Cẩn trọng với bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo ở người

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh vừa phối hợp với Phân viện Thú y miền Trung nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ học bệnh do nhiễm ấu trùng giun đũa trên chó, mèo và trên người; xây dựng quy trình can thiệp phòng trị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”. Kết quả đề tài đã góp phần xác định nhiều vấn đề, trong đó có tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo ở người. Qua đó, xây dựng và đề xuất các biện pháp can thiệp hiệu quả.

Thực hiện xét nghiệm các mẫu nghi nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Thực hiện xét nghiệm các mẫu nghi nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh - chủ nhiệm đề tài cho biết, bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo ở người là một bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người. Nguy cơ mắc bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Vùng địa lý, tuổi tác, thói quen, phong cách sống... Khi vào bên trong cơ thể con người, ấu trùng giun đũa chó, mèo theo mạch máu đi đến các phủ tạng gây bệnh hoặc hội chứng nghiêm trọng ở mắt, gan, ruột và các cơ quan khác. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, giai đoạn 2016 - 2019, số lượng người đến khám bệnh với các triệu chứng nghi nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo qua xét nghiệm cho kết quả nhiễm chiếm tỷ lệ 74,5%. Mặc dù được coi là bệnh phổ biến, nhưng những thông tin về thực trạng nhiễm và các yếu tố liên quan cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ. Mặt khác, đến nay, chưa có can thiệp phòng, chống tại địa phương. Vì vậy, việc tiến hành nghiên cứu đề tài là cần thiết, nhằm góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm mầm bệnh ở môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn.

Đề tài thực hiện từ năm 2022 đến 2024, được nghiên cứu tại 3 địa phương: TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và huyện Khánh Vĩnh, đại diện cho 3 vùng đô thị, đồng bằng, miền núi. Mục tiêu của đề tài là xác định tỷ lệ nhiễm giun đũa ở chó, mèo và ấu trùng giun đũa chó, mèo trên người tại tỉnh; các yếu tố nguy cơ; kết quả điều trị và xây dựng biện pháp can thiệp. Có hơn 1.500 người được chọn nghiên cứu; đề tài đã lấy 360 mẫu đất ở các hộ và 150 mẫu rau người dân thường ăn sống như: Rau xà lách, cải xoong, diếp cá, rau thơm để xét nghiệm nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người dương tính với ấu trùng giun đũa chó, mèo trên người ở TP. Nha Trang là 49,3%, huyện Diên Khánh 48,2%, huyện Khánh Vĩnh 75,44%. Nhóm tuổi có tỷ lệ nhiễm cao nhất là từ 25 - 50 tuổi, tỷ lệ nữ nhiễm cao hơn nam gấp 2,47 lần, người làm nghề nông có tỷ lệ nhiễm cao hơn các ngành khác, chiếm gần 41%.

Đề tài cũng chỉ ra, những người nuôi chó, mèo có tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo cao hơn người không nuôi; ở gia đình không tẩy giun cho chó, mèo có tỷ lệ nhiễm cao gấp 1,6 lần so với gia đình có tẩy giun chó, mèo; người thường xuyên bồng bế chó, mèo có tỷ lệ nhiễm chiếm tới 59,17%. Tỷ lệ nhiễm mầm bệnh giun đũa chó, mèo trên rau tại các địa phương là 18,66%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh trên các mẫu rau xà lách, rau cải, rau má, rau thơm lần lượt là 17,33%, 20,66%, 24,66% và 12%. Tình trạng ô nhiễm mầm bệnh giun đũa chó, mèo trên các mẫu đất là 17,33%. Đặc điểm lâm sàng hay gặp nhất ở người nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo là triệu chứng mẩn ngứa ở da (chiếm 100%), mề đay (41%). Đề tài cũng tiến hành điều trị cho số người được chọn nghiên cứu. Kết quả tỷ lệ bệnh nhân được điều trị khỏi đạt từ 81%-85%. "Tuy nhiên do kháng thể IgG chống lại ấu trùng giun đũa chó, mèo tồn tại trong máu của người nhiễm trên 2 năm nên một số bệnh nhân còn ngứa ít hoặc khi ăn hải sản và một số thịt cá có nhiều dị nguyên có thể bị ngứa lại hoặc nổi mề đay nên cho rằng bệnh chưa khỏi, lo lắng và tự mua thuốc uống có thể gây độc tính cho cơ thể, đặc biệt là gan", Bác sĩ Đông cho biết

Theo bác sĩ Nguyễn Đông, để phòng bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo ở người, các địa phương cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền những tác hại của bệnh; yêu cầu người nuôi chó, mèo phải vệ sinh chuồng trại, môi trường sạch sẽ. Định kỳ 2 lần/tháng, người nuôi phải tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi để loại bỏ trứng, ấu trùng giun đũa ở ngoài môi trường bằng hóa chất; khi nghi ngờ chó, mèo bị bệnh giun đũa phải báo cho thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời, nghiên cứu sản xuất vắc xin để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo ở người, nhất là những đối tượng nguy cơ cao; tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân biết sự nguy hiểm khi nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo ở người; các triệu chứng lâm sàng thường gặp; sử dụng phương tiện phòng hộ lao động khi tiếp xúc đất, cát, nguồn nước bị ô nhiễm; rau sống, trái cây sống cần rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần trước khi ăn…

MÃ PHƯƠNG - THẢO LY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202407/can-trong-voi-benh-nhiem-au-trung-giun-dua-cho-meo-onguoi-42712bb/