Cần tư duy làm ăn lớn

Để xuất khẩu gạo tăng trưởng đột phá, cần thay đổi tư duy sang làm ăn lớn, chiến lược, bài bản với cả nông dân, thương lái, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước trong chuỗi liên kết bền vững

. Ông LÊ THANH TÙNG, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam:

Ông LÊ THANH TÙNG

Ông LÊ THANH TÙNG

Sẵn sàng cung cấp gạo với giá thị trường

Việt Nam đã mất 30 năm để cải thiện bộ giống lúa rất tốt, các nước muốn làm điều này phải mất 20 năm nữa, như ST25 là một kỳ tích. Về quy trình sản xuất, có thể khẳng định nông dân chúng ta làm được hết, từ hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP… Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL, phát thải thấp là kim chỉ nam của ngành lúa gạo cho năm nay và nhiều năm tới.

Bối cảnh hiện nay khi các nước thiếu gạo, Việt Nam sẵn sàng cung cấp với giá thị trường. Có điều, nông dân ĐBSCL đang sản xuất lúa gạo với nhiều yêu cầu nhưng chưa bảo đảm thu nhập.

Vấn đề là phải chia sẻ lợi nhuận và rủi ro. Doanh nghiệp (DN) xây dựng thương hiệu, nhà nước xây dựng tiêu chuẩn. DN xây dựng thương hiệu phải có vùng nguyên liệu mới ổn định chất lượng. Việt Nam có 250 DN xuất khẩu gạo nhưng còn quá ít đơn vị có vùng nguyên liệu, kể cả những DN xuất khẩu có sản lượng lớn.

. Ông PHÙNG VĂN THÀNH, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines:

Ông PHÙNG VĂN THÀNH

Ông PHÙNG VĂN THÀNH

Phải xây dựng thương hiệu gạo Việt ở Philippines

Vừa qua, chúng tôi đưa đoàn Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sang khảo sát ở Philippines nhưng tiếc là tìm không thấy thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường. Trong khi đó, gạo Nhật Bản, gạo Thái Lan lại làm thương hiệu rất tốt.

Rất nhiều người dân Philippines dù ăn gạo Việt Nam nhưng không hề biết. Do đó, xuất khẩu gạo vào Philippines cần xây dựng thương hiệu - đó là nhiệm vụ lớn cần làm bên cạnh số lượng. Làm sao để người dân Philippines biết được họ đang ăn gạo được trồng bởi nông dân Việt Nam.

Hằng năm, Thương vụ của chúng tôi đều phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm mẫu giới thiệu với khách hàng. Trong năm 2024 - 2025, CLB Doanh nhân Việt Nam - Philippines sẽ được thành lập giúp DN Việt Nam có cơ hội tiếp cận đối tác uy tín mà không cần trực tiếp sang Philippines. Đây là một trong những chương trình hỗ trợ DN xuất khẩu gạo.

. Nhà báo - tiến sĩ TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

Nhà báo - tiến sĩ TÔ ĐÌNH TUÂN

Nhà báo - tiến sĩ TÔ ĐÌNH TUÂN

Phải thay đổi tư duy

Giải pháp quan trọng nhất chính là thay đổi tư duy. Từ tư duy nhỏ lẻ sang làm ăn lớn, có chiến lược bài bản hơn không chỉ đối với người nông dân, thương lái mà cả DN, nhà băng, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, nâng cao năng lực tổ chức của các HTX.

Cần tăng cường xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, xuất khẩu và đặc biệt là đưa được gạo mang thương hiệu Việt Nam vào siêu thị ở nước ngoài. Để làm được điều này cần sự liên kết, cộng hưởng của tất cả các bên liên quan, trong đó có tham tán thương mại ở các nước; đồng thời phải xúc tiến xây dựng thương hiệu gạo thông qua việc nâng chất lượng sản phẩm.

Cánh đồng mẫu lớn hay mới nhất là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL vừa được Chính phủ phê duyệt là chiến lược lâu dài. Thực hiện thành công đề án này không những hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị được tổ chức lại bài bản mà còn gia tăng giá trị, phát triển bền vững cho ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, thu nhập, đời sống của người trồng lúa và bảo vệ môi trường.

. Ông NGUYỄN VĂN BÁCH, Trưởng Ban Chính sách Tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank):

Đồng hành với Đề án 1 triệu ha lúa

Ông NGUYỄN VĂN BÁCH

Ông NGUYỄN VĂN BÁCH

Về Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", như định hướng của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Agribank đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng thuộc đề án trên. Cụ thể, Agribank sẽ tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng như: dịch vụ tiền gửi, dịch vụ tiền vay, dịch vụ tài chính... cho các đối tượng tham gia phù hợp với mục tiêu đề án. Trong đó có nông dân trồng lúa trực tiếp, DN thực hiện thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo.

Đồng thời, trên cơ sở thực hiện những chương trình tín dụng cụ thể, cũng như Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn gắn với tinh thần là không để người dân và DN thiếu vốn.

. Ông NGUYỄN THANH TRUYỀN, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An:

Ông NGUYỄN THANH TRUYỀN

Ông NGUYỄN THANH TRUYỀN

Liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu

Ngành lúa gạo của Long An năm 2023 phát triển tương đối tốt, diện tích, sản lượng và xuất khẩu đều đạt. Thời gian qua, Long An bắt đầu ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, rau quả, tôm, bò… Người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ vào sản xuất, dòng lúa chất lượng cao đạt 66%. Năm 2023, ước lượng xuất khẩu của tỉnh tăng khoảng 55%; giá trị tăng khoảng 63%, là những con số cao, đáng mừng.

