Cần xóa nghèo theo địa chỉ, mục tiêu bền vững

Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) trong buổi khảo sát, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Năm Căn, vào ngày 13/6.

Tham gia cùng đoàn có đại diện các, sở, ban, ngành liên quan: Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Văn phòng Thường trực Chương trình MTQG giảm nghèo tỉnh.

Trong buổi làm việc tại UBND huyện Năm Căn, ông Nguyễn Quốc Thanh lưu ý, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời giúp đỡ hộ nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.

Trong buổi làm việc tại UBND huyện Năm Căn, ông Nguyễn Quốc Thanh lưu ý, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời giúp đỡ hộ nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thu Thủy, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Năm Căn, thông tin, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các dự án, tiểu dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp... đã giúp đời sống nhân dân được quan tâm đầu tư từng bước cải thiện; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nhận thức của người dân có bước chuyển biến tích cực, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có ý thức hơn, chủ động vượt khó, vươn lên thoát nghèo.

Tham gia cùng đoàn có đại diện các, sở, ban, ngành và các địa phương.

Tham gia cùng đoàn có đại diện các, sở, ban, ngành và các địa phương.

Kết quả phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 (bao gồm năm 2022, 2023 chuyển sang 2024) trên 7,8 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân trên 3,1 tỷ đồng, để thực hiện các tiểu dự án, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp như nuôi heo thương phẩm, nuôi sò huyết thương phẩm, phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại khó khăn, hạn chế. Việc thu hồi vốn hỗ trợ 20% tổng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với các dự án giảm nghèo gặp khó khăn. Các dự án phát triển sản xuất thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn khó khăn do đối tượng tham gia hạn chế. Đối tượng tham gia các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thường không có đất sản xuất, lao động chính, phải đi làm kiếm sống hằng ngày, hoặc lao động ngoài tỉnh, từ đó gặp khó khăn trong việc tham gia dự án. Do biến động của thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa đột ngột... làm con giống chết hàng loạt, số lượng lớn tại các xã có dự án, có những hộ có con giống thiệt hại lên đến 100%.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là chương trình lớn, thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhiều dự án, tiểu dự án, đối tượng thụ hưởng cho nên gặp khó trong quá trình thực hiện là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó còn có áp lực trong việc giải ngân nguồn vốn từ các năm chuyển sang. Cho nên địa phương cần làm rõ trách nhiệm từng đơn vị được giao vốn để thực hiện, chi tiết từng dự án, tiểu dự án (nguyên nhân chậm thực hiện, chậm giải ngân, trách nhiệm thuộc cơ quan, đơn vị nào); đồng thời theo thẩm quyền kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Ông Thạch Diên, ở ấp Truyền Huấn, xã Hàm Rồng được hỗ trợ 6 con heo giống và thức ăn từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Ông Thạch Diên, ở ấp Truyền Huấn, xã Hàm Rồng được hỗ trợ 6 con heo giống và thức ăn từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

"Trong quá trình thực hiện, xây dựng dự án cần lựa chọn mô hình tập trung, phù hợp với đối tượng thụ hưởng, điều kiện thực hiện ở địa phương; tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cho lao động được tham gia học nghề. Chính quyền địa phương cần theo sát, kịp thời tuyên truyền, giúp người dân giảm nghèo về nhận thức, có ý chí vươn lên. Địa phương nên thành lập tổ kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chương trình. Ngoài ra, cần sự chung tay góp sức từ mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo động lực giúp hộ nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống, xóa nghèo theo địa chỉ, mục tiêu bền vững”, ông Nguyễn Quốc Thanh lưu ý.

Đoàn công tác kiểm tra dự án nuôi sò huyết ở thị trấn Năm Căn.

Đoàn công tác kiểm tra dự án nuôi sò huyết ở thị trấn Năm Căn.

Trước đó, đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế dự án nuôi heo thương phẩm tại xã Hàm Rồng và dự án nuôi sò huyết thương phẩm ở thị trấn Năm Căn.

Quỳnh Anh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-xoa-ngheo-theo-dia-chi-muc-tieu-ben-vung-a33008.html