Cần vượt khỏi tư duy truyền thống 'hồi hương nhân tài' kiểu di cư một chiều
'Chúng ta cần vượt ra khỏi tư duy truyền thống về việc 'hồi hương nhân tài' theo kiểu di cư một chiều và chuyển sang xây dựng mô hình kết nối không dịch chuyển'.
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là: Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Nghị quyết số 57 đã có định hướng đúng đắn và cấp thiết đối với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Hoàng Anh Đức - Nghiên cứu viên Đại học RMIT Việt Nam, Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Sky-Line, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu nhiệm kỳ 2025-2030, chia sẻ: "Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu giáo dục, theo tôi, Nghị quyết số 57 đã có định hướng đúng đắn và cấp thiết đối với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài, tập trung vào ba điểm:
Trước hết, việc công nhận vai trò của nhân tài trong phát triển khoa học công nghệ như một nguồn lực chiến lược quốc gia.
Thứ hai, cách tiếp cận rất toàn diện, từ chính sách quốc tịch, sở hữu nhà cho đến thu nhập, môi trường làm việc, cho thấy sự thấu hiểu nhu cầu thực tế của các chuyên gia, nhà khoa học.
Thứ ba, là mục tiêu xây dựng mạng lưới kết nối chuyên gia trong và ngoài nước một cách hiện đại, phù hợp với xu thế hợp tác liên ngành, xuyên biên giới".

Tiến sĩ Hoàng Anh Đức được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu nhiệm kỳ 2025-2030 vì có nhiều thành tích trong nghiên cứu và chuyển đổi số giáo dục. Ảnh: NVCC.
Để hiện thực hóa các mục tiêu kêu gọi, thu hút tài năng người Việt khắp nơi trên thế giới về nước chung tay phát triển khoa học công nghệ, Tiến sĩ Hoàng Anh Đức nhìn nhận, việc cần làm ngay lập tức là xây dựng nền tảng chuyên biệt kết nối nhà khoa học, chuyên gia người Việt trên toàn thế giới.
Theo đó, nền tảng này cần cung cấp thông tin về cơ hội hợp tác, dự án nghiên cứu và chính sách ưu đãi theo từng lĩnh vực, địa phương. Hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu chuyên gia, công cụ ghép nối dự án thông minh, thông tin chính sách ưu đãi, không gian cộng tác trực tuyến và hỗ trợ hành chính. Nền tảng này sẽ trở thành cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng khoa học người Việt toàn cầu với các cơ hội trong nước, đồng thời giúp nhà hoạch định chính sách có cái nhìn tổng thể, tránh chồng chéo, lãng phí trong công tác thu hút nhân tài và triển khai các dự án đổi mới sáng tạo.
"Chúng ta cần vượt ra khỏi tư duy truyền thống về việc “hồi hương nhân tài” theo kiểu di cư một chiều và chuyển sang xây dựng các mô hình kết nối không dịch chuyển “connect without relocation” (kết nối tại chỗ - PV), tạo ra những mạng lưới đóng góp xuyên biên giới.
Cách tiếp cận cởi mở này tạo điều kiện cho các chuyên gia tham gia vào sự phát triển đất nước qua nhiều kênh khác nhau, từ tư vấn chiến lược từ xa, điều phối dự án xuyên quốc gia, đến đảm nhận vai trò nghiên cứu kép ở cả Việt Nam và nước ngoài. Điều này tận dụng được chuyên môn của họ mà không đòi hỏi quyết định di cư khó khăn.
Hệ thống tài trợ nghiên cứu cũng cần được thiết kế lại để hỗ trợ các dự án hợp tác xuyên quốc gia, với nguồn lực phân bổ cho cả đối tác trong và ngoài nước. Qua đó, chúng ta có thể xây dựng cầu nối bền vững giữa các cộng đồng khoa học, hướng tới sự “hợp tác tuần hoàn”, để các nhà khoa học di chuyển thường xuyên theo chu kỳ giữa Việt Nam và nước ngoài, vừa đem lại thành quả nghiên cứu cho Việt Nam, vừa tạo dựng các nền tảng để đưa sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tiếp cận với các cơ hội trên thế giới", nhà nghiên cứu giáo dục Hoàng Anh Đức bày tỏ.
Thu hút nhân tài còn nhiều thách thức
Có thể thấy, hiện nay việc thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống vẫn còn gặp phải một số thách thức nhất định.

Ảnh minh họa: Tuệ Nhi.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Anh Đức chỉ ra một số khó khăn trong thu hút, giữ chân nhân tài từ kinh nghiệm nghiên cứu thực tế.
Thứ nhất, khoảng cách về thu nhập và điều kiện làm việc. Mức lương cho các vị trí học thuật và nghiên cứu tại Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước phát triển, và cả một số nước trong khu vực. Đồng thời, cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu tại nhiều đơn vị còn hạn chế, khiến nhà khoa học khó thực hiện các nghiên cứu đỉnh cao.
Thách thức thứ hai nằm ở môi trường học thuật và tự do sáng tạo. Các nhà khoa học thường cần không gian tự chủ để phát triển ý tưởng đột phá. Tại Việt Nam, hệ thống quản lý nghiên cứu còn nhiều thủ tục hành chính và quy định cứng nhắc, làm giảm tính linh hoạt và sáng tạo. Thời gian và nguồn lực cho công tác quản lý hành chính trong các dự án khoa học có khi nhiều không kém thời gian thực tế dành cho việc nghiên cứu.
