Cẩn trọng với điện thoại 4G fake
Theo lộ trình tắt sóng 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 16/9/2024, người dùng các loại điện thoại 2G only sẽ không thể đăng nhập mạng, dẫn đến gián đoạn liên lạc nếu không nâng cấp điện thoại.
Khan điện thoại 4G
Với chính sách này, khoảng 11 triệu thuê bao 2G only sẽ phải chuyển đổi lên 4G nếu không muốn mất liên lạc. Riêng nhà mạng có lượng thuê bao 2G lớn nhất là Viettel đặt mục tiêu giảm lượng thuê bao 2G xuống còn khoảng 2,2 triệu ở thời điểm hạn chót ngày 15/9. Các nhà mạng như Vinaphone, MobiFone cũng rốt ráo chạy đua giảm lượng thuê bao 2G tối đa trước thời điểm tắt sóng.
Khi chuyển đổi lên 4G, người dân có 2 lựa chọn là máy điện thoại 4G (feature phone 4G) dưới 1 triệu đồng, hoặc smartphone 4G giá rẻ từ hơn 1 triệu đồng. Ước tính, sẽ có hàng triệu khách hàng 2G, phần lớn là người có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa phải chuyển đổi. Hiện trên thị trường loại điện thoại 4G giá rẻ đang thiếu hàng.
Tại hệ thống Thế giới Di động, nhu cầu dòng điện thoại 4G phím bấm tăng 10-15 lần. Dù đã tăng cường thêm hàng, nhưng các hãng sản xuất điện thoại di động vẫn không cung cấp đủ. Nếu yêu cầu số lượng lớn hơn và trong thời gian ngắn, nhà bán lẻ không thể đáp ứng.
“Số lượng bán điện thoại phím bấm 4G và smartphone 4G giá rẻ tăng trưởng đột biến. Số lượng smartphone 4G giá rẻ được bán ra trong thời gian qua tăng trưởng tới 30% so với các tháng trước đây, đặc biệt, các dòng điện thoại phím bấm 4G ‘sốt’ nhất”, ông Trần Đức Tín, Giám đốc ngành hàng viễn thông Thế giới Di động chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc thương mại, Hệ thống FPT Shop cho hay, hiện tại, nhu cầu về feature phone 4G tăng gấp 3 lần trong mấy tuần gần đây, khiến việc thiếu hàng diễn ra cục bộ. Ngoài nhu cầu feature phone 4G tăng mạnh, các điện thoại smartphone giá rẻ dưới 2 triệu đồng cũng ghi nhận tăng trưởng 30-50% so với tháng trước. Toàn bộ điện thoại dưới 3 triệu đồng tại hệ thống có số lượng bán ra chiếm 20%, trong đó phân khúc 2-3 triệu đồng chiếm khoảng 10%.
“Khi người dân tiến hành chuyển đổi những chiếc điện thoại “cục gạch” 2G lên 4G, thì 90-95% vẫn lựa chọn điện thoại phím bấm, nhưng số lượng tồn trên kênh chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu nâng cấp từ số điện thoại 2G bị tắt sóng. Điều này dẫn đến các hệ thống bán lẻ trong nước thiếu hàng trầm trọng các dòng sản phẩm thuộc phân khúc này để đáp ứng nhu cầu”, ông Kha nói.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Khuê, đại diện hệ thống Viettel Store cho biết, gần 500 siêu thị Viettel Store đang tất bật đổi máy 2G lên 4G cho khách hàng, thậm chí huy động cả nhân sự tại văn phòng xuống các điểm bán hỗ trợ do nhu cầu tăng cao đột biến. Nhu cầu đổi máy 2G lên 4G từ đầu tháng 8/2024 tới nay tăng 30% so với trước khi có thông tin sẽ tắt sóng 2G. Các sản phẩm điện thoại phổ thông 4G tại Viettel Store luôn trong tình trạng khan hàng, đặc biệt là các sản phẩm rẻ nhất với giá 390.000 đồng.
