Cần xử lý nghiêm cửa hàng xăng dầu găm hàng trục lợi

Theo luật sư, hành vi đầu cơ, găm xăng dầu để trục lợi là vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm. Hiện mức phạt hành chính cao nhất với hành vi này là 30 triệu đồng và tịch thu tang vật, có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh.

Trước kỳ điều chỉnh giá xăng ngày (28/5), Báo Công Thương đã nhận được nhiều phản ánh của khách hàng về việc, tại một số cửa hàng xăng dầu khu vực quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, hay Hai Bà Trưng xảy ra tình trạng “ém” hàng để trục lợi. Một số cửa hàng chỉ bán hàng ở mức khống chế từ 200 – 300 nghìn đồng/khách. Có cửa hàng trưng biển “Mất điện”, “Hết xăng” và “Nghỉ bán”, không hoạt động. Phóng viên cũng rất khó tiếp cận thông tin vì nhiều cửa hàng từ chối trả lời với nhiều lý do, quản lý đi vắng.

Không chỉ ở Hà Nội, nhiều địa phương cũng xảy ra hiện tượng cửa hàng không bán xăng, dầu, hoặc bán xăng dầu với số lượng “nhỏ giọt”.

Tuy nhiên đến sáng 29/5, tất cả các cây xăng dầu đã hoạt động trở lại như bình thường. Một quản lý tại một cây xăng ở Mai Dịch (Cầu Giấy) cho biết, mấy ngày trước cây xăng của chúng tôi do sự cố “mất điện” nên tạm treo biển ngưng bán. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng có điện chúng tôi đã bán xăng bình thường trở lại.

Cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, trước kỳ điều chỉnh tăng giá ngày 28/5 được nhiều khách hàng phản ánh có treo biển "mất điện"

Cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, trước kỳ điều chỉnh tăng giá ngày 28/5 được nhiều khách hàng phản ánh có treo biển "mất điện"

Nhiều ý kiến nhận định, trước xu hướng giá xăng dầu tăng trở lại dẫn đến nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu bắt đầu có nhiều động thái, hành vi găm hàng, hạn chế bán xăng dầu để đợi giá cao trục lợi. Đặc biệt, việc từ chối cung cung cấp xăng dầu với lý do không có nguồn nhập hay nguồn nhập không đảm bảo lượng tiêu thụ của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu là không đủ thuyết phục, không đủ căn cứ để hạn chế lượng xăng dầu bán ra.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, hoạt động kinh doanh xăng dầu điều tiết theo cung cầu của thị trường, tuy nhiên, với hành vi “găm” hàng như trên thì cần sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, xác định rõ động cơ, mục đích. Nếu có sai phạm cần xử lý nghiêm nhằm chấn chỉnh, và làm gương cho các trường hợp khác.

Trước thực trạng trên, nhiều người lo lắng, băn khoăn về mức xử phạt dành cho các đối tượng này ra sao? Theo luật sư Hoàng Tùng- Trưởng VPLS Trung Hòa (Đoàn LS TP.Hà Nội) nhận định, hành vi găm hàng tại các cây xăng là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, tùy vào những hành vi cụ thể sẽ có mức phạt tiền cụ thể, nhưng mức phạt cao nhất sẽ lên đến 30 triệu đồng. Kèm theo đó là hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3- 6 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm nhiều lần.

Đối với hành vi găm hàng (cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng…) sẽ bị xử phạt vi hành chính tại Điều 47 Nghị định 185/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cửa hàng hàng xăng dầu số ll, địa chỉ tại số 95 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội có dấu hiệu găm hàng, chờ tăng giá

Cửa hàng hàng xăng dầu số ll, địa chỉ tại số 95 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội có dấu hiệu găm hàng, chờ tăng giá

Luật sư Hoàng Tùng thẳng thắn: "Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải tiến hành thanh tra, rà soát để xử lý tình trạng này. Nếu có các vi phạm cụ thể thì cần tiến hành xử lý vi phạm ngay. Việc này không chỉ quản lý tốt hoạt động kinh doanh xăng dầu, tránh hành vi trục lợi, mà còn đảm bảo lòng tin của người dân".

Lên án hành vi găm hàng trục lợi của các cây xăng, đông đảo cư dân mạng cũng đánh giá cao các cơ quan chức năng đã tiếp nhận phản ánh của nhân dân và lập tức xử lý các cửa hàng vi phạm. Cụ thể, liên quan vụ cửa hàng xăng dầu số 11 (thuộc Hợp tác xã thương mại Láng Hạ) - số 95 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội mặc dù còn 20 nghìn lít xăng RON 95 nhưng từ chối bán cho người dân (khuya 27/5). Ngày 28/5, Cục QLTT Hà Nội đã ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng theo điểm b, khoản 5, điều 30 Nghị định 67 của Chính phủ về xử phạt lĩnh vực xăng dầu đối với Hợp tác xã nói trên do hành vi găm hàng trục lợi.

Nhằm tăng cường công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu và thực hiện đúng các quy định về kinh doanh xăng dầu, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu và thực hiện các quy định về kinh doanh xăng dầu. Nêu rõ việc thực hiện các hoạt động kiểm tra chấp hành pháp luật tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, các hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng và buôn lậu xăng dầu; yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo, bảo đảm nguồn cung xăng dầu đầy đủ và kịp thời, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-xu-ly-nghiem-cua-hang-xang-dau-gam-hang-truc-loi-138155.html