Thứ ba là rào cản về hệ sinh thái chuyên môn. Việc thu hút nhân tài không chỉ đơn thuần là thu hút một vài chuyên gia, mà là gây dựng các cộng đồng chuyên gia. Nhà khoa học cần các mạng lưới đồng nghiệp mạnh để trao đổi ý tưởng và hợp tác. Hiện tại, mật độ các nhóm nghiên cứu xuất sắc tại Việt Nam còn thưa thớt, khiến nhiều người lo ngại về sự cô lập chuyên môn nếu về nước.
Tiếp theo là các vấn đề khác để đảm bảo cho vợ/chồng và con cái có thể ổn định, hòa nhập về nếp sống, văn hóa, và có cơ hội phát triển.
Chuyên gia gợi mở một số giải pháp nhằm thu hút, giữ chân nhân tài
Tiến sĩ Hoàng Anh Đức cũng nhìn nhận, chính sách thu hút nhân tài quan trọng nhất là xây dựng được hệ sinh thái nghiên cứu toàn diện để đối ứng với năng lực và mục tiêu nghiên cứu của các chuyên gia.
"Việc điều chỉnh thu nhập hay các chính sách ưu đãi chắc chắn là cần làm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, các nhà khoa học cần có đồng nghiệp và học trò phù hợp để có thể phát huy được tiềm năng và tầm nhìn của họ. Nếu không có môi trường học thuật đủ mạnh, dù chúng ta đầu tư rất nhiều chi phí để thu hút các giáo sư đầu ngành, tác động được tạo ra sẽ không hề bền vững.
Chúng ta cần tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu có cấu trúc hợp lý, kết hợp việc thu hút chuyên gia đầu ngành với phát triển nguồn lực các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên tài năng. Đồng thời, cần phát triển mạng lưới liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để tạo ra hệ sinh thái khoa học công nghệ liên thông. Điều quan trọng là cần đảm bảo sự luân chuyển của tri thức, khiến tri thức được truyền đạt, nhân rộng và phát triển tiếp nối, tạo nên giá trị bền vững thay vì chỉ đầu tư vào cá nhân riêng lẻ", chuyên gia bày tỏ thêm.
Bên cạnh đó, nếu đơn giản hóa quy trình nhập quốc tịch hoặc cấp thẻ cư trú lâu dài, cấp quyền sở hữu lâu dài nhà ở và đất đai cho các chuyên gia và nhà khoa học quốc tế tại Việt Nam sẽ giúp thu hút được đội ngũ nhân tài có cam kết dài hạn, những người sẵn sàng đầu tư tâm huyết vào phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam. Khi được đảm bảo về tương lai, các chuyên gia sẽ tập trung hơn vào nghiên cứu dài hạn và đào tạo thế hệ kế cận.
Đây cũng là cơ hội để hình thành các cộng đồng học thuật quốc tế ngay tại Việt Nam, tạo điểm kết nối với mạng lưới nghiên cứu toàn cầu và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài trợ nghiên cứu lớn. Đồng thời, Việt Nam sẽ xây dựng được thương hiệu như một điểm đến hấp dẫn cho tài năng khoa học công nghệ, tạo hiệu ứng cộng hưởng thu hút thêm nhiều nhà khoa học tài năng khác.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, theo nhà nghiên cứu giáo dục Hoàng Anh Đức, chúng ta cần bảo đảm rằng các quy định mới không chỉ là những ưu đãi đơn lẻ mà phải là một phần của chiến lược tổng thể phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ quốc gia.
Về những chính sách để tạo ra một môi trường ổn định và hỗ trợ lâu dài cho các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế đến Việt Nam, tránh tình trạng các chuyên gia chỉ đến Việt Nam trong thời gian ngắn rồi rời đi, Tiến sĩ Hoàng Anh Đức cho rằng, chúng ta cần xây dựng chiến lược tổng thể vượt ra ngoài các chính sách đãi ngộ tài chính đơn thuần.
Theo đó, yếu tố then chốt là phát triển hệ sinh thái nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, với các nhóm nghiên cứu mạnh và đa dạng.
"Nhà khoa học sẽ gắn bó khi họ thấy mình là một phần của cộng đồng học thuật năng động, nơi họ có thể trao đổi ý tưởng và hợp tác với đồng nghiệp tài năng. Đồng thời, cần có cơ chế tài trợ nghiên cứu dài hạn (5-7 năm) để họ có thể xây dựng chương trình nghiên cứu bền vững thay vì chỉ là các dự án ngắn hạn", Tiến sĩ Đức nhìn nhận.
Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội phát triển sự nghiệp rõ ràng. Các nhà khoa học cần thấy được lộ trình phát triển chuyên môn và tầm ảnh hưởng của họ tại Việt Nam. Chính sách hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng là động lực quan trọng, giúp họ hiện thực hóa giá trị của công trình nghiên cứu.
Hơn thế nữa, theo Tiến sĩ Hoàng Anh Đức, môi trường sống hòa hợp cho cả gia đình họ là yếu tố không thể thiếu để tạo nên sự gắn bó lâu dài với Việt Nam.