Còn ông Huy Nguyễn, đại diện CellphoneS cũng chia sẻ, các dòng điện thoại phím bấm trên hệ thống này đa phần có mức giá bán dưới 1,5 triệu đồng. Những ngày gần đây, doanh số dòng điện thoại phím bấm tại CellphoneS đã tăng trưởng gấp 4-5 lần so với thời gian trước. Song, dòng điện thoại phím bấm 4G đang thiếu hàng cục bộ, số lượng máy đang có tại hệ thống bán lẻ này chỉ đủ đáp ứng cho số ít người dùng trong thời gian tới.
Hàng fake lan tràn
Tình trạng khan hàng điện thoại 4G phím bấm, trong khi các nhà bán lẻ, nhà mạng chưa kịp cung cấp, dẫn đến việc người dân mua phải điện thoại 4G fake. Đây là những chiếc điện thoại có thiết kế tương tự feature phone 4G, nhưng thực tế chỉ hỗ trợ mạng 2G.
Tính đến thời điểm tháng 6/2024, có 37 quốc gia đã tắt hoàn toàn mạng 2G. Trong đó, châu Mỹ có 25 quốc gia, châu Á có 7 quốc gia, châu Âu có 4 quốc gia, châu Đại dương có 1 quốc gia, châu Phi chưa có quốc gia nào tắt hoàn toàn mạng 2G.
Dự kiến, tới năm 2028, nhiều nước tắt sóng cả mạng 3G.
Theo ông Nguyễn Trọng Tính, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom, đơn vị này nhận được nhiều phản ánh của khách hàng về việc họ bị lừa mua phải điện thoại “cục gạch” 2G, được quảng cáo là điện thoại feature phone 4G. Từ ngày 1/7/2024, Viettel đã không cung cấp dịch vụ mới cho bất kỳ thuê bao nào dùng máy 2G only, nên khi người dùng kích hoạt mới biết loại điện thoại này không sử dụng được.
Ông Nguyễn Như Thành, Phó giám đốc ngành hàng điện thoại di động FPT Shop cũng thông tin, gần đây, FPT Shop nhận được phản ánh từ một số khách hàng bị lừa khi mua điện thoại 4G, thực tế là 2G. Nhiều trường hợp liên quan đến việc mua bán hàng không rõ nguồn gốc với giá rất rẻ.
Ông Thành khuyến cáo, để tránh mua nhầm điện thoại 4G giả trong bối cảnh cắt sóng 2G, người dùng nên kiểm tra kỹ sản phẩm, chọn máy tại hệ thống, cửa hàng uy tín. Các nhà mạng lớn như Vinaphone, Viettel, MobiFone đều có chương trình đổi máy 2G, thậm chí tặng điện thoại 4G mới khi đăng ký gói cước sử dụng tương ứng.
Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát đi cảnh báo việc lừa đảo bán máy “giả 4G” đang xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Theo đó, lợi dụng chính sách cắt sóng 2G và nhu cầu đổi điện thoại từ 2G sang 4G của một bộ phận người dân, đa số là người cao tuổi có nhu cầu sử dụng máy phím bấm 4G, một số đối tượng đã lừa đảo người dân mua máy điện thoại 4G, nhưng thực chất là máy 2G với giá 400.000 - 500.000 đồng/máy.
Theo đó, các đối tượng sử dụng mạng xã hội hoặc thông qua bán trực tiếp để tiếp cận, lừa đảo bán điện thoại giả 4G cho người dùng. Đối tượng đăng tải các bài đăng với nội dung rao bán điện thoại di động 4G giá rẻ, đồng thời rao bán những loại smartphone 3G đã qua sửa chữa với lời rao “3G hay 4G đều xài thoải mái” với giá chưa đến 1 triệu đồng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-trong-voi-dien-thoai-4g-fake-d224127.html