Cần xử lý nghiêm khắc những vụ bạo lực học đường
VietTimes - Bạo lực học đường gia tăng, một trong những nguyên nhân là chế tài chưa đủ nghiêm khắc. Gây thương tật dưới 11% mà mức phạt chỉ 2-3 triệu đồng và tịch thu tang vật phương tiện vi phạm thì còn xa mới đủ sức răn đe.
Hơn 10 giờ đêm hôm qua, một người mẹ ở thị xã Buôn Hồ nhắn tin nhờ tôi báo động giúp 1 vụ bạo lực học đường xảy ra sáng đầu tuần, 24/10 tại trường THCS Nguyễn Du, phường An Lạc, Thị xã Buôn Hồ.
Xem đoạn clip chị chuyển, mà lòng tôi đau đớn vô cùng.
Nạn nhân là một trò nhỏ gầy gò, mảnh khảnh. Cháu bị nhóm bạn cầm mũ bảo hiểm nện thẳng cánh vào đầu một cách rất côn đồ, phi giáo dục. Đám học trò xung quanh hò reo, đốc thúc "thêm cú nữa đi", trong đó có cả tiếng của người lớn. "Tội ác" hiển hiện một cách công khai giữa thanh thiên bạch nhật.
Người mẹ báo tin cho biết chị còn có con đi học nên rất sợ bị trả thù. Lo vậy, chị cũng đã báo tin cho vài giáo viên, nhưng họ sợ bị liên lụy nên đều lặng im.
Mười hai năm trước, trên địa bàn thị xã Buôn Hồ cũng đã xảy ra một vụ bắt cóc, đốt xác 2 bé trai vô cùng tàn độc, dã man, khiến dư luận bàng hoàng. Trước đó, kẻ sát nhân, một người buôn bán điện thoại di động mới 24 tuổi vẫn được gia đình và những người xung quanh đinh ninh ngoại phạm với nhận xét là "cháu nó hiền lắm."
Tội ác, không được ngăn chặn từ mầm mống ban đầu, đã sinh sôi thành quỷ dữ. Và cái giá phải trả, không chỉ là bản án tử hình cho kẻ sát nhân có quan hệ xóm giềng đầy vẻ thân thiện, cùng cái chết quá đau thương của 2 em bé vô tội, ngây thơ.
Buôn Hồ, xứ Đạo của những Giáo dân hiền hòa, bình dị, của những thánh đường cao đẹp tôn nghiêm. Tại sao? Tại sao? Tại sao?
Tất nhiên, không riêng Buôn Hồ. Tệ nạn “bạo lực học đường” với vô số hình thức bắt nạt, “đánh hội đồng” trong những năm qua đã ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Giữa các trận “đánh hội đồng” trong trường học với các bi kịch về bạo lực gia đình, và nhiều cái chết đau thương do trầm cảm, tự sát, dường như ranh giới rất mỏng manh. Trong nhiều trường hợp, cái này chính là hệ lụy của cái kia, và ngược lại.
Phải chăng về mặt Tư pháp, Hành pháp, chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về hậu quả nghiêm trọng của lối sống vô cảm, bầy đàn, né tránh trách nhiệm, để có hành động mạnh tay, nghiêm khắc hơn nữa trong các giải pháp ngăn chặn, trừng trị, răn đe?
Theo quy định pháp luật, tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích dưới mức chịu trách nhiệm hình sự (tỉ lệ thương tích dưới 11%, không thuộc một trong các trường hợp đặc biệt) bị phạt hành chính từ hai đến ba triệu đồng. Đồng thời, có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Mức chế tài “giơ cao đánh khẽ” như vậy, liệu có đủ làm chùn tay những kẻ quá côn đồ, hung hăng, có hành vi hành hung man rợ, gây tổn thương dài lâu, không chỉ về thể chất, mà còn mãi mãi rướm máu về tinh thần, đối với người khác?
Tệ nạn bạo lực học đường ở tất cả các dạng thức man rợ, từ công khai tới ngấm ngầm tinh vi đã được xã hội báo động liên tục, ngành giáo dục cũng đã nhiều lần lên tiếng. Nhưng rõ ràng những cách “báo động”, “lên tiếng” ấy đều chưa đủ sức tác động để thay đổi hiện trạng. Không nghi ngờ gì nữa, để xảy ra tệ nạn ấy có trách nhiệm của nhà trường và các bậc cha mẹ trong việc bảo ban dạy dỗ, cách giảng dạy về đạo đức học đường và kỹ năng sống chưa hiệu quả, các giải pháp trừng phạt chưa đủ nghiêm khắc để răn đe.
Nhưng, quy trách nhiệm như thế, vẫn chưa đủ, vẫn sẽ chỉ là lý thuyết suông, nếu tất cả các cơ quan quyền lực, có chức trách liên quan không cùng vào cuộc, đồng bộ, quyết liệt, kịp thời.
Đã đến lúc các ngành Giáo dục, Văn hóa, Công an, Tòa án cùng nhìn nhận vấn đề và hợp lực để đi đến một giải pháp liên ngành đồng bộ, đủ mạnh mẽ, chặt chẽ để ngăn chặn, xóa bỏ được hẳn những hiện tượng bạo lực học đường xấu xí này. Có thể áp dụng giải pháp lắp camera giám sát với phần mềm nhận diện khuôn mặt như ở Đà Nẵng hoặc những sáng kiến khác để ngăn chặn vấn nạn này.
Bạo lực học đường không chỉ gây đau lòng mọi công dân lương thiện, mà còn đi ngược lại với mong muốn toàn dân chung tay xây dựng một đất nước tiến bộ, văn minh!