Cần xử lý ngay các điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép

Sau gần 2 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Quảng Trị ban hành văn bản số 3458/UBND-KT ngày 14/7/2023 về việc rà soát, xử lý các trạm cân thu mua gỗ rừng trồng bất hợp pháp, ở nhiều nơi trong tỉnh vẫn còn các điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép ngang nhiên hoạt động. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm việc vi phạm, xem thường pháp luật này.

Các điểm thu mua gỗ trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động

Trên tuyến đường ĐT 585, đoạn qua đèo Cùa (huyện Cam Lộ), một cơ sở thu mua gỗ rừng trồng có quy mô lớn, xe tải nặng, xe container chở gỗ tràm, keo có dán chữ “Hào Hưng” ra vào liên tục bất kể ngày, đêm. Trên Quốc lộ 9, đoạn qua xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông) một cơ sở thu mua gỗ rừng trồng không phép cũng hoạt động rầm rộ không kém.

Một cơ sở thu mua gỗ rừng trồng trái phép quy mô lớn ngang nhiên hoạt động trên tuyến đường ĐT 585, đoạn qua đèo Cùa, huyện Cam Lộ - Ảnh: V.H

Một cơ sở thu mua gỗ rừng trồng trái phép quy mô lớn ngang nhiên hoạt động trên tuyến đường ĐT 585, đoạn qua đèo Cùa, huyện Cam Lộ - Ảnh: V.H

Tương tự, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa phận các xã Linh Hải, Hải Thái, Linh Trường (huyện Gio Linh); xã Vĩnh Sơn, thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh), các cơ sở thu mua gỗ trái phép quy mô lớn vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ, nhất là vào buổi trưa và chiều muộn...

Thực tế trên được phóng viên Báo Quảng Trị ghi nhận trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2023. Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội kinh doanh, xuất, nhập khẩu gỗ Quảng Trị có văn bản gửi UBND tỉnh phản ánh ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng chục điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép rồi xuất bán ra các tỉnh lân cận.

Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng thiếu hụt nguyên liệu dẫn đến sản xuất gián đoạn; công nhân làm việc cầm chừng, thu nhập sụt giảm; nộp thuế cho Nhà nước theo đó cũng giảm sâu. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đảm bảo hoạt động của các điểm thu mua gỗ trên địa bàn đi vào nền nếp, đúng pháp luật, tránh thất thu thuế, đồng thời, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng.

Ngày 14/7/2023, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành văn bản số 3458/UBND-KT về việc rà soát, xử lý các trạm cân thu mua gỗ rừng trồng bất hợp pháp (văn bản số 3458). Văn bản này yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xử lý dứt điểm các trạm cân thu mua gỗ rừng trồng trái phép trên địa bàn (nếu có) trước ngày 30/8/2023; Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sở Công thương thường xuyên theo dõi việc thực hiện kiểm tra, xử lý các vi phạm của các địa phương, kịp thời báo cáo UBND tỉnh.

Chậm trễ và thiếu quyết liệt trong thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh

Chỉ đạo của UBND tỉnh là như vậy nhưng trên thực tế việc triển khai thực hiện vẫn chậm trễ, thiếu quyết liệt. Trong các ngày từ 23-25/8/2023, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gio Linh để nắm thông tin nhưng đều được trả lời là chưa tiếp cận văn bản số 3458 của UBND tỉnh.

Trên Quốc lộ 9, đoạn qua xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông), một cơ sở thu mua gỗ rừng trồng không phép ngang nhiên hoạt động - Ảnh: V.H

Trên Quốc lộ 9, đoạn qua xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông), một cơ sở thu mua gỗ rừng trồng không phép ngang nhiên hoạt động - Ảnh: V.H

Còn tại huyện Hải Lăng, qua nắm bắt thông tin, phóng viên được biết UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát, báo cáo số lượng các điểm thu mua gỗ rừng trồng; phương án xử lý các điểm thu mua gỗ trái phép. Vậy nhưng, sự vào cuộc là chưa đồng bộ, quyết liệt, đến thời điểm cuối tháng 8/2023 mới chỉ có 3 xã báo cáo kết quả cho huyện, trong khi đó trên địa bàn Hải Lăng có rất nhiều điểm thu mua, chế biến gỗ rừng trồng.

“Tới đây, phòng sẽ đôn đốc tất cả các xã, thị trấn báo cáo tình hình, từ đó tham mưu UBND huyện thành lập tổ rà soát các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng để xử lý vi phạm nếu có trong thời gian sớm nhất”, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hải Lăng Lê Nhân Mạnh cho biết.

Tại huyện Cam Lộ, từ chỉ đạo của UBND huyện, các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng thực tế vẫn còn cơ sở thu mua gỗ rừng trồng trái phép hoạt động rầm rộ, như cơ sở nằm trên đường ĐT 585, đoạn qua đèo Cùa...

Trao đổi với phóng viên về việc nắm bắt, xử lý các cơ sở thu mua gỗ rừng trồng trái phép trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh Hiếu cho biết: “Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt các vướng mắc, khó khăn mà các địa phương gặp phải trong quá trình xử lý các điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép. Từ đó, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan mưu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm vấn đề này nhằm tạo môi trường kinh doanh gỗ rừng trồng lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp”.

Liên quan vấn đề này, báo Quảng Trị cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023 đã phát video clip “Doanh nghiệp khó khăn, thất thu thuế do thu mua gỗ trái phép”; đăng bài “Nhiều hệ lụy từ những điểm thu gỗ rừng trồng trái phép”, phản ánh ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện hàng chục điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép rồi bán ra các tỉnh lân cận.

Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng thiếu hụt nguyên liệu, gián đoạn hoạt động sản xuất; lao động mất việc làm; ngân sách nhà nước thất thu hàng chục tỉ đồng tiền thuế. Vậy nên, các cơ quan chức năng, địa phương phải khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, xử lý ngay các điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép trên địa bàn.

Vũ Hoàng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/can-xu-ly-ngay-cac-diem-thu-mua-go-rung-trong-trai-phep/179650.htm