Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước ngọt ở Long An
Hàng nghìn cử tri ở Long An, Tiền Giang đang rất bức xúc trước hiện trạng Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Hưng Nông) đặt tại xã Tân Đông (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) xã nước thải chưa qua xử lý ra kênh La Khoa gây ô nhiễm ra kênh thủy lợi 3, 19 và 20 đến xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), với chiều dài khoảng 10km .
Nguồn nước ngọt trên các kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng đang làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp và dân sinh của nhân dân Long An và Tiền Giang.
Cử tri kêu cứu
Ông Lâm Bảo Xuyên, ấp 4, xã Tân Đông (Tân Thạnh, Long An) cho biết: Khoảng 2 tháng trở lại đây ngành thủy lợi đống cống La Khoa để ngăn mặn, nước trong kênh không chảy ra được sông Vàm Cỏ Đông nên nhân dân mới phát hiện tình trạng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm nước mặt nghiêm trọng.
Nguồn nước mặt trên các kênh bị ô nhiễm gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất nông nghiệp và dân sinh của người dân. Vụ lúa Hè thu của nhân dân Tân Đông, Tân Tây (Long An) và Tân Hòa Đông (Tiền Giang) đã trễ lịch thời vụ gần 1 tháng vì nguồn nước ngọt trên các kênh thủy lợi đang bị ô nhiễm nặng.
Việc trồng lúa trễ lịch thời vụ sẽ gặp rất nhiều bất lợi như: lúa trỗ bông gặp mưa dầm, giống lốc ngã sẽ giảm năng suất; thu hoạch lúa dầm ướt giá thấp; triều cường nước từ thượng nguồn uy hiếp các đê bao…
Ông Lê Văn Hào, ấp 4 (xã Tân Đông) nói: “Mấy chú quay phim cũng ô nhiễm rồi thì quay làm chi nữa. Bà con cử tri ấp 3, ấp 4 đã phản ánh rất nhiều lần đến chính quyền địa phương nhưng vẫn không giải quyết được. Nguồn nước ngọt bị ô nhiễm đen thui, bốc mùi thối, ruộng lúa đến ngày xuống giống không dám lấy nước vào để gieo giống…”.
Ông Phạm Văn Xe, ấp 3 (xã Tân Đông) nói: Bà con ở đây quen rồi cái cảnh ngửi mùi thối phát ra từ doanh nghiệp sản xuất phân bón và xử lý rác thải.
Người lớn thì gồng mình “ngửi thối” mỗi ngày để giữ lấy tài sản, các cháu nhỏ thì di tản về nội về ngoại để lánh nạn “thối”. Còn nguồn nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm 2 tháng qua đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân trồng lúa, nuôi heo, cá….
Bà con cử tri kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xử lý nghiêm việc doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường để nhân dân ổn định đời sống sản xuất. Không vì lợi ít kinh tế của doanh nghiệp mà hủy hoại môi trường sống của nhân dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường Long An cho biết, tuyến kênh La Khoa (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) là nơi tiếp nhận nước thải của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Hưng Nông.
Qua phản ánh của nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường Long An đã phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Long An), Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạnh Hóa, Ủy ban nhân dân xã Tân Đông tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Hưng Nông) phát hiện nước thải chảy tràn vào ao chứa của ông Nguyễn Thanh Hùng và ruộng lúa của người dân giáp ranh với nhà máy.
Doanh nghiệp chậm khắc phục
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạnh Hóa đã tiến hành lấy mẫu vào ngày 17/4/2024 phân tích, kết quả thông số pH vượt 2.121 lần; COD vượt 2.514 lần; chất rắn lơ lửng vượt 96,1 lần; tổng Nitơ vượt 3,3 lần; tổng phốt pho vượt 44,9 lần; Amoni vượt 4,4 lần; Sunfua vượt 1,18 lần… so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp; lưu lượng nước thải khoảng từ 3-4 m3/ngày.
Từ kết quả phân tích, ngày 27/5/2024, Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Hóa đã trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với An Hưng Nông theo quy định pháp luật với tổng số tiền hơn 315 triệu đồng và buộc công ty thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường bằng cách thu gom toàn bộ nước thải chảy tràn vào ao chứa của ông Nguyễn Thanh Hùng để xử lý đạt quy chuẩn quy định.
Đối với việc xả nước thải ra kênh La Khoa, qua kiểm tra lực lượng chức năng xác định các hành vi vi phạm của công ty là xả nước thải có chứa thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở.
Kết quả phân tích mẫu nước thải tại cống thoát nước đường kính 90mm của Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Hưng Nông) xả ra kênh La Khoa có các thông số: pH vượt 638,89 lần; COD vượt 493,67 lần; chất rắn lơ lửng vượt 16,22 lần; tổng Nitơ vượt 1,11 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công; lưu lượng nước thải khoảng từ 3 đến 4m3/ngày….
Hành vi vi phạm tiếp theo là xây lắp không đúng công trình xử lý chất thải theo quy định về thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Việc xây dựng bể chứa nước thải 120m3 để chứa nước thải và sử dụng để phun ẩm cho quá trình ủ phân bón hữu cơ không đúng công trình xử lý chất thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt.
Đối các hành vi vi phạm này, Phòng Tài nguyên và Môi trường Long An đã có đề xuất xử phạt hành chính đối với công ty hơn 412 triệu đồng. Biện pháp khắc phục là buộc công ty nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi xây lắp không đúng công trình xử lý chất thải theo quy định.
Tuy nhiên, mọi việc đến thời điểm này vẫn chưa có động thái nào từ phía công ty trong việc khắc phục hậu quả về việc gây ô nhiễm nguồn nước mặt trên các kênh thủy lợi. Nước thải từ nhà máy vẫn tiếp tục rò rỉ ra kênh kênh thủy lợi La Khoa mỗi ngày.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An đang tiếp tục phối hợp các ngành chức năng của huyện Thạnh Hóa kiểm tra, yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Hưng Nông chấp hành nghiêm quyết định xử phạt và khắc phục hậu quả.
Trường hợp tiếp tục phát hiện doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sẽ đề xuất, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian chờ phía doanh nghiệp khắc phục hậu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường Long An và Tiền Giang khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước ô nhiễm dưới các dòng kênh phục vụ cho quá trình sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.