Người có sức ảnh hưởng với công chúng cần lưu ý gì để tránh vi phạm khi quảng cáo sản phẩm?

Luật quy định rõ, người có sức ảnh hưởng khi cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ được xem là bên thứ ba, có trách nhiệm pháp lý khi giới thiệu sản phẩm tới công chúng.

Trong thời đại bùng nổ mạng xã hội, người có ảnh hưởng (influencer) đang trở thành cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hoa hậu Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục cùng quảng cáo kẹo rau củ hồi tháng 12/2024.

Hoa hậu Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục cùng quảng cáo kẹo rau củ hồi tháng 12/2024.

Tuy nhiên, việc tham gia quảng bá sản phẩm nếu không cẩn trọng có thể khiến họ đối mặt với những vi phạm pháp lý nghiêm trọng – từ quảng cáo sai sự thật đến tiếp tay cho hàng hóa giả mạo.

Gần đây, dư luận chưa kịp nguôi sau vụ việc Hoa hậu Thùy Tiên bị xử phạt do quảng cáo sai công dụng kẹo Kera, thì Bộ Công an tiếp tục triệt phá một đường dây sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa giả. Nhiều người nổi tiếng được cho là đã tham gia quảng bá cho một số sản phẩm thuộc đường dây này. Câu hỏi đặt ra là: trách nhiệm pháp lý của người có ảnh hưởng ở đâu trong các chiến dịch quảng cáo thương mại?

BTV Quang Minh từng tham gia quảng cáo sữa bột - (Ảnh: Chụp màn hình).

BTV Quang Minh từng tham gia quảng cáo sữa bột - (Ảnh: Chụp màn hình).

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), thời gian qua, doanh nghiệp ngày càng có xu hướng hợp tác với nghệ sĩ và người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Dù hiệu quả truyền thông là không thể phủ nhận, nhưng thực tế cũng cho thấy không ít trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Luật quy định rõ: người có sức ảnh hưởng khi cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ được xem là bên thứ ba, có trách nhiệm pháp lý khi giới thiệu sản phẩm tới công chúng. Do đó, họ phải đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, không gây nhầm lẫn hoặc thổi phồng công dụng. Đồng thời, cần yêu cầu phía doanh nghiệp cung cấp tài liệu, phương tiện chứng minh tính xác thực của thông tin trước khi đồng ý hợp tác quảng bá.

Trong trường hợp xảy ra sai phạm, người có ảnh hưởng phải chịu trách nhiệm liên đới nếu không chứng minh được mình đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm tra thông tin theo đúng quy định. Đặc biệt, họ còn phải thông báo minh bạch cho người tiêu dùng rằng nội dung giới thiệu là do được tài trợ hay có yếu tố thương mại.

Về phía doanh nghiệp, khi hợp tác với người có ảnh hưởng để giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, cũng phải thực hiện nghĩa vụ thông báo công khai, thể hiện rõ mối quan hệ hợp tác nhằm bảo đảm tính minh bạch với người tiêu dùng.

“Việc tuân thủ đúng quy định không chỉ là yêu cầu bắt buộc về mặt pháp lý, mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững”, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh.

Trong bối cảnh quảng cáo online ngày càng phổ biến, người có ảnh hưởng cần ý thức rõ trách nhiệm của mình trước công chúng, không chỉ để tránh vi phạm pháp luật mà còn bảo vệ chính danh tiếng và uy tín lâu dài trong sự nghiệp.

Tổng hợp

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/nguoi-co-anh-huong-can-luu-y-gi-de-tranh-vi-pham-khi-quang-cao-202504152309417222.html