Cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong quản lý, sử dụng đất

Quản lý, sử dụng đất tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước còn nhiều bất cập. Do đó, cần tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.

Ngày 23-8, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất khu vực sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước".

Quản lý, sử dụng đất ở một số nơi vẫn chưa nghiêm

Phát biểu tại Hội thảo, TS Trần Công Phàn - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ, công tác quản lý, sử dụng đất từng bước được quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai.

Bên cạnh đó, công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã được các địa phương triển khai thực hiện cơ bản theo đúng quy hoạch, kế hoạch.

 TS Trần Công Phàn nêu lên thực trạng của việc quản lý, sử dụng đất hiện nay. Ảnh: MINH TRÚC

TS Trần Công Phàn nêu lên thực trạng của việc quản lý, sử dụng đất hiện nay. Ảnh: MINH TRÚC

Tuy nhiên, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất một số nơi chưa nghiêm. Hiệu quả khai thác, sử dụng đất một số chỗ chưa cao, còn nhiều tồn tại, bất cập, ảnh hưởng rất lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn vừa qua.

Việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ, vi phạm quy định, và cũng chưa có cơ chế hữu hiệu để xử lý các trường hợp này. Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi. Tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước từ khi ban hành Luật đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn nhiều.

Về nguyên nhân, ông Phàn cho rằng cơ quan quản lý có chỗ còn chưa làm hết trách nhiệm, có sự buông lỏng trong quản lý. Thực hiện không đúng các quy định pháp luật khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không thông qua đấu thầu, đấu giá. Việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ - cho rằng, vướng mắc lớn hiện nay khi doanh nghiệp cổ phần hóa phải xây dựng phương án sử dụng đất và phê duyệt phương án sử dụng đất mà giá trị quyền sử dụng đất phải tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp.

Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa chậm hoặc không cổ phần hóa được đều do bị tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất. Chưa kể, nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà, kéo dài quá trình cổ phần hóa...

Vì vậy, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung cơ chế xác định giá trị quyền sử dụng đất – cơ chế được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa.

Xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Còn ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu, Xây dựng & Phản biện pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết, quản lý, sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư còn nhiều bất cập, sai phạm.

Ví như, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được giao rất lớn, nhưng chưa được doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ. Chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước, tính tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bất động sản chưa đúng quy định...

 Ông Nguyễn Văn Huệ cho rằng, cần rà soát, thu hồi và xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong quản lý, sử dụng đất. Ảnh: MINH TRÚC

Ông Nguyễn Văn Huệ cho rằng, cần rà soát, thu hồi và xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong quản lý, sử dụng đất. Ảnh: MINH TRÚC

Ngoài ra, nhiều đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty nhưng không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá.

Một số đơn vị hợp tác, liên doanh, góp vốn thành lập pháp nhân mới, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất cho các đối tượng không thuộc doanh nghiệp nhà nước và không thuộc đối tượng phải di dời do nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 cũng còn nhiều tồn tại. Trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất. Nhưng sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa

Từ thực tiễn trên, đại diện Ban Nghiên cứu, Xây dựng & Phản biện Pháp luật đề nghị các cơ quan sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, trong đó nâng mức xử phạt hành chính ở mức cao hơn để hạn chế các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, công chức. Có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm, sai phạm về đất đai. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời đôn đốc việc thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị thanh kiểm tra.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-xu-ly-nghiem-cac-doanh-nghiep-co-sai-pham-trong-quan-ly-su-dung-dat-post806645.html