Cần xây dựng nền văn hóa phát triển bền vững

'Muốn có văn hóa phát triển bền vững cần phải đưa các hoạt động văn hóa về giá trị thực, phải khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hóa, đạo đức truyền thống. Đặc biệt, cần phải phát huy tinh thần làm chủ của người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, gắn văn hóa với phát triển kinh tế…'- đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) đã đề cập góc độ văn hóa như vậy tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 31/10.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày 31/10

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày 31/10

Đề xuất đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội vào Nghị quyết

Tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ cơ bản đồng tình với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019, kinh tế tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ trong việc điều hành bộ máy nhà nước, để có những con số phát triển ấn tượng; đồng thời đồng tình với những nhận định, giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ.

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp) cho biết, chúng ta vui mừng về kết quả phát triển kinh tế, nhưng kinh tế cũng không phải là yếu tố duy nhất đem lại chất lượng cuộc sống của người dân. Thậm chí, nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà không làm tốt an sinh xã hội, thì đến một lúc nào đó sẽ phải trả giá vì hậu quả xã hội khôn lường.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp dẫn chứng, chúng ta càng nỗ lực bảo vệ môi trường sống thì dường như môi trường sống càng bất an, từ vấn đề thực phẩm, vấn đề ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước sinh hoạt… Ngoài ra, vấn đề tham nhũng vặt làm hình ảnh bộ máy công quyền xấu đi trong mắt của người dân. Nhiều hành vi thiếu chuẩn mực cho thấy có dấu hiệu sự xuống cấp về nhân cách, về đạo đức. Đặc biệt, nạn xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp, thủ phạm đa số là những người quen, người thân, thậm chí là người ruột thịt.

Trước thực trạng đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng cuộc sống của người dân, bao gồm cả cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần. Đối với một số hiện tượng xã hội cần phải được tập trung nghiên cứu, phân tích để có giải pháp xử lý một cách thỏa đáng.

Các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu từ góc nhìn văn hóa để có giải pháp khắc phục kịp thời hoặc những đề án, chương trình giải quyết các vấn đề an sinh xã hội ở một số địa phương cần được tập trung nguồn lực giải quyết. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng, muốn có văn hóa phát triển bền vững cần phải đưa các hoạt động văn hóa về giá trị thực, phải khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hóa, đạo đức truyền thống.

Đặc biệt, cần phải phát huy tinh thần làm chủ của người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, gắn văn hóa với phát triển kinh tế. Đại biểu lưu ý rằng, đối với lĩnh vực văn hóa, đôi khi cũng không phải là vấn đề ngân sách mà có lẽ quan trọng là ở cách làm.

Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ đã phản ánh tương đối cân bằng giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa) cũng đề nghị, Chính phủ cần quan tâm giải quyết một số nội dung gắn với bảo đảm an sinh xã hội như, tiếp tục thực hiện điều chỉnh tăng lương, trong đó quan tâm đến lương cho những người về hưu, đặc biệt là những người về hưu trước năm 1993; giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo và người có thu nhập thấp; giải quyết chế độ cho những người lao động có chủ nợ đọng bảo hiểm xã hội đã bỏ trốn hoặc phá sản.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần phải tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 93 của Quốc hội về Bảo hiểm xã hội một lần. Cùng quan điểm, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đại biểu tỉnh Bình Phước) đề nghị, tiến hành tổng kết Nghị quyết 93 của Quốc hội để làm cơ sở cho việc điều chỉnh pháp luật đối với việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hướng tới sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Đại biểu cũng đề nghị đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội vào nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020.

Thay đổi giờ làm việc, quan tâm các yếu tố phát triển gia đình

Đánh giá gia đình có vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân, tuy nhiên với đời sống công nghiệp như hiện nay, thời giờ làm việc đã ảnh hưởng nhiều đến yếu tố gia đình. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn đại biểu tỉnh Bình Định) đề xuất, Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính, dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, nếu bắt đầu làm việc từ 8h - 9h thì chúng ta không phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm cùng lúc mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng cũng tăng lên đáng kể do số lượng xe buýt sẽ tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Bình Định cũng cho biết, các nghiên cứu khuyến khích việc nghỉ trưa ngắn, khoảng 20 - 30 phút sẽ giúp hồi phục năng lượng, tỉnh táo, cải thiện trí nhớ, nâng cao hiệu quả làm việc. Nếu thực hiện việc làm muộn, gia đình có đủ thời gian trong buổi sáng. Cha mẹ sẽ lo cho con cái ăn uống đầy đủ, có thời gian quan tâm đến tình hình học tập, vui chơi, sinh hoạt của con ở trường.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng hiện nay, do sự phát triển của mạng xã hội và các thông tin trên mạng, nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em cũng là do xuống cấp của đạo đức, xã hội, thông tin thiếu kiểm soát, do đó cần có một Cổng thông tin với nội dung chọn lọc dành riêng cho trẻ em để bổ sung kiến thức cho trẻ em vui chơi, học tập, rèn luyện kỹ năng sống, trau dồi đạo đức, hoàn thiện bản thân.

Ngoài ra, liên quan đến chăm sóc trẻ em, phát triển gia đình Việt một số đại biểu nhận định do nhu cầu công việc, cuộc sống bận rộn, trên thực tế trẻ em và người chưa thành niên bị xao nhãng ngay trong gia đình; không có có cơ hội được sống chung với cha mẹ, sống trong gia đình có người thân vi phạm pháp luật, đặt ra vấn đề cần bảo đảm quyền của trẻ em và người chưa thành niên từ trong gia đình.

Nhiều đại biểu cho rằng, do có sự cách biệt về tâm lý, quan điểm sống giữa các thế hệ và nhiều yếu tố khác đã tác động, ảnh hưởng xấu khiến một bộ phận trẻ em và người chưa thành niên không có cơ hội được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ một cách tốt nhất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng số trẻ em tham gia tệ nạn xã hội và phát triển không lành mạnh, hoặc phát triển không bình thường, trẻ em tự kỷ, rối loạn tâm thần, trẻ em vi phạm pháp luật do gia đình không giáo dục nghiêm khắc.

Do đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ trong các chính sách về kinh tế và xã hội của Nhà nước ta trong năm 2020 và các năm tiếp theo, cần dành đầu tư hơn cho các yếu tố phát triển gia đình Việt.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-xay-dung-nen-van-hoa-phat-trien-ben-vung-98924.html