Can trường trên hai trận tuyến

Đó là câu chuyện của cựu chiến binh (CCB) Hồ Thăng Nhuận ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ông nguyên là Thuyền phó tàu không số, từng tham gia 8 chuyến vượt biển chở vũ khí vào chiến trường miền Nam; nổi tiếng bởi tính gan dạ, liều lĩnh và mưu trí. Trong 8 lần vượt biển, nhiều lần gặp hiểm nguy, nhưng ông và đồng đội đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trở về đời thường, ông lại là CCB 'liều lĩnh' bỏ phố để lên rừng làm... trang trại.

Những tháng năm vượt biển

Ở tuổi 90 nhưng CCB Hồ Thăng Nhuận vẫn khỏe mạnh, tinh tường. Sau khi rót nước mời khách, ông vào chuyện thật tự nhiên: “Tôi quê ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Năm 14 tuổi, tôi đã là đội viên du kích, sau đó vào chiến khu K20. Vốn thạo nghề sông nước, nên tháng 6-1955, tôi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ điều khiển ghe chở số cán bộ miền Nam ra vùng biển Mũi Sy (Cửa Tùng, Quảng Trị) để hành quân ra Bắc".

 Vợ chồng cựu chiến binh Hồ Thăng Nhuận và con trai Hồ Thăng Long.

Vợ chồng cựu chiến binh Hồ Thăng Nhuận và con trai Hồ Thăng Long.

Theo lời kể của ông, ngày ấy, luồng lạch chật hẹp, địch thường xuyên rình rập, để thực hiện những chuyến đi trót lọt, ông và đồng đội phải khôn khéo ngụy trang thuyền, ghe cẩn thận, khi thì đóng giả thuyền câu mực, lúc lại giả vờ thả lưới ven bờ. Gặp địch phải bình tĩnh, đôi khi còn phải chủ động lân la giả bộ làm quen, đánh lừa chúng. Cứ như vậy, các ông đã thực hiện 5 chuyến chở cán bộ ra vùng Mũi Sy trót lọt.

Thế nhưng, được một thời gian, hình thức chở cán bộ bằng ghe cuối cùng cũng bị lộ. Ngày 9-7-1955, Hồ Thăng Nhuận bị địch bắt tại cửa biển Sơn Trà. Chúng đưa ông về khu nhà binh ở cảng Tiên Sa đánh đập rất dã man, nhưng không khai thác được gì. Đêm ấy, lợi dụng lúc bọn lính say sưa bù khú, ông dỡ ngói trốn thoát. Mấy ngày sau thì cơ sở bí mật đưa ông ra Bắc. Sau hai năm học lớp đào tạo chuyên ngành hàng hải, Hồ Thăng Nhuận được biên chế về Đoàn 759 (Quân chủng Hải quân)...

- Thưa ông, nghe nói thủy thủ tàu không số lần đầu tiên vượt biển nhiều cảm xúc lắm?, chúng tôi gợi ý. Như được trải lòng, ông Nhuận chậm rãi:

- Có lẽ không bao giờ tôi nguôi quên những giây phút ấy. Bồi hồi, lo lắng và tự hào biết bao!.

Chuyến vượt biển đầu tiên của ông là ngày 14-4-1963. Chuyến đi ấy do ông Vũ Tấn Ích làm thuyền trưởng, trên tàu sắt (Đội 6) gồm 12 thành viên, Hồ Thăng Nhuận là thủy thủ trưởng. Tàu có nhiệm vụ chở 57 tấn vũ khí vào bến Bạc Liêu. Hồi đó, anh em là người từ nhiều địa phương, từ các nông trường về nên phần lớn chưa quen sông nước, ít kinh nghiệm đi biển. Nhờ có người giàu kinh nghiệm và linh hoạt xử lý các tình huống như ông nên sau một tuần tàu đã vào đến mũi Hòn Khoai. Thế nhưng, khi vào tới cửa Gành Hào thì tàu bị mắc cạn. Tình huống bất ngờ khiến cán bộ, thủy thủ trên tàu rất lo lắng. Rất nhanh trí, Hồ Thăng Nhuận vội vàng nhảy xuống biển kiểm tra và chạm phải lớp bùn nhão nhoét nên đề xuất được ngay phương án khắc phục. Sau gần một giờ đồng hồ anh em moi lớp bùn non khỏi chân vịt. Cũng lúc này, bộ đội và nhân dân tại bến chèo thuyền ba lá tiếp nhận vũ khí. Con tàu sau khi bốc hết hàng từ từ nổi lên... thế là mọi người mới “cứu” được tàu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bỏ phố... lên rừng làm trang trại

