Cần xem xét toàn diện việc phát triển điện hạt nhân
Việc quay lại phát triển điện hạt nhân là vấn đề cần xem xét một cách toàn diện, khoa học và kỹ lưỡng.
Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội (QH) vừa có báo cáo giám sát về việc dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016-2021.
Điện hạt nhân - xu thế tất yếu
Trong báo cáo trên, UBKT của QH đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân và đề nghị Chính phủ tạm giữ quy hoạch vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền quyết định chính thức về vấn đề này.
Trao đổi với báo chí bên hành lang QH ngày 27-5, nhiều đại biểu (ĐB) QH đã đưa ra một số quan điểm nếu dự án điện hạt nhân được tái khởi động.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, cho rằng Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), để đảm bảo an ninh năng lượng, việc phát triển các nguồn năng lượng cần được xem xét nhiều yếu tố. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào điện gió và điện mặt trời, tuy nhiên nguồn năng lượng này có giá thành cao. Năm 2016, QH quyết định dừng chủ trương dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ở thời điểm đó, phương án dừng dự án là hoàn toàn đúng và phù hợp với tình hình đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay UBKT đưa điện hạt nhân vào phát triển sau năm 2040 sẽ có tính khả thi cao, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Đặc biệt, khi Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình trở thành nước công nghiệp thì nhu cầu sử dụng điện ngày càng lớn. “Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của UBKT, tính toán tái khởi động dự án điện hạt nhân” - ông Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng trong thời điểm này Việt Nam chưa thể phát triển điện hạt nhân nhưng về lâu dài chúng ta cũng cần nghiên cứu, đánh giá triển khai điện hạt nhân. Bởi điện hạt nhân là loại năng lượng sạch, các nước khác cũng đã sử dụng. “Phát triển điện hạt nhân cần được nghiên cứu kỹ, thế giới đã chứng kiến những sự cố liên quan đến loại năng lượng này” - ông Hòa nói.
Theo UBKT của QH, đưa điện hạt nhân vào phát triển sau năm 2040 sẽ có tính khả thi cao, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Vấn đề hàng đầu: Công nghệ và an toàn
ĐB Hà Sỹ Đồng cho rằng việc áp dụng công nghệ khoa học, học hỏi kinh nghiệm các nước đã áp dụng điện hạt nhân là cần thiết, với tầm nhìn lâu dài, Chính phủ nên tính toán đưa điện hạt nhân vào quy hoạch điện. “Vấn đề cốt yếu, bộ ngành phải tính toán sản lượng từ nguồn này bao nhiêu cho phù hợp, chưa kể vấn đề địa lý, môi trường, an toàn, ảnh hưởng đến đời sống người dân ra sao. Điện hạt nhân là năng lượng sạch, thân thiện môi trường và giá thành sẽ rẻ hơn đầu tư các loại điện khác, nên UBKT kiến nghị sau năm 2040 phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng sẽ hoàn toàn hợp lý” - ông Đồng phân tích.
Theo vị ĐB này, từ nay đến năm 2040, trong quy hoạch điện VIII nên ưu tiên phát triển điện tái tạo (gió, mặt trời), khí và hạn chế nhiệt điện than. Điều này phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và cam kết của Việt Nam tại COP26.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng để đáp ứng sự phát triển của đất nước thì yêu cầu về đảm bảo năng lượng luôn là cơ bản và ưu tiên. Theo ông, trước mắt Việt Nam nên duy trì ưu tiên năng lượng có sẵn như thủy điện và phát triển năng lượng tái tạo. “Điện hạt nhân sẽ là hướng nghiên cứu lâu dài. Với nhu cầu trong tương lai xa hơn, việc xem xét phát triển điện hạt nhân cần phải cân nhắc, tính đến” - ông Thành nêu quan điểm.
Để phát triển điện hạt nhân, theo ĐB Nguyễn Lâm Thành, công nghệ và an toàn được tính đến trước bởi mức độ tác động của điện hạt nhân đã từng có. Bài toán tiếp theo khi xem xét phát triển điện hạt nhân là chọn địa điểm, phương án xây dựng, giải quyết những tác động đến kinh tế - xã hội.
Trao đổi với báo chí bên hành lang QH ngày 27-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc phát triển điện hạt nhân sẽ được bàn, nghiên cứu kỹ và Chính phủ sẽ chờ chủ trương tiếp theo của Bộ Chính trị và trung ương.•
Điểm hẹn Ninh Thuận
Theo TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Việt Nam quay lại thực hiện điện hạt nhân sẽ phù hợp với COP26. Theo đó, các nước dần loại bỏ nhiệt điện than, giảm dần nhiệt điện khí và khí hóa lỏng (LNG), đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, xem điện hạt nhân là nguồn điện sạch không phát thải CO2 có thể đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy giá dầu và khí lên cao, cho thấy an ninh năng lượng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mỹ và các nước phương Tây đang loại bỏ hoặc giảm dần sự phụ thuộc vào dầu và khí của Liên bang Nga. Để thực hiện được mục tiêu này, năng lượng hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng.
Trên thế giới, tính đến cuối tháng 3-2022, có 441 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, 51 lò đang được xây dựng. Điện hạt nhân vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước (32 nước có điện hạt nhân) và xu thế đang tiếp tục phát triển. Một vấn đề rất được lưu tâm trong phát triển điện hạt nhân là công nghệ và an toàn.
Điện hạt nhân thế hệ mới sẽ chủ yếu dựa vào công nghệ lò nước nhẹ tiên tiến. Công nghệ mới bảo đảm an toàn ở mức độ cao, không ảnh hưởng đến con người và môi trường ngay cả trong trường hợp sự cố (nếu xảy ra, mặc dù xác suất vô cùng thấp).
Ông Thành lưu ý nếu Việt Nam làm điện hạt nhân cần lưu ý phát triển điện hạt nhân trên cơ sở lò nước nhẹ mà các nước đang áp dụng. Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện chương trình điện hạt nhân như: Quy hoạch địa điểm, hệ thống pháp quy hạt nhân, đã chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực… Do đó, việc quay lại điện hạt nhân sẽ hợp lý hơn nếu tiếp tục những gì đã có và thực hiện từ trước năm 2016.
Bên cạnh đó, Việt Nam xem xét kỹ và lựa chọn đối tác phù hợp để thực hiện các dự án điện hạt nhân, củng cố và nâng cao tiềm lực khoa học, vị thế địa chính trị của đất nước. Đồng thời, cần giữ các địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã quy hoạch, trong đó ưu tiên giữ hai địa điểm tại Ninh Thuận.
Nguồn PLO: https://plo.vn/can-xem-xet-toan-dien-viec-phat-trien-dien-hat-nhan-post682049.html