Cần xem xét bổ sung một số nội dung cho phù hợp và đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ

Sau khi nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi nhất trí với bố cục và nội dung của dự thảo.

Ông Tô Mạnh Tiến
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tuy nhiên, theo tôi, trong Dự thảo Báo cáo chính trị cần bổ sung, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn. Tại khổ cuối của trang 3, nên bỏ cụm từ “sau 30 năm đổi mới, đất nước ta có sự phát triển nhanh, vững chắc và chuyển biến tích cực”, vì số năm chưa thống nhất với thời gian nêu ở phần trên (35 năm) và nội hàm đã nêu ở trên; đề nghị bổ sung cụm từ “tiếp tục” vào sau từ “kinh tế” và sửa như sau: “Kinh tế tiếp tục ổn định, liên tục tăng trưởng tốc độ cao; sức cạnh tranh...”.

Tại dòng 8 từ cuối trang 4 trở lên, đề nghị chuyển cụm từ “có chuyển biến mạnh mẽ” lên sau cụm từ “vùng khó khăn” thì mới diễn đạt được toàn bộ nội hàm của nội dung này và sửa lại như sau: “Khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng khó khăn có sự chuyển biến mạnh mẽ nhờ được tập trung nguồn lực đầu tư; ...”.

Tại dòng 11 từ đầu trang 5 xuống có cụm từ “rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên” là chưa chính xác, vì “rừng đặc dụng” là chỉ khái niệm chức năng của rừng, còn khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vườn quốc gia là đơn vị quản lý rừng đặc dụng theo mục tiêu của công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Trong 5 năm, từ 2015 - 2019, kinh tế lâm nghiệp đã có chuyển biến mạnh mẽ, thu nhập từ rừng tăng cao, đặc biệt là rừng kinh tế (quế, gỗ rừng trồng, lâm sản ngoài gỗ như sa nhân tím, nhựa thông, nhựa bồ đề, lâm sản phụ dưới tán rừng... đã góp phần thay đổi diện mạo, đời sống của nhân dân. Do vậy, đề nghị sửa lại như sau: “Lâm nghiệp phát triển bền vững, vùng nguyên liệu phát triển ổn định; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được bảo vệ tốt, đa dạng sinh học phục hồi và đã gắn với phát triển du lịch sinh thái; rừng phòng hộ cảnh quan được quy hoạch quản lý và đầu tư phát triển xây dựng đô thị xanh; kinh tế lâm nghiệp đã chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp, đã tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và đem lại thu nhập cao cho nhân dân vùng nông thôn”.

Tại trang 9, khổ thứ 3 từ trên xuống, nội dung chưa thể hiện bản chất của việc tổng kết những vấn đề hạn chế, khuyết điểm theo lý luận của kinh tế chính trị học. Do vậy, đề nghị bổ sung đoạn đánh giá sau: “Quan hệ sản xuất đã phát triển nhưng chưa tương xứng với sự phát triển của lực lượng sản xuất như: Khoa học công nghệ, tư liệu sản xuất, lực lượng lao động, dẫn đến việc tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, liên kết sản xuất manh mún, nên chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, quản lý chất lượng sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn” vào trước đoạn “... việc tích tụ, tập trung đất đai...”.

Khổ cuối trang 9 về “Nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm”, đề nghị bổ sung một nội dung liên quan đến “tổ chức sản xuất”, đó là việc đánh giá hoạt động của các hợp tác xã nông, lâm nghiệp. Muốn phát triển hàng hóa, quản lý chất lượng sản phẩm tốt, liên kết sản xuất hiệu quả thì năng lực quản trị hợp tác xã là rất quan trọng. Do vậy, đề nghị bổ sung một nội dung như sau: “... lợi nhuận thấp, độ rủi ro cao; kỹ năng quản trị của các hợp tác xã chưa tốt, nhiều hợp tác xã được thành lập nhưng hoạt động kém hiệu quả nên chưa tích tụ, tập trung đất đai, góp vốn, liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ...”.

Tại khổ thứ 5, trang 15 từ đầu trang xuống, đề nghị bổ sung như sau: ... “Diện tích rừng, tán che phủ tăng; đa dạng sinh học, khả năng phòng hộ môi trường, sinh thủy được cải thiện; chủ động chuyển...” thì mới đầy đủ những tác động hiệu quả của tài nguyên rừng.

Tại dòng thứ 4, trang 15 từ cuối trang trở lên, đề nghị bổ sung cụm từ “bảo vệ rừng tự nhiên”, vì hiện nay, kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên mới đảm bảo khoảng 50% về diện tích và 30% về chi phí. Do vậy, đề nghị sửa thành: “... Nguồn lực cho bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu...”.

Tại dòng 20, trang 31 từ dưới lên, đề nghị thêm cụm từ “Phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp cùng với việc nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã để” trước cụm từ “Phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...” thì mới giải quyết được vấn đề sản xuất nông, lâm nghiệp trong giai đoạn tới.

Tại dòng thứ 9 từ cuối trang 33 trở lên, đề nghị bổ sung từ “lâm” trước cụm từ ... “chế biến nông sản” thành cụm từ “ ... mây tre đan, chế biến nông, lâm sản, tận dụng nguồn...”.

Tại dòng thứ 6, trang 34 từ cuối trang lên, đề nghị bổ sung nội dung: “Đẩy mạnh thành lập hợp tác xã nông, lâm nghiệp và từng bước nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp...”, như vậy mới toàn diện và phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn tới.

Tại dòng cuối cùng, trang 37, đề nghị bỏ cụm từ “khai thác rừng” và thay bằng cụm từ “quản lý, bảo vệ rừng” mới đầy đủ ý nghĩa về biện pháp quản lý, bởi hiện nay chỉ còn khai thác rừng rừng trồng.

Tại dòng 14, trang 38 từ đầu trang xuống, đề nghị bỏ cụm từ “Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn” và thay vào đó bằng cụm từ “... trong rừng đặc dụng” là rất đầy đủ về ý nghĩa và nội hàm của câu. Bởi, toàn tỉnh hiện có hơn 64.000 ha rừng đặc dụng được giao cho 3 đơn vị quản lý là: Vườn Quốc gia Hoàng liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng liên - Văn Bàn và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nhung-y-kien-tam-huyet-voi-dang/can-xem-xet-bo-sung-mot-so-noi-dung-cho-phu-hop-va-dam-bao-tinh-toan-dien-day-du-z102n20200328084604903.htm