Hoàn thiện các nghị quyết để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tới

Chiều 26-6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì buổi làm việc với Sở Lao động, thương binh và xã hội (Sở LĐ-TBXH) nhằm nghe báo cáo dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ người có công (NCC) với cách mạng và thân nhân NCC với cách mạng và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều quy định nội dung, mức hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình thủ tục thực hiện dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lan Mai

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lan Mai

Theo Sở LĐ-TBXH, toàn tỉnh hiện đang quản lý 57.720 hồ sơ; trong đó có 52.707 hồ sơ NCC và thân nhân NCC; 5.013 hồ sơ hưởng trợ cấp một lần. Thời gian qua, các đối tượng NCC với cách mạng được Đảng, Nhà nước có các chính sách đặc biệt quan tâm theo pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng.

Tuy nhiên, mức trợ cấp ưu đãi hiện nay vẫn chưa cao. Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho NCC hàng năm, song các chính sách hỗ trợ chưa được thông qua HĐND tỉnh.

Để thực hiện công tác chăm lo cho NCC trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua các chính sách gồm: tặng quà cho NCC Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7); hỗ trợ chi phí đưa đón, chi phí ăn phát sinh trong thời gian đi đường của NCC đi điều dưỡng tập trung.

Tổ chức cho NCC và đại diện thân nhân liệt sĩ tham quan Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; hỗ trợ cải táng mộ bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện an táng trên địa bàn tỉnh vào nghĩa trang liệt sĩ. Tổng ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện hàng năm cho các chính sách này khoảng 17,3 tỷ đồng.

Đối với Nghị quyết 33/2022/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 quy định nội dung, mức hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình thủ tục thực hiện dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn (2022-2025), đã gặp phải một số khó khăn trong công tác lập và triển khai dự án sản xuất hỗ trợ người nghèo tại địa phương.

Năm 2023, tỉnh bố trí 8 tỷ đồng nhưng chỉ có 3 huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc lập 11 dự án mô hình sản xuất tại cộng đồng thu hút 130 hộ nghèo tham gia sản xuất. Các huyện, thành phố còn lại, dự án sản xuất không thực hiện được do thiếu đất, không xây được chuồng trại chăn nuôi. Các địa phương phải trả lại ngân sách trên 5,4 tỷ đồng.

Từ yêu cầu thực tiễn, cần thiết phải ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 33 để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Sau khi nghe báo cáo cụ thể 2 nghị quyết, đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến về bổ sung, làm rõ một số điều để các nghị quyết khi được thông qua đảm bảo triển khai hiệu quả.

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, đây là các nghị quyết quan trọng sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh giữa năm tới đây.

Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở LĐ-TBXH tiếp thu đầy đủ các ý kiến xây dựng của các sở, ban, ngành để hoàn thiện dự thảo 2 nghị quyết trong thời gian sớm.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202406/hoan-thien-cac-nghi-quyet-de-trinh-hdnd-tinh-tai-ky-hop-toi-a0144c4/