Cần xử lý dứt điểm vi phạm hành lang giao thông
ĐBP - Hiện nay, tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ (HLATÐB) trên địa bàn tỉnh, nhất là dọc các tuyến quốc lộ diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, tuy nhiên đến nay còn nhiều trường hợp cố tình vi phạm.
Quốc lộ 279 đoạn C9, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) nhiều hộ dân tự ý lấn chiếm đất HLATÐB.
Thời gian gần đây, qua công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Giao thông vận tải tỉnh cho thấy, trên các tuyến quốc lộ tình trạng người dân sử dụng trái phép đất trong phạm vi đất đường bộ và đất HLATÐB diễn ra phổ biến. Ðặc biệt, có hiện tượng địa phương tự ý cấp hoặc cho phép người dân xây dựng công trình, đào ao, trồng cây… trái phép trong phạm vi đất của đường bộ, đất HLATÐB, nhất là trên tuyến quốc lộ 279 (đoạn Ðiện Biên - Tây Trang); quốc lộ 6 (đoạn thuộc địa phận xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo); quốc lộ 4H (nhánh 4H1, nhánh 4H2) và quốc lộ 12. Thậm chí, có những nơi người dân còn xây dựng nhà, công trình dân dụng, ảnh hưởng đến tầm nhìn, nền, mặt đường và hệ thống thoát nước của đường.
Theo thống kê, tính riêng trên các tuyến quốc lộ, hiện nay toàn tỉnh có 110 trường hợp vi phạm HLATÐB. Sở Giao thông vận tải, Thanh tra giao thông đã lập biên bản xử lý vi phạm, đề nghị các cấp chính quyền địa phương cưỡng chế, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều trường hợp cố tình không thực hiện tháo dỡ. Ðơn cử, tháng 7/2019 qua thanh tra, kiểm tra của Thanh tra giao thông xác định gia đình bà Lê Thị Tụng, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) vi phạm quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, HLATÐB trên tuyến quốc lộ 4H qua địa phận xã Sín Thầu. Cụ thể, gia đình bà Tụng xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm đất HLATÐB trên tuyến quốc lộ 4H. Tuy nhiên, đến ngày 25/8/2020, qua kiểm tra của thanh tra Sở Giao thông vận tải, trường hợp vi phạm trên vẫn chưa được UBND huyện Mường Nhé giải quyết. Ðể lập lại trật tự quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên tuyến quốc lộ 4H, đoàn kiểm tra yêu cầu gia đình bà Tụng nghiêm túc chấp hành tháo dỡ đầu hồi mái vẩy che khuất tầm nhìn. Phạm vi tháo dỡ cách mép ngoài rãnh dọc tuyến đường tối thiểu 3,2m. Ðối với các công trình gia đình bà Tụng xây dựng trong phạm vi HLATÐB, khi ngành giao thông nâng cấp, cải tạo tuyến đường, hộ gia đình tự giác tháo dỡ và không đòi hoàn trả chi phí đền bù.
Tương tự, dọc quốc lộ 279 (đoạn Ðiện Biên - Tây Trang) tại khu vực C9, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) có hàng chục nhà dân, xưởng sửa chữa ôtô, thu mua sắt vụn, bán vôi... ven đường bất chấp là đất ruộng hay HLATÐB.
Theo ông Bùi Vĩnh Phú, Phó chánh Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải), việc xác định vi phạm đất đường bộ, đất HLATÐB thì dễ nhưng việc xử lý, khắc phục rất khó, kể cả cưỡng chế. Qua tuần tra, kiểm soát, phát hiện vi phạm, nhưng theo thẩm quyền, lực lượng thanh tra giao thông chỉ có thể lập biên bản vi phạm hành chính. Còn chức năng xử phạt, thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt là của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua các đơn vị này chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý sử dụng đất dành cho đường bộ; chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm HLATÐB. Ðồng thời chưa kiên quyết trong xử phạt; các quy định, mức xử phạt đối với hành vi lấn chiếm HLATÐB cũng chưa cao nên chưa đủ tính răn đe.
Ðặc biệt, đối với những trường hợp phải cưỡng chế càng khó khăn hơn. Trên địa bàn tỉnh, nhiều trường hợp người vi phạm không có lương, tài khoản tại các tổ chức tín dụng, do đó chỉ có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá. Trong khi hiện nay các quy định xử lý chưa rõ ràng. Ví dụ trường hợp xác minh thông tin về tài sản của người bị cưỡng chế mà đối tượng không có tổng tài sản có giá trị tương ứng số tiền xử phạt thì xử lý thế nào? Về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, theo quy định thì Chánh Thanh tra Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi xảy ra vi phạm đều có thẩm quyền cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng với trường hợp cưỡng chế tháo dỡ công trình trái phép thì Chánh Thanh tra tổ chức cưỡng chế hay chuyển hồ sơ để địa phương cưỡng chế? Trường hợp người vi phạm không có khả năng chi trả chi phí cưỡng chế, tài sản không có giá trị thì chi phí cưỡng chế thực hiện thế nào?
Ðể khắc phục, hạn chế tình trạng lấn chiếm HLATÐB, theo ông Phạm Văn Phúc, Trưởng phòng Kỹ thuật và Quản lý giao thông (Sở Giao thông vận tải) thì cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ thuộc phạm vi địa giới hành chính được giao quản lý. Ðồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải xử lý kịp thời các vi phạm về HLATÐB. Ðặc biệt, UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi đất HLATÐB. Trường hợp khai thác, sử dụng trong phạm vi đất HLATÐB thì phải tuân thủ theo Nghị định 11/2010/NÐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Cần phân định rõ trách nhiệm xử lý vi phạm lấn chiếm HLATÐB, hạn chế việc đùn đẩy, né tránh.