Chuyện cựu binh tàu không số lên rừng làm trang trại ở tuổi 60 cũng có nhiều cái để bàn, để nói. Hồi ông đề xuất ý định lên núi làm trang trại thì các con phản đối kịch liệt vì không muốn bố mình vất vả. Chỉ có bà Diễn-người bạn đời của ông là hiểu rõ tính can trường của người lính tàu không số. Bà cũng tường tỏ, rằng ông làm trang trại cốt để tạo công ăn, việc làm cho đồng đội và vui thú tuổi già, chứ không phải vì mục đích làm giàu.

Năm 1982, ông lên UBND phường xin phép, rồi lẳng lặng xách rựa vào khu vực Cầu Trắng phát cây khoanh vùng làm trang trại. Tất nhiên, ông không đơn độc bởi còn có sự ủng hộ của 13 cộng sự là CCB như ông. Tuổi cao, chí càng cao, các ông, các bác cũng cơm đùm, cơm gói, hăng say lao động. Với “chức danh” tổ trưởng sản xuất, ông chỉ đạo mọi người trồng các loại cây theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài” xen kẽ giữa mít, xoài, ổi là chuối, dứa và các loại rau màu khác. Sau 3 năm tần tảo “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, trang trại của tổ hưu trí Thọ Quang đã cho quả ngọt. Vụ thu hoạch cây trái đầu tiên, ông không bán mà mang biếu các cụ phụ lão, tặng các hộ nghèo, người có công và hàng xóm láng giềng.

Khi đã có thêm kinh nghiệm và chút ít vốn liếng, ông huy động cả lực lượng con cháu giúp sức cải tạo đất đai, xây dựng chuồng trại, ao hồ. Bạn bè, đồng đội đến thăm, ông dẫn lên trang trại nhâm nhi những sản phẩm “của nhà làm ra” và cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời chiến tranh đầy gian khổ, mất mát, hy sinh, nhưng vô cùng oanh liệt.

Bây giờ mọi người mới hiểu lý do vì đâu mà ông Hồ Thăng Nhuận cùng các CCB dồn tâm huyết của tuổi già trong hơn chục năm qua. Toàn bộ 20ha đất hoang hóa năm xưa đã phủ kín cây trồng, xanh màu hy vọng. Cũng nhờ đó, cuộc sống của các CCB từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ giải quyết việc làm cho đồng đội, ông còn quan tâm giúp đỡ các hộ nghèo, làm từ thiện, đóng góp xây dựng công đức... Với những đóng góp đó, năm 2003, CCB Hồ Thăng Nhuận được TP Đà Nẵng bầu chọn ra Thủ đô Hà Nội dự Hội nghị điển hình tiên tiến “CCB xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” toàn quốc.

Nay ở tuổi 90, ông Nhuận đã giao đất, giao rừng cho thành phố, nhưng đâu đã chịu nghỉ ngơi. Ông vẫn đến các trường học trên địa bàn nói chuyện truyền thống. Mỗi năm đến mùa tuyển quân, ông lại đến tận từng gia đình khích lệ, động viên các thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ... Nói về người bạn đời, bà Diễn ngượng ngùng trách yêu: “Tuổi cao, sức yếu rồi mà vẫn “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng, đúng là “ông lính già” có khác!”.

Bài và ảnh: VĨNH LỘC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/can-truong-tren-hai-tran-tuyen-590937