Cần xử lý nghiêm việc phá hoại Di tích quốc gia tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh
Thời gian qua, người dân thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh không khỏi xót xa khi hai di tích nghệ thuật kiến trúc quốc gia là Đình Đại Lâm và Chùa Thiên Phúc ngang nhiên bị phá hoại. Mặc dù sự việc diễn ra hơn một năm, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý, gây bức xúc trong dư luận.
Ngang nhiên phá dỡ di tích quốc gia
Đình Đại Lâm và Chùa Thiên Phúc là hai công trình nằm trong Cụm di tích kiến trúc nghệ thuật "Đình, Đền, Nghè, Chùa Đại Lâm" thuộc xã Tam Đa được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989. Những công trình này, không chỉ mang giá trị kiến trúc độc đáo mà còn có ý nghĩa tinh thần vô giá đối với mỗi người dân.
Năm 2020, theo đề nghị của UBND xã Tam Đa, UBND huyện Yên Phong và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh về việc tu bổ cấp thiết Đình Đại Lâm; UBND tỉnh cho phép chính quyền địa phương tiến hành tu bổ tòa Hậu cung Đình Đại Lâm. Song, Ban Quản lý di tích địa phương đã thực hiện việc tháo dỡ, đào bới di tích quốc gia khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Việc làm này đã phá hủy kiến trúc quần thể Cụm di tích quốc gia "Đình, Đền, Nghè, Chùa Đại Lâm", vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.
Đình Đại Lâm và Chùa Thiên Phúc là hai công trình nằm trong Cụm di tích kiến trúc nghệ thuật "Đình, Đền, Nghè, Chùa Đại Lâm" thuộc xã Tam Đa được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989.
Cụ thể, các đối tượng đã tự ý hạ giải toàn bộ phần mái tòa Tiền tế, xây dựng nền móng của tòa Tiền tế mới cách tòa Tiền tế khi lập hồ sơ xếp hạng khoảng 8m về phía trước. Sai phạm này đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh Bắc Ninh phát hiện từ cuối tháng 8/2021 và đã có công văn yêu cầu dừng thi công.
Tiếp đó, UBND huyện Yên Phong cũng đã có công văn yêu cầu UBND xã Tam Đa chỉ đạo dừng ngay việc hạ giải, tu bổ tòa Tiền tế, có phương án bảo quản và hoàn trả hiện trạng công trình, kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng vi phạm. Thế nhưng tới ngày 28/9/2021, Sở VH, TT và DL Bắc Ninh phát hiện Ban Quản lý di tích địa phương không dừng thi công theo yêu cầu mà còn tiếp tục đào, xây móng, đổ bê-tông cốt thép khoảng 16 mố cột bao quanh tòa Tiền tế với mục đích xây dựng thêm các hạng mục khác.
Trong khi sự việc tại Đình Đại Lâm chưa được giải quyết dứt điểm thì ngày 25/11/2021, Sở phát hiện vi phạm tại Chùa Thiên Phúc khi toàn bộ tòa Tam Bảo và nhà Tổ đã bị phá vỡ, các cấu kiện gỗ đang để tại sân chùa không được che đậy, bảo quản đúng quy cách. Trước đó, do nhà chùa bị xuống cấp, chính quyền địa phương đã xin thực hiện một công việc duy nhất là đảo ngói và đã được chấp thuận.
Nhiều người dân bày tỏ sự bức xúc, xót xa khi những công trình tâm linh đã đi vào đời sống của họ đã bị dỡ bỏ một cách tùy tiện. Một người dân chia sẻ: "Những người có trách nhiệm của thôn không dân chủ trong việc lấy ý kiến nhân dân, mà tự ý thực hiện phá bỏ các công trình của di tích và xây dựng mới. Chúng tôi rất bức xúc".
Đáng nói là, trong khi phóng viên đang thực hiện phỏng vấn và ghi lại hình ảnh vi phạm tại các công trình của Di tích thì ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng thôn Đại Lâm đã có hành vi ngăn cản, đe dọa phóng viên tác nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở VH, TT và DL Bắc Ninh cho biết, chính quyền địa phương chưa nghiêm túc thực hiện việc dừng thi công, liên tục vi phạm nghiêm trọng việc quản lý, sử dụng di tích cấp quốc gia. Điều này đã vi phạm khoản 2, Điều 13 Luật Di sản văn hóa "Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa" đối với cả đình và chùa.
