Cẩn trọng với tình trạng da bong tróc, nhiễm trùng khi về Bắc
Sau chuyến công tác ở Lào Cai, chị Phạm Thị Liên, 35 tuổi, đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM thăm khám trong tình trạng da mặt sần sùi, bong tróc, ngứa và đỏ ửng.
Người phụ nữ này cho biết sau chuyến đi Lào Cai khoảng 4 ngày, khi trở về TP.HCM, làn da bắt đầu bong tróc. Dù sử dụng kem dưỡng ẩm, tình trạng này vẫn không cải thiện, da mặt của chị ngày càng ngứa và khô căng khó chịu. Sau khi được bác sĩ kê thuốc uống và bôi thuốc cấp ẩm một tuần, da mặt dần mềm lại và hết ngứa.
Đây cũng là tình trạng nhiều người sống ở các tỉnh phía Nam gặp phải khi về miền Bắc trong dịp Tết nguyên đán.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, da tạo nên lớp hàng rào bảo vệ vật lý, giúp cơ thể phòng chống sự xâm nhập của các tác nhân ở môi trường ngoài. Bộ phận này cũng tham gia điều hòa thân nhiệt, bài tiết và giải độc cho cơ thể.
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, thời tiết nhiều vùng ở miền Bắc thường lạnh khô, nghĩa là độ ẩm trong không khí thấp, không đủ để duy trì độ ẩm ở bề mặt da. Lượng nước bốc hơi từ trong da sẽ nhiều hơn nhưng không đủ để duy trì độ ẩm. Khi đó, các tế bào sừng ở bề mặt da sẽ suy yếu, lỏng lẻo, dễ bị bong tróc. Nhiều người sẽ bị khô da, da bong tróc vảy, nứt nẻ.
Khi đó, da dễ bị xâm nhập và kích ứng bởi khói bụi, phấn hoa, vi trùng; da khô gây ngứa từ mức độ nhẹ đến ngứa dữ dội. Bệnh nhân cào gãi nhiều, da bị tổn thương và trầy xước, dễ khiến vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Người bệnh có thể phải sử dụng kháng sinh điều trị.
Theo bác sĩ này, nhiều phương pháp đơn giản, dễ áp dụng để giảm nguy cơ mắc bệnh da do thời tiết lạnh gây ra.
Thứ nhất, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất cần thiết cho việc tái cấu trúc và duy trì chức năng da. Các dưỡng chất chủ yếu là vitamin A, C, E có trong nhiều các loại rau củ quả như cà rốt, cam, đu đủ…
Ngoài ra, cần uống đủ lượng nước tối thiểu hoặc hơn tùy vào cường độ lao động, mức độ ra mồ hôi… để da được cấp nước đầy đủ.
Thứ hai, chú ý vệ sinh, tắm rửa để giảm nồng độ vi khuẩn trên da. Tuy nhiên, phải tắm rửa đúng cách để tránh da bị khô hoặc nứt nẻ nhiều hơn.
Ví dụ, với người có tình trạng khô da hoặc tiền căn mắc viêm da cơ địa, vảy nến… cần sử dụng xà phòng dịu nhẹ, ít tạo bọt và bôi kem dưỡng ẩm phù hợp ngay sau khi tắm.
Thứ ba, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, tránh hút thuốc lá, mất ngủ… Những hành vi này có thể làm gia tăng stress cho cơ thể, góp phần gây tổn thương da nhiều hơn.
Nếu tình trạng da khô, bong tróc, nứt nẻ da ngày càng nặng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị.