Cần tư duy mới trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm
Mô hình bệnh tật ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng đang có sự đổi chiều; cơ cấu bệnh tật trong cộng đồng thay đổi theo xu hướng các bệnh không lây nhiễm tăng lên, một số bệnh lý lây nhiễm đã được khống chế. Đáng chú ý, các bệnh lý có liên quan đến hành vi cá nhân, an toàn thực phẩm, môi trường đang có dấu hiệu gia tăng...
Đây chính là thách thức không nhỏ cho các nhà chuyên môn nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung nếu chúng ta không kịp thay đổi tư duy, phương pháp và triển khai các biện pháp dự phòng hiệu quả.
Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, cứ 10 người chết thì có gần 8 người chết do các BKLN; BKLN chiếm 70% tổng gánh gặng bệnh tật. Có 4 nhóm BKLN phổ biến gây ra gánh nặng lớn nhất, đó là: Tim mạch (tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim), ung thư các loại, đái tháo đường và các biến chứng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản.
Các BKLN thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà có một nhóm yếu tố góp phần làm bệnh phát triển gọi là yếu tố nguy cơ. Chẳng hạn các yếu tố nguy cơ về hành vi như hút thuốc, sử dụng bia rượu, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực; các yếu tố thuộc về sinh lý, chuyển hóa, thừa cân, béo phì, tăng đường máu, rối loạn chuyển hóa mỡ hay các yếu tố về môi trường như ô nhiễm môi trường, nghèo đói… Đây đều là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng các BKLN.
Số liệu thống kê của Việt Nam cho thấy số bệnh nhân cao huyết áp hiện nay là 12,5 triệu người (chiếm hơn 12% dân số), khoảng 3-4 triệu người mắc bệnh đái tháo đường (chiếm hơn 4% dân số), 2 triệu người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hàng năm có 150.000 ca ung thư mới. Những số liệu thống kê chỉ là bề nổi của tảng băng. Trên thực tế, số bệnh nhân mắc các BKLN còn nhiều hơn số liệu thống kê được.
Khác với các dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra ồ ạt nên xã hội quan tâm và tập trung nguồn lực để chống dịch, các BKLN không xảy ra ồ ạt, biến chứng từ từ, triệu chứng thường âm thầm, nhiều khi không rõ ràng, khi có triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã ở giai đoạn biến chứng nên chúng ta chủ quan, cộng đồng ít quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số người chết do các dịch bệnh truyền nhiễm ít hơn rất nhiều so với các BKLN. Vì vậy cần có tư duy mới trong phòng chống các BKLN.
Các nhà lãnh đạo, những người hoạch định chính sách cần nhận thức được mức độ nguy hiểm của các BKLN từ đó có các chính sách, giải pháp cụ thể, từ định hướng, đào tạo nhân lực đến bố trí nguồn lực cho hoạt động phòng chống các BKLN. Các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu sâu hơn, đánh giá cụ thể hơn, đưa ra những biện pháp đặc hiệu hơn để triển khai rộng rãi. Cấp ủy và chính quyền các cấp phải xem phòng chống các BKLN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, cộng đồng. Mỗi người dân cần thường xuyên vận động thể lực đều đặn mỗi ngày từ 30-45 phút, mỗi tuần ít nhất 150 phút; có chế độ dinh dưỡng hợp lý; bỏ thuốc lá; hạn chế bia rượu; vệ sinh môi trường và nhất là kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các BKLN...