Cần xử lý trước pháp luật bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết bằng một bản án nghiêm khắc
Đại diện Viện kiểm sát nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết và đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước về quản lý kinh tế; gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực kế toán.
Chiều 26/3, phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ Mua bán hóa đơn gây thất thoát hơn 743 tỉ đồng tiền thuế, xảy ra tại Công ty TNHH Thành An Hà Nội (Công ty Thành An), Công ty TNHH Thiết bị y tế Danh (Công ty Danh), Công ty TNHH Thiết bị y tế Tràng Thi (Công ty Tràng Thi) và nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh có liên quan chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước về quản lý kinh tế; gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực kế toán.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cho biết, trong nhiều năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng phát triển, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước, vẫn còn có các chủ doanh nghiệp lợi dụng chính sách của Nhà nước, cố ý làm trái các quy định để làm giàu bất chính.
Đối với vụ án này, căn cứ kết quả điều tra, kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa, có căn cứ khẳng định: Bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết đứng ra thành lập, là chủ sở hữu và trực tiếp điều hành hoạt động các Công ty Thành An, Công ty Danh, Công ty Tràng Thi (gọi tắt là nhóm Công ty Thành An).
Tại các Công ty này, từ năm 2017 đến năm 2022, Nguyễn Đăng Thuyết đã chỉ đạo lập, sử dụng hai hệ thống sổ kế toán tài chính trong cùng một kỳ kế toán có số liệu không đồng nhất, trong đó, số liệu về tổng tài sản, tổng nguồn vốn, tổng lợi nhuận trước thuế trong các năm từ 2017 đến hết năm 2022 có sự chênh lệch rất lớn, phản ánh không