Today.

Ngoài ra, người bị bệnh rung nhĩ (một loại rối loạn nhịp tim hoàn toàn) vào mùa đông sẽ dễ bị đột quỵ nhồi máu não hơn. Khi thân nhiệt bị hạ thấp, người có bệnh QT dài (đoạn QT trên điện tâm đồ dài hơn mức bình thường) có thể tiến triển thành xoắn đỉnh, ngưng tim nếu không đươc chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Nhất Nhiệm, khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cho hay trong khoảng từ tháng 10 đến nay, số lượng bệnh nhân đột quỵ đến cấp cứu tại đơn vị này tăng 20% so với thời gian trước.

"Thời tiết chuyển lạnh khiến lượng bệnh nhân đột quỵ tăng lên, đa số là xuất huyết não. Bệnh nhân thường có biểu hiện yếu liệt nửa người, mắt nhìn kém, cơ yếu, nói khó. Bệnh này thường diễn ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, nhưng trước đó có thể có cảm giác mệt, đau đầu...", bác sĩ Nhiệm cho hay.

Huyết áp, tim mạch

Theo bác sĩ Hoàng Văn Dũng, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cũng làm tăng nguy cơ gây các biến cố tim mạch. Nhiệt độ cao vào ban ngày có thể khiến cơ thể mất nước, hạ huyết áp. Trong khi đó, vào ban đêm, nhiệt độ quá lạnh sẽ gây co mạch ngoại biên, gây tăng huyết áp.

 Sự thay đổi nhiệt độ có liên quan các vấn đề huyết áp. Ảnh: Tricitymed.

Sự thay đổi nhiệt độ có liên quan các vấn đề huyết áp. Ảnh: Tricitymed.

Sự thay đổi này càng đột ngột, càng chênh lệch lớn thì nguy cơ đột quỵ càng cao. Ngoài ra, thời tiết lạnh dễ dẫn đến hình thành huyết khối trong lòng mạch máu, tăng nguy cơ tổn thương tim mạch.

Ngoài ra, bác sĩ Dũng khuyến cáo khi thời tiết lạnh, người ta có xu hướng “lười tập thể dục”, hút thuốc lá và uống cà phê nhiều hơn. Điều này thể làm cho huyết áp tăng thêm. Hơn nữa, người có bệnh tiểu đường cũng sẽ khó kiểm soát tốt được lượng đường huyết.

Hô hấp

Mùa lạnh cũng là mùa của bệnh cúm, viêm phổi. Khi trời lạnh, người ta thường hay tập trung ở trong nhà nhiều hơn, cửa thường đóng kín làm cho không khí khó lưu thông. Thiếu ánh sáng mặt trời có thể làm giảm tổng hợp vitamin D gây tình trạng suy giảm miễn dịch.

Mặt khác, thời tiết lạnh, khô sẽ làm virrus phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, người nhạy cảm với thời tiết và người trưởng thành cũng rất dễ bị viêm xoang do xoang mũi bị tổn thương.

Đối với trẻ em, tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trong mùa này, trẻ dễ gặp các vấn đề về nhiễm trùng hô hấp, viêm hô hấp trên (viêm mũi, viêm họng, viêm tai...). Một số bệnh như viêm hô hấp dưới, nhiều nhất là viêm phổi, viêm tiểu phế quản..., khiến trẻ phải nhập viện điều trị. Ngoài ra, chứng viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng, đặc biệt hen suyễn dễ tái phát vào mùa này.

 Khi nhiệt độ ngoài trời quá thấp, bạn nên tập thể dục tại nhà, tránh ra ngoài. Ảnh: Indiatimes.

Khi nhiệt độ ngoài trời quá thấp, bạn nên tập thể dục tại nhà, tránh ra ngoài. Ảnh: Indiatimes.

Người dân cần làm gì?

Theo bác sĩ Hoàng Văn Dũng, dù thời tiết lạnh, người dân nên duy trì thói quen tập thể dục. Nếu nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, người dân có thể tập thể dục trong nhà, chỉ ra ngoài trời nếu không quá lạnh hoặc ít gió, quan trọng nhất là giữ ấm cơ thể, chú ý vùng đầu và cổ.

Khi thời tiết lạnh, nhiều người thường quên uống nước do không có cảm giác khát. Tuy nhiên, dù lạnh, bạn cần cung cấp đủ nước cho cơ thể, tránh mất nước. Khi đủ nước, máu huyết lưu thông dễ hơn, các cơ quan trong cơ thể hoạt động nhịp nhàng hơn.

Bạn nên tránh uống rượu bia vì chúng có thể gây tăng thân nhiệt giả. Điều này càng dễ làm hạ thân nhiệt bị hạ nhanh hơn. Cũng nên tránh ăn no ngay trước hoặc sau khi hoạt động ngoài trời lạnh vì khi bạn ăn no, lượng máu sẽ dồn về cơ quan tiêu hóa nhiều hơn, đồng nghĩa với việc giảm lượng máu ở ngoại biên làm thân nhiệt của bạn giảm thêm.

Người lớn tuổi, có bệnh mạn tính như tim mạch, hô hấp..., hay trẻ em, phụ nữ có thai nên tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm. Việc tiêm phòng giúp ngừa viêm phổi, giảm triệu chứng nặng, giảm nhập viện, qua đó có thể làm giảm nguy cơ tử vong.

"Điều quan trọng nhất là hãy lắng nghe cơ thể bạn khi phải hoạt đồng ngoài trời giá rét. Nếu bạn cảm thấy mệt, nặng ngực, khó thở hay đau đầu, chóng mặt thì nên ngừng lại, vào nơi ấm, kín gió và giám sát y tế để đề phòng các biến cố sức khỏe nghiêm trọng", bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Nguyên nhân gây đột quỵ Đột quỵ là hiện tượng lưu lượng máu thông qua động mạch đến não giảm, khiến các tế bào chết.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-trong-voi-benh-dot-quy-khi-troi-ret-dam-post1171551.html