Cần xử nghiêm những vi phạm
Trước sự việc này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ. Tuy nhiên, ngày 5/9/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Yên Phong cho biết đã không khởi tố vụ án hình sự.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Đội trưởng Điều tra tổng hợp Công an huyện Yên Phong cho biết, lý do không khởi tố vụ án hình sự là do không có sự thay đổi yếu tố gốc và căn cứ vào kết quả giám định giá trị thiệt hại của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, cũng như kết quả giám định về "hủy hoại yếu tố gốc" của Vụ Pháp chế, Bộ VH, TT và DL.
Thế nhưng, qua tìm hiểu, theo yêu cầu giám định của Công an huyện Yên Phong, Trung tâm Kiểm định chất lượng và kinh tế xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đã có Công văn số 70/TTKĐ-KĐCL ngày 26/1/2022 cho biết tình trạng, đối tượng giám định là Đình Đại Lâm và Chùa Thiên Phúc không có hồ sơ chi tiết để làm cơ sở xác định khối lượng, giá trị. Và hiện tại hệ thống định mức, đơn giá xây dựng do Nhà nước ban hành chỉ có cho công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, không có định mức, đơn giá phù hợp để làm cơ sở tính toán xác định giá trị thiệt hại. Vì vậy, Trung tâm không thực hiện được việc xác định giá trị thiệt hại của công trình cũ, vật kiến trúc theo trưng cầu của Công an huyện Yên Phong.
Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế (Bộ VH, TT và DL) cũng có Công văn số 2833/BVHTTDL-PC ngày 1/8/2022 về việc từ chối giám định tư pháp theo yêu cầu của Công an huyện Yên Phong vì cho rằng, hành vi làm thay đổi yếu tố gốc đã được xác định cụ thể tại khoản 2, Điều 1, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và điểm a, khoản 1, Điều 4 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định về yếu tố gốc và những hành vi làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích. Căn cứ quy định về Luật Giám định tư pháp về phạm vi tư pháp và trường hợp từ chối giám định tư pháp, Vụ Pháp chế xác định nội dung cần giám định của Công an huyện Yên Phong là chưa phù hợp.
Thông tin thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Trọng, Chánh Thanh tra Sở VH, TT và DL tỉnh Bắc Ninh cho biết, tại Điều 2 Quyết định 100-VH/QĐ năm 1989 của Bộ Văn hóa khi công nhận Cụm di tích kiến trúc nghệ thuật "Đình, Đền, Nghè, Chùa Đại Lâm", xã Tam Đa, huyện Yên Phong là di tích quốc gia đã nêu rõ: "Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực bảo vệ".
Quy định về khu vực bảo vệ di tích là tuyệt đối cấm mọi sự xây dựng hoặc vi phạm; không tổ chức, cá nhân nào được tự ý tháo dỡ, thay đổi vị trí hoặc làm hư hại di tích. Hiện tại, khu vực bảo vệ theo quy định của Đình Đại Lâm, Chùa Thiên Phúc đã bị di dời, hạ giải và phá dỡ hoàn toàn.
Theo phân cấp quản lý nhà nước về di tích của tỉnh Bắc Ninh thì Cụm di tích kiến trúc nghệ thuật "Đình, Đền, Nghè, Chùa Đại Lâm" do UBND xã Tam Đa quản lý trực tiếp, UBND huyện Yên Phong chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương. Thế nhưng trước những sai phạm nghiêm trọng nêu trên, UBND xã, UBND huyện đều không phát hiện kịp thời và xử lý để những sai phạm kéo dài. Hiện tại, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã có tờ trình Bộ VH, TT và DL về việc tu bổ sửa chữa tại Cụm di tích kiến trúc nghệ thuật "Đình, Đền, Nghè, Chùa Đại Lâm".
Chưa biết các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương sẽ xử lý việc này như thế nào, nhưng việc phá bỏ các công trình kiến trúc cổ, mang nhiều giá trị nghệ thuật và tâm linh như cụm di tích kiến trúc nghệ thuật "Đình, Đền, Nghè, Chùa Đại Lâm" quả thật là vô cùng đáng tiếc và cần phải được xử lý nghiêm, tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai.
"Sự việc xảy ra tại Đình Đại Lâm và Chùa Thiên Phúc là một điều đáng tiếc. Đây là do sự thiếu hiểu biết của một số người dân địa phương khi không thực hiện đầy đủ việc sửa chữa theo quy trình".
Lê Văn Mùi
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh Lê Văn Mùi
"Trên cơ sở Luật Di sản văn hóa, Bộ luật Hình sự, sự việc có dấu hiệu vi phạm khoản 2, Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015: Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc hủy hoại là thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia hoặc quốc gia đặc biệt...".
Trịnh Hữu Hùng
Giám đốc Sở VH, TT và DL tỉnh Bắc Ninh