Nhà ở vừa túi tiền mở ra cánh cửa cho nhà đầu tư

Chính quyền địa phương nên có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ để các chủ sở hữu đất cùng hợp tác, tạo ra những khu dân cư mới bền vững bằng cách tận dụng tối đa diện tích đất, kết hợp với các tiện ích chung và không gian xanh.

Việc khai thác quỹ đất dọc theo các tuyến metro cũng giúp giảm chi phí đầu tư, từ đó tạo ra nhiều lựa chọn nhà ở giá cả phải chăng hơn cho người dân.

Việc khai thác quỹ đất dọc theo các tuyến metro cũng giúp giảm chi phí đầu tư, từ đó tạo ra nhiều lựa chọn nhà ở giá cả phải chăng hơn cho người dân.

Thiếu nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền

Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung các loại hình nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Nhu cầu về khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm, chủ yếu đến từ người dân có thu nhập trung bình và các hộ gia đình trẻ, vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Theo bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M tại Savills, cả TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở. Trong tương lai gần, TP. Hồ Chí Minh sẽ chứng kiến sự gia tăng của các dự án cao cấp, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ lại hạn chế. Ngược lại, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các dự án hạng B.

Sự mất cân đối này là do nhiều yếu tố, bao gồm tăng trưởng thu nhập, quỹ đất hạn hẹp và chi phí đất đai tăng cao, cùng với các thủ tục hành chính phức tạp trong việc cấp phép cho các dự án phát triển mới.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, thị trường TP. Hồ Chí Minh thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt là nhà ở xã hội, là bởi số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đếm trên đầu ngón tay.

Ông Ngô Quang Phúc - Ttổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, chính sách nhà ở xã hội ban hành nhiều năm qua nhưng thực tế nhà làm ra rất ít vì doanh nghiệp không muốn và không thể tham gia. Muốn có nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá vừa phải thì nhất quyết phải có sự tham gia của Nhà nước trong việc tạo dựng quỹ đất sạch, hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp đấu thầu, đấu giá vào làm theo quy hoạch thì giá nhà mới kéo xuống được.

"Không có Nhà nước tạo quỹ đất và hành lang pháp lý, nhà ở xã hội sẽ vẫn là giấc mơ, còn nhà ở thương mại giá vừa phải cũng sẽ đếm trên đầu ngón tay", ông Phúc cho hay.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), với thị trường nhà ở cao cấp có kêu gọi giảm giá thì người có nhu cầu ở thực cũng không mua được các sản phẩm này vì giá quá cao. Do đó, để tạo lập nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp thì cần một chính sách riêng trên cơ sở chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước nhưng với nhiều đổi mới để thu hút doanh nghiệp tham gia loại hình này.

Tận dụng quỹ đất dọc theo các tuyến metro

Với khoản đầu tư công vào cơ sở hạ tầng chiếm khoảng 6% GDP, Chính phủ đang triển khai nhiều dự án lớn như xây dựng đường bộ, cầu cống, sân bay và cảng biển.

Đồng thời, bà Giang Huỳnh cho biết, Luật Đất đai sửa đổi đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai các dự án này. Mục tiêu chính của các dự án này là cải thiện kết nối giao thông giữa các tỉnh thành, rút ngắn khoảng cách địa lý và thời gian di chuyển, đặc biệt là giữa các khu vực trung tâm đô thị và vùng ven. Nhờ đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

“Mô hình phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD), điển hình là hệ thống metro, đã và đang chứng minh hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề giao thông và cung cấp nhà ở. Nhờ việc tập trung phát triển các khu vực xung quanh các tuyến metro, mật độ xây dựng tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và kết nối giữa các khu vực. Đồng thời, việc khai thác quỹ đất dọc theo các tuyến metro cũng giúp giảm chi phí đầu tư, từ đó tạo ra nhiều lựa chọn nhà ở giá cả phải chăng hơn cho người dân”, bà Giang Huỳnh nói.

Chuyên gia Giang Huỳnh cho biết để giảm áp lực về quỹ đất và chi phí đô thị, Hà Nội và. TP Hồ Chí Minh đang hướng tới mở rộng đô thị ra các tỉnh lân cận như Bình Dương và Bắc Ninh. Việc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này, giúp các khu vực ngoại thành trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư và người dân.

Việc ban hành các luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trên thị trường bất động sản. Các quy định pháp luật mới này hứa hẹn sẽ cải thiện hiệu quả sử dụng đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Theo bà Giang Huỳnh, để giải quyết bài toán nhà ở vừa đủ và khả năng chi trả của người dân, chúng ta cần một giải pháp tổng thể, kết hợp sức mạnh của cả khu vực công và tư. Không một bên nào đơn lẻ có thể giải quyết vấn đề nan giải này.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước có giới hạn và lãi suất tăng, việc tài trợ cho các dự án nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, khu vực tư nhân cũng đối mặt với áp lực lạm phát về chi phí đầu vào. Chính vì vậy, sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên là điều cấp thiết.

Các mục tiêu toàn cầu về giảm khí thải carbon cũng làm tăng tính cấp bách của vấn đề. Các nhà cung cấp nhà ở giá rẻ có thể giúp đạt được những mục tiêu này bằng cách cải tạo các tài sản hiện có hoặc chuyển đổi các tài sản không còn phù hợp, như văn phòng bỏ trống hoặc trung tâm thương mại, với sự hỗ trợ của các quy định và quy hoạch thuận lợi. Thêm vào đó, việc tăng mật độ xây dựng và quy hoạch hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhà ở giá cả phải chăng.

Chính quyền thành phố nên có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ để các chủ sở hữu đất cùng hợp tác, tạo ra những khu dân cư mới bền vững. Bằng cách tận dụng tối đa diện tích đất, kết hợp với các tiện ích chung và không gian xanh, chúng ta có thể giải quyết phần nào bài toán nhà ở đang ngày càng cấp bách. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các nhà đầu tư sẽ là chìa khóa để đưa những ý tưởng này thành hiện thực.

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nha-o-vua-tui-tien-mo-ra-canh-cua-cho-nha-dau-tu-156186.html