Cần xử lý dứt điểm vi phạm về thủy lợi

Thời gian gần đây, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục bị xâm hại, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động phòng, chống thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân sắp tới. Để khắc phục tình trạng này, các đơn vị, địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm vi phạm, không để phát sinh vi phạm mới...

Một hộ dân ở xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) tự giác tháo dỡ công trình vi phạm trên kênh Hiệp Thuận.

Một hộ dân ở xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) tự giác tháo dỡ công trình vi phạm trên kênh Hiệp Thuận.

Vẫn còn nhiều vi phạm

Chỉ còn vài ngày nữa, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố sẽ vận hành công trình tiếp nguồn nước điều tiết từ hồ thủy điện phục vụ đổ ải, làm đất, gieo cấy lúa vụ xuân 2022. Tuy nhiên, quan sát trong ngày 24-12, phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy nhiều tuyến kênh bị bồi lắng, xâm hại thu hẹp dòng chảy.

Đơn cử như kênh Hiệp Thuận, bị 4 hộ dân ở xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) xây dựng nhà chứa phế thải trên bờ kênh, trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Kênh Tây và Thanh Lan bị nhiều hộ dân ở thị trấn Thường Tín và xã Vân Tảo (huyện Thường Tín) xây cầu bắc qua để làm lối đi lại... Trên trục sông Nhuệ, đoạn qua các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên... bị một số hộ dân xây dựng công trình trên bờ và đổ phế thải xuống lòng sông cản trở dòng chảy.

Dù không làm nhiệm vụ dẫn nước nhưng các hồ thủy lợi của Hà Nội có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều hồ thuộc các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây đang bị xâm hại. Điển hình tại huyện Sóc Sơn có một hộ gia đình đổ hàng trăm mét khối đất vào phạm vi bảo vệ hồ Đồng Quan ở xã Phù Linh; 3 hộ gia đình dựng hàng rào tôn, trồng cây, xây bể trong phạm vi bảo vệ hồ Đồng Đò ở xã Minh Trí...

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 269 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi với các hành vi: Cắm kè tre, cọc bê tông, đổ đất lấn chiếm dòng chảy để làm lều quán, chuồng trại chăn nuôi; tự ý làm cầu giao thông qua sông, kênh mương; cắm đăng đó, dựng vó bè, quây lưới chăn nuôi vịt trên sông... “Những hành vi trên không chỉ làm co hẹp mặt cắt kênh, sông, cản trở dòng chảy ảnh hưởng đến năng lực dẫn, thoát nước mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý của các doanh nghiệp thủy lợi mỗi khi nạo vét, tu bổ kênh mương...”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn cho biết.

Phải xử lý dứt điểm

Theo phản ánh của các doanh nghiệp thủy lợi thành phố, do không có chức năng xử lý nên khi phát hiện vi phạm đã lập biên bản và gửi hồ sơ đến cấp xã, cấp huyện xử lý theo thẩm quyền. Từ đầu năm đến nay, các quận, huyện, thị xã đã xử lý 58 vụ phát sinh trong năm 2021 và 101 vụ vi phạm xảy ra từ những năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy các địa phương đã quan tâm công tác bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, thực tế Hà Nội còn tồn đọng 211 vụ xảy ra trong năm 2021; trong đó, huyện Thường Tín còn 77 vụ, huyện Sóc Sơn còn 31 vụ, huyện Phú Xuyên còn 19 vụ, huyện Ứng Hòa còn 17 vụ...

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo phòng kinh tế các huyện nêu trên cho biết, nguyên nhân là nhiều hộ dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật, nhất là thủ tục xin phép xả nước thải, làm cầu tạm qua kênh mương, cải tạo, sửa chữa nhà ở trong vùng phụ cận bảo vệ công trình thủy lợi... Hơn nữa, nhiều công trình thủy lợi hiện nay vẫn chưa được cắm mốc giới nên cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý... “Một số hộ dân sinh sống ven sông Nhuệ đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất từ nhiều năm trước. Do nhu cầu cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nên các hộ tự ý xây dựng công trình nhưng không xin phép, dẫn đến vi phạm...”, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Nguyễn Thanh Hưng giải thích.

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm các công trình thủy lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương xử lý dứt điểm các vụ việc, đặc biệt là các vụ việc nghiêm trọng, không để phát sinh vi phạm mới; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật thủy lợi để nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân trong bảo vệ công trình thủy lợi... Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí cắm mốc giới hệ thống công trình thủy lợi để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, xử lý vi phạm...

“Để nâng cao năng lực dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân, trước mắt, các đơn vị, địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm những hành vi lấn chiếm, xây dựng công trình trong phạm vi lòng sông, trực tiếp gây cản trở dòng chảy…”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Thực hiện chỉ đạo trên, hiện nay nhiều địa phương đang tập trung xử lý vi phạm. Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) Trang Văn Viễn cho biết, xã đã hoàn thành giải tỏa công trình vi phạm trên kênh Bắc Quảng Hoa. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) Vũ Văn Hạnh thông tin, đã thiết lập hồ sơ, vận động 4 gia đình tự giải tỏa vi phạm trên kênh Hiệp Thuận, hoàn thành trước ngày 29-12... Các huyện: Sóc Sơn, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên... đã phê bình các xã, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm nhưng chưa xử lý dứt điểm; đồng thời yêu cầu các địa phương này tập trung vận động người dân tự giải tỏa, hoàn thành kế hoạch cưỡng chế giải tỏa vi phạm nghiêm trọng trước ngày 15-1-2022.

Với sự chỉ đạo kiên quyết của thành phố, sự vào cuộc nghiêm túc, có trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở và người dân, hy vọng, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố sẽ giảm nhiệt trong thời gian tới.

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/1021144/can-xu-ly-dut-diem-vi-pham-ve-thuy-loi