Cần xử lý nghiêm những người nổi tiếng quảng cáo sữa sai sự thật

Để đánh lừa được người tiêu dùng mua và sử dụng thực phẩm giả thì phải thuê người nổi tiếng quảng cáo bán hàng. 'Chiêu' này đã trở thành một công thức cho những đối tượng sản xuất kinh doanh các loại thực phẩm chức năng mỗi khi cho ra lò một sản phẩm mới.

 Dư luận kiến nghị cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của những người nổi tiếng đi quảng cáo sữa giả

Dư luận kiến nghị cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của những người nổi tiếng đi quảng cáo sữa giả

“Công thức” đẩy sản phẩm "bẩn" ra thị trường

Nói như dân kinh doanh thực phẩm bẩn và sữa "bẩn", có một công thức chung “sản phẩm + người nổi tiếng” để đi ra thị trường. Từ nhiều năm nay, công thức này trở nên phổ biến đối với hầu hết các nhãn hàng sữa bẩn, chỉ cần nhắc đến nó là người tiêu dùng hình dung đến những nghệ sĩ, người nổi tiếng đã quảng cáo.

Đáng chú ý, không chỉ cá nhân người nổi tiếng như MC, diễn viên... đi quảng cáo mà nhiều người còn mang theo cả con cái đi quảng cáo cùng, rồi giới thiệu rằng họ đã cho con mình sử dụng, thấy sản phẩm tốt và có hiệu quả, nên khuyên mọi người hay mua sản phẩm này về cho con em mình dùng”.

Theo một nguồn tin riêng tiết lộ, để thuê người nổi tiếng diễn clip quảng cáo, chủ nhãn hàng sẽ phải bỏ ra chi phí từ 100-150 triệu đồng/clip/sản phẩm. Thông thường thì số tiền thù lao sẽ được thanh toán trực tiếp, cả chủ nhãn hàng và người nổi tiếng đều không hào hứng với việc kê khai nộp thuế cho khoản này. Sau khi dàn dựng clip quảng cáo, các đối tượng sản xuất kinh doanh sữa bẩn sẽ chia sẻ clip đến tất cả các tổ chức cá nhân phân phối sản phẩm qua các kênh online để họ phát clip quảng cáo.

Cần xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo sai sự thật về công dụng của sữa

Điều khiến dư luận bức xúc đó là mỗi khi các sản phẩm sữa bẩn bị bại lộ, bị các cơ quan chức năng xử lý thì những người nổi tiếng này lại vô can. Đơn cử như sản phẩm Hiup từng bị cơ quan chức năng xử phạt vì vi phạm quảng cáo.

Cụ thể, ngày 21/3/2024, Sở Y tế Hà Nội đã có Quyết định 75/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Kinh doanh và công nghệ Alama Việt Nam (Công ty Alama Việt Nam) vì hành vi quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm Hiup 27.

Công ty đã bị xử phạt 25 triệu đồng và buộc cải chính thông tin, buộc tháo gỡ, xóa nội dung quảng cáo của sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27. Tuy nhiên, cho đến nay, hình ảnh BTV Q.M và V.H quảng cáo cho sản phẩm Hiup vẫn được phát tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.

Trong vòng 4 năm Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã tuồn ra thị trường 573 nhãn hiệu sữa giả, đạt doanh thu gần 500 tỷ đồng

Trong vòng 4 năm Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã tuồn ra thị trường 573 nhãn hiệu sữa giả, đạt doanh thu gần 500 tỷ đồng

Trong vụ triệt phá đường dây sản xuất tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả, doanh thu gần 500 tỷ đồng mới đây, nhiều cư dân mạng cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm rõ những người nổi tiếng nào đã quảng cáo “tiếp tay” cho các đối tượng sản xuất kinh doanh sản phẩm đó lừa người tiêu dùng. Bởi trong vụ việc này, có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo dành cho người già, người bệnh, phụ nữ có thai, sinh non và cả trẻ em.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên, ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ, cho biết: “Doanh thu gần 500 tỷ là con số vô cùng lớn, cho thấy số lượng sữa giả bán ra thị trường suốt 4 năm qua của các đối tượng này rất nhiều. Để bán được nhiều như vậy, phải có sự tiếp tay của nhiều người nổi tiếng, do vậy họ cũng phải chịu trách nhiệm với cộng đồng, với pháp luật. Nếu không xử lý nghiêm những người này thì họ sẽ còn tiếp tục đi quảng cáo thu lợi và gây tai họa cho người tiêu dùng, vậy nên tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm minh”.

Tài khoản Facebook Hà Nhật Nam cho rằng: “Tất cả người tiêu dùng mua hàng đều tin vào quảng cáo của người nổi tiếng. Chắc gì người ta đã dùng mà quảng cáo như thật. Những người nổi tiếng quảng cáo cũng nên bị xử lý nặng để răn đe cho những người khác trước khi truyền thông sản phẩm".

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, cho rằng: Hành vi quảng cáo gian dối, vi phạm luật quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với những người nổi tiếng tham gia quảng cáo để bán các sản phẩm này, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi vai trò và trách nhiệm pháp lý của họ đối với vụ án.

Trường hợp họ biết rõ đây là hàng giả, không đảm bảo chất lượng như đã công bố nhưng vẫn tiếp tay giúp sức cho hành vi bán hàng giả thì có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-xu-ly-nghiem-nhung-nguoi-noi-tieng-quang-cao-sua-sai-su-that-20250414141543878.htm