Cần xử lý nợ xấu, đầu tư cho môi trường và giao thông
ĐBQH tỉnh Phú Yên Lê Đào An Xuân tham gia phát biểu thảo luận ở hội trường.
Chiều 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42. ĐBQH tỉnh Phú Yên Lê Đào An Xuân đã tham gia phát biểu thảo luận ở hội trường. Phú Yên Online trân trọng đăng bài phát biểu trên.
Kính thưa Quốc hội! Trước tiên, tôi xin được phát biểu về Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Tôi thống nhất với đánh giá về những kết quả đạt được và đề xuất gia hạn thực hiện nghị quyết này. Qua kết quả đánh giá, tôi có một số ý kiến như sau: Việc thực hiện nghị quyết có một số vướng mắc phát sinh từ chính những quy định của nghị quyết. Do vậy, việc gia hạn lại toàn bộ nội dung nghị quyết sẽ không giải quyết được toàn bộ mục tiêu đặt ra ban đầu của nghị quyết, mà chỉ mang tính xử lý tức thời trong thời gian Chính phủ chưa kịp tham mưu để trình Quốc hội các quy định phù hợp với thực tiễn.
Để đảm bảo sửa đổi kịp thời các nội dung không còn phù hợp, đảm bảo sự kế thừa liên tục và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát sinh, tôi kiến nghị một số nội dung như sau: Cần xem xét bổ sung đối tượng điều chỉnh của nghị quyết, trong đó có việc xử lý các khoản nợ xấu mới phát sinh từ sau thời hiệu của Nghị quyết 42. Đề nghị bổ sung các quy định về xử lý đối với các khoản nợ xấu không còn tài sản đảm bảo. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay có gần 40% là nợ xấu không còn tài sản đảm bảo để xử lý, do doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể. Những khoản nợ này đã treo trong khoảng thời gian dài, có khoản nợ trên 20 năm, rất cần có giải pháp xử lý đặc thù riêng cho loại nợ xấu này.
Về báo cáo phát triển kinh tế - xã hội, tôi đánh giá cao báo cáo về công tác bảo vệ môi trường năm 2021 mà Chính phủ trình Quốc hội. Trong năm qua, Chính phủ, Bộ TN-MT và các bộ, ngành đã khá tích cực trong việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Các chỉ tiêu môi trường đều đạt và vượt. Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn đánh giá hạn chế là “tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện”.
Về chỉ tiêu “Tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị” đạt 94,71%. Tại kỳ họp thứ hai, tôi có nêu ý kiến về chỉ tiêu này. Hiện con số mà Chính phủ đang thống kê chỉ thể hiện ở vấn đề “thu gom”, chưa phản ánh được thực trạng khó khăn hiện nay của vấn đề “xử lý”, đặc biệt là xử lý đạt chuẩn môi trường.
Cũng tại báo cáo này nêu: Trên tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, có đến 70% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nhưng 80% bãi chôn lấp là bãi không hợp vệ sinh (tức là những bãi chỉ xử lý bằng phương pháp chôn hoặc đốt thủ công). Điều này cho thấy tỉ lệ chất thải rắn được xử lý đạt chuẩn khá thấp và khối lượng chúng ta cần phải xử lý còn rất lớn.
Đồng thời, tôi cũng đề nghị quan tâm và đưa vào chỉ tiêu này nội dung phản ánh về chất thải rắn nông thôn, đây là vấn đề đang gây nhiều bức xúc ở khu vực nông thôn hiện nay, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Do vậy, để phản ánh đúng bức tranh chung về vệ sinh môi trường của cả nước, phù hợp với năng lực quản lý chất thải rắn hiện nay, gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý chất thải rắn, tôi đề nghị sửa chỉ tiêu “Tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị” thành chỉ tiêu tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn nói chung dành cho cả đô thị và nông thôn.
Về nguồn lực bảo vệ môi trường, Báo cáo 198 của Chính phủ cho thấy có phần lớn các tỉnh, thành phố (50/63 tỉnh) đều chi vượt mức chi được giao và nhu cầu kinh phí bảo vệ môi trường ngày một cao hơn. Các tỉnh còn lại chưa chi đủ thường là những tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc chi bảo vệ môi trường của khối bộ, ngành Trung ương năm 2021 rất thấp, chỉ đạt 47,4% và điều này liên tục kéo dài từ năm 2018. Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và có những chính sách để xử lý, điều chuyển kịp thời, tránh lãng phí nguồn lực dù đang còn rất hạn chế.
Về giao thông, quốc lộ 19C được đầu tư từ năm 2012, có chiều dài hơn 151km là tuyến giao thông huyết mạch, góp phần thúc đẩy giao thương phát triển kinh tế của các huyện miền núi 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định và Đắk Lắk. Quốc lộ 19C đoạn qua thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) có mặt đường hẹp, qua khu vực đông dân cư, trường học, lưu lượng xe đông, gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông, cử tri đã nhiều lần kiến nghị về việc đầu tư tuyến tránh hoàn chỉnh quốc lộ 19C qua đoạn này khoảng 3,2km. Đề nghị Bộ GT-VT quan tâm và sớm có phương án đầu tư tuyến tránh hoàn chỉnh quốc lộ 19C đoạn qua thị trấn La Hai, để đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân trên địa bàn.