Cần xử lý dứt điểm dịch tả lợn châu Phi, không để lây lan diện rộng
Gần 1 tuần trôi qua, dịch bệnh tả lợn châu Phi tại các xã Trần Phú (Na Rì), Công Bằng (Pác Nặm) không phát sinh mới, tuy nhiên công tác phòng chống dịch vẫn luôn phải thường xuyên, không thể chủ quan. Yêu cầu trước mắt phải làm sạch các ổ dịch để ổn định chăn nuôi, phục vụ tái đàn.
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được phát hiện quay trở lại địa bàn tỉnh vào tháng 7/2023. Tại xã Trần Phú, huyện Na Rì có 42 con lợn bị mắc bệnh và đã tiêu hủy. Tại xã Công Bằng, huyện Pác Nặm có 12 con bị bệnh và tiêu hủy. Tổng số vật nuôi của 17 hộ ở 8 thôn phải tiêu hủy là 54 con với trọng lượng trên 1 tấn. Đó là những con số công khai, báo cáo ngành chức năng bởi thực tế cho thấy số lợn bị dịch chết rải rác đã xảy ra từ đầu năm ở xã Trần Phú lên đến hàng trăm con nhưng người dân không khai báo, đến khi bùng phát thành dịch mới thông tin cho cơ quan chuyên môn để mang đi xét nghiệm. Do quyết liệt, tập trung vào công tác dập dịch, khống chế dịch, từ ngày 14/8 đến nay chưa phát sinh thêm ổ dịch mới.
Được biết, bệnh DTLCP chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc kiểm soát nguồn bệnh lây lan từ đâu chưa thể xác định được, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng có thể xuất phát từ các hoạt động giao thương, mua bán lợn của người dân. Khoảng thời gian đó, tại các địa phương này đang triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên quan đến cung cấp con giống.
Ông Phạm Mạnh Hòa, thôn Nà Coóc, xã Trần Phú (Na Rì) cho hay: “Gia đình nuôi hơn 10 con lợn thịt và nái, thời điểm có dịch khá lo lắng nếu đàn lợn mắc bệnh sẽ thiệt hại kinh tế. Vì vậy mỗi tuần tôi đều khử khuẩn chuồng nuôi 1 lần, rắc vôi bột đều đặn hàng ngày'.
Thời điểm xảy ra dịch bệnh, nguồn thuốc khử trùng phục vụ cho việc phun khử khuẩn rất hạn hẹp, xã Trần Phú được cấp hơn 200 lít hóa chất, các xã bị dịch bệnh uy hiếp được cấp 186 lít. Do nguồn thuốc phun phòng thiếu, tỉnh đã yêu cầu điều chuyển 500 lít thuốc khử trùng tại huyện Pác Nặm, Chợ Mới để ưu tiên cho công tác dập dịch tại Na Rì.
Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Hiện nay cả tỉnh chỉ còn hơn 1.000 lít thuốc sát trùng để phun khử khuẩn đã phân bổ đến các huyện, thành phố. Nếu dịch không may xảy ra chắc chắn sẽ thiếu. Nguyên nhân thiếu là do việc tổ chức đấu thầu mua thuốc và một số loại vắc xin gặp khó khăn, không có doanh nghiệp nào dự thầu dẫn tới phải hủy thầu. Khó khăn này đã được Chi cục báo cáo, xin ý kiến tỉnh cho hướng tháo gỡ.
Bắc Kạn có khoảng 70% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vì vậy nguy cơ DTLCP tái phát trên diện rộng vẫn rất cao. Vi rút DTLCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi hiện nay không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn chưa được kiểm soát chặt. Thời tiết hiện nay lại đang bước vào giao mùa, các mầm bệnh vật nuôi dễ phát triển, bùng phát thành dịch bệnh.
Tại hội nghị bàn về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh diễn ra sáng 16/8, đồng chí Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nơi đang có dịch cần tập trung làm tốt công tác dập dịch tả lợn châu Phi, không để dịch tiếp tục lây lan bùng phát. Hạn chế buôn bán, vận chuyển các động vật và các sản phẩm từ động vật, kiểm soát chặt chẽ đầu vào con giống, nhất là với các dự án liên kết hỗ trợ phát triển sản xuất. Giao ngành chức năng nghiên cứu, tìm các giải pháp để sớm chủ động nguồn hóa chất, vắc xin để phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch../.