Tuy nhiên, nông dân vẫn sản xuất với diện tích nhỏ, muốn có sản xuất lớn cần phải liên kết lại, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên nền đã được tập huấn. Đồng thời, cần áp dụng khoa học kỹ thuật liên kết các HTX với nhau để cùng lớn mạnh hơn.

Các DN cũng tập trung sản xuất nhưng diện tích sản xuất lớn chưa nhiều. Do đó, cần liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu, đặt hàng cho các HTX để sản xuất theo yêu cầu xuất khẩu; kiểm tra, giám sát cùng cơ quan chuyên môn để có vùng nguyên liệu sạch, bền vững, bảo đảm xuất khẩu bền lâu.

Giữa DN và người nông dân cũng cần có tiếng nói chung để giữ uy tín với nhau và trong quá trình này làm sao chia sẻ lợi nhuận, phát triển bền vững.

.VÕ PHƯƠNG THỦY, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Đồng Tháp:

Bà VÕ PHƯƠNG THỦY

Bà VÕ PHƯƠNG THỦY

Xây dựng chuỗi liên kết DN và nông dân

Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp và gạo là 1 trong 5 mặt hàng chủ lực của tỉnh. Chúng tôi xác định giảm sản lượng gạo xuất khẩu nhưng tăng chất lượng và giá trị. Cơ sở cho định hướng đó là Đồng Tháp có gần 200 DN liên quan đến ngành gạo, nhiều đơn vị chế biến sản phẩm từ gạo, giúp nâng giá trị cho hạt gạo.

Năm 2023, xuất khẩu gạo của tỉnh cũng như cả nước thành công về giá trị lẫn sản lượng nhưng bên trong vẫn tồn tại những khó khăn như thời điểm giá lúa cao, nông dân có lợi nhưng DN xuất khẩu gặp khó. Hội Lúa gạo Đồng Tháp trước đây chủ yếu là DN, nay chúng tôi mời thêm nhiều chủ thể tham gia như nhà nước, nhà khoa học và nông dân để cùng nhau chia sẻ lợi ích và rủi ro.

Giải pháp đường dài của Đồng Tháp là xây dựng chuỗi liên kết DN và nông dân. Khuyến khích nâng giá trị gia tăng cho ngành gạo, không chỉ trồng lúa bán gạo mà còn sản phẩm chế biến sâu, các phụ phẩm.

. Ông PHẠM VĂN MƯỜI, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu:

Ông PHẠM VĂN MƯỜI

Ông PHẠM VĂN MƯỜI

Xây dựng bộ tiêu chuẩn cho thương hiệu gạo

Để ngành lúa gạo phát triển bền vững, cần đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo thường xuyên, cung cấp thông tin về cung cầu, giá cả thị trường nông sản trong nước và thế giới cho nông dân và DN. Đồng thời cũng cần hỗ trợ tiếp thị, quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ; mở rộng đầu ra cho lúa gạo của tỉnh.

Xây dựng bộ tiêu chuẩn cho các sản phẩm xuất khẩu và quy trình sản xuất, chế biến chuẩn từ khâu giống đến sản phẩm cuối cùng nhằm tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu. Hỗ trợ Bạc Liêu các thủ tục xây dựng và hoàn thiện đăng ký sản phẩm độc quyền, đăng ký thương hiệu sản phẩm; quảng bá sản phẩm; bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm. Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu trong nước và trên thị trường quốc tế.

. Ông PHẠM THÁI BÌNH, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ):

Ông PHẠM THÁI BÌNH

Ông PHẠM THÁI BÌNH

Giá gạo Việt Nam cao: Không phải "ăn may"

Trong năm 2024, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội trên thị trường khi nhu cầu tiêu thụ lúa gạo vẫn đang rất lớn. Về giá gạo Việt Nam đang cao hơn Thái Lan, đó không phải "ăn may" mà nhờ sự đầu tư bài bản của nông dân. Gần đây, có quan điểm về việc giá lúa gạo tăng chỉ có nông dân có lợi nhưng DN không có lợi chỉ là cục bộ trong giai đoạn đầu tháng 8-2023, vào cuối năm 2023 các DN đã không còn lỗ nữa.

Giải pháp đường dài để phát triển chính là sự liên kết DN và nông dân trồng lúa để đôi bên cùng có lợi. Chính phủ cũng đã có Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu thực hiện thành công đề án này, nông dân chắc chắn sẽ có lãi và DN thu về lợi nhuận lớn.

. Ông NGUYỄN NGỌC HUẤN, Chủ tịch HTX Khiết Tâm:

Ông NGUYỄN NGỌC HUẤN

Ông NGUYỄN NGỌC HUẤN

Kiểm soát quy trình sản xuất lúa gạo

Thời gian qua, sản xuất lúa gạo đạt chất lượng tốt. Bà con nông dân đã áp dụng các phương pháp theo đúng quy trình, góp phần nâng chất lượng hạt gạo, năng suất tăng và thu nhập của nông dân cũng tăng theo. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn rất nhiều, việc mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng diễn ra tràn lan nên cần có chính sách để kiểm soát phù hợp. Bên cạnh đó, cần có chính sách để nông dân sản xuất có hiệu quả, đồng bộ để hạt gạo Việt Nam có thương hiệu, đứng vững trên thị trường thế giới.

THÁI PHƯƠNG - LÊ TỈNH ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-tu-duy-lam-an-lon-196240109224653584.htm