Cẩn trọng với bệnh liệt mặt

Liệt mặt (liệt dây thần kinh số 7) có nguy cơ xảy ra với bất kể lứa tuổi nào khi thời tiết, hoặc nhiệt độ đột ngột thay đổi, có sự chênh lệch lớn.

BS Nguyễn Thị Ngọc Châu - Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội cho hay, từ đầu mùa lạnh tới nay, bệnh viện đã khám chữa cho rất nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7. Có những ca đến thăm khám sớm, thời gian điều trị để phục hồi nhanh, nhưng cũng có không ít người để bệnh diễn tiến kéo dài hàng tuần, cơ mặt cứng đờ, mắt không thể khép kín mới đến bệnh viện thăm khám. Điều này gây khó khăn cho quá trình phục hồi của người bệnh.

Triệu chứng điển hình của liệt dây thần kinh số 7 là: Đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất hoặc mờ nếp nhăn trán; Mắt bên liệt nhắm không kín, mờ rãnh mũi - má, miệng méo sang bên không liệt, góc mép miệng bị xệ xuống; Chảy dãi hoặc nước một góc miệng, thức ăn hay đọng lại ở má bên liệt, người bệnh không làm được các động tác: Phồng má, cười, chu môi, nhăn trán.

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Châm cứu trung ương, liệt dây thần kinh số 7 có hai loại: Liệt dây thần kinh số 7 trung ương (do đột quỵ, tai biến) và liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (do lạnh, số ít do viêm tai giữa, zona thần kinh). 80% trường hợp nhập viện điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nhiễm lạnh hoặc thay đổi thời tiết đột ngột sang lạnh. Dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh này co lại gây tổn thương. Chỉ mất vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh đã có thể mắc bệnh.

Vào các thời điểm chuyển mùa, trời lạnh, số ca liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gia tăng. Thời gian qua mỗi ngày Khoa Khám bệnh đa khoa Bệnh viện Châm cứu Trung ương tiếp nhận tới hàng chục trường hợp. Trong đó, số ít bị liệt dây thân kinh ở cả 2 bên, mặt không bị lệch nhưng cứng đờ, cười hay khóc đều không biểu hiện rõ.

BS Nguyễn Hải Anh - Phó Khoa Y dược học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cho biết, liệt dây thần kinh số 7 cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý sọ não khác (chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não, u dây thần kinh…) nên khi có triệu chứng này, người bệnh nên đến khám ở các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa Thần kinh và phương tiện chụp để thăm khám và điều trị kịp thời.

Khi được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7, hướng điều trị là dùng thuốc tây y, corticoid, vitamin, thuốc dẫn truyền thần kinh, Đông y dùng thêm thuốc sắc, kết hợp châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, thủy châm, chiếu đèn hồng ngoại. Về tiến triển của bệnh, liệt mặt, méo miệng do liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không nguy hiểm đến tính mạng. Có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị đúng cách trong “giai đoạn vàng” từ 2-3 tuần ngay sau khi bị bệnh. Trường hợp nhẹ hoặc điều trị sớm, bệnh có thể hồi phục trong thời gian trung bình từ 2-4 tuần. Trường hợp điều trị muộn (sau hơn 1 tháng kể từ khi bị bệnh) và không được điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co kéo nửa mặt. Nguy hiểm nhất là bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được, gây khô mắt, nhiễm trùng giác mạc dẫn đến viêm, loét giác mạc. Người bệnh cũng có thể bị liệt cứng vĩnh viễn.

Điều đáng nói là bệnh nhân trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 chiếm tỷ lệ không nhỏ. Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên nhân chính là người trẻ chủ quan, trong khi người già thường cẩn thận, mặc ấm, cảnh giác với gió lạnh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi. Bệnh cũng có khả năng tái phát. Do đó, để phòng bệnh, quan trọng nhất là giữ ấm vùng đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt trong “giai đoạn vàng” nhằm hạn chế tối đa di chứng của bệnh.

An Thái

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/can-trong-voi-benh-liet-mat-5707727.html