Cần 'xanh hóa' khu công nghiệp để gia tăng sức hút với dòng vốn FDI

Với những lợi thế về nguồn cung, giá thuê hấp dẫn, BĐS công nghiệp có đóng góp không nhỏ trong việc hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian qua. Tuy nhiên, để loại hình này tiếp tục có đột phá, việc 'xanh hóa' theo xu hướng của thế giới là điều không thể bỏ qua.

Trong bối cảnh thị trường đầu tư trên thế giới gặp nhiều khó khăn với sự suy giảm của dòng vốn đầu tư vào các thị trường lớn, chi phí vay vốn cũng tăng cao, chênh lệch giá chào bán - chào mua rộng hơn và những lo ngại toàn cầu vẫn tiếp diễn cũng đã khiến tâm lý đầu tư tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, Việt Nam lại trở thành một trong những điểm sáng khi thu hút được một lượng lớn vốn FDI vào nhiều lĩnh vực như BĐS, công nghiệp chế biến, trung tâm dữ liệu,…

Điểm sáng này được thể hiện rõ trong số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi qua 7 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 48 tỉnh, thành trong cả nước, tập trung vào các tỉnh, thành có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.

Nổi bật trong đó là các trung tâm công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng,... Chỉ tính riêng 10 địa phương top đầu đã thu hút 79,5% số dự án mới và 78,6% vốn FDI của cả nước.

 Sự phát triển của BĐS công nghiệp đã giúp thị trường Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư

Sự phát triển của BĐS công nghiệp đã giúp thị trường Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư

Ngoài ra, tính đến cuối tháng 7, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt hơn 10,7 tỷ USD. Tăng 12% về số dự án và tăng 36% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI thực hiện cũng đạt 12,6 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024.

Những số liệu trên cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào sự phát triển kinh tế trong nước. Đồng thời, các yếu tố cạnh tranh trong việc cho thuê mặt bằng, chi phí lao động vẫn đang là lợi thế của thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài và sự phát triển của các nước trong khu vực trong mảng BĐS công nghiệp đã khiến lợi thế của thị trường Việt Nam gặp nhiều thách thúc. Đặc biệt là khi các nhà đầu tư nước ngoài đang có nhiều lợi thế kinh nghiệm trong việc "xanh hóa" khu công nghiệp, xu hướng của thị trường trong thời gian tới.

Theo ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao bộ phận BĐS công nghiệp của Savills Hà Nội cho biết, dựa trên dữ liệu từ thị trường sơ cấp, nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều đang xem xét chuyển đổi các khu công nghiệp của họ thành khu công nghiệp thân thiện với môi trường. Các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung vào môi trường hơn bao giờ hết, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội là một phần của các mục tiêu toàn cầu của họ.

Các doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng chú trọng đến phát triển khu công nghiệp theo định hướng đạt các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG), trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và có nhiều chương trình, chính sách phát triển ESG tại Việt Nam. Tháng 4/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất dự Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm hướng tới tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp lớn đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng cũng như phát triển kinh tế xanh.

 Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao bộ phận BĐS công nghiệp của Savills Hà Nội

Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao bộ phận BĐS công nghiệp của Savills Hà Nội

"Các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines đã có các trung tâm công nghiệp sinh thái. Chúng ta cần có thêm những dự án như vậy ở Việt Nam để tiếp tục thu hút đầu tư", ông Thomas Rooney nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia của Savills cho rằng, nhiều khu công nghiệp hiện tại đã được phát triển từ lâu theo mô hình truyền thống. Việc chuyển đổi một khu công nghiệp thông thường thành khu công nghiệp thân thiện với môi trường không đơn giản vì chi phí tốn kém và cần sự xem xét kỹ lưỡng của Chính phủ về khung pháp lý.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-xanh-hoa-khu-cong-nghiep-de-gia-tang-suc-hut-voi-dong-von-fdi-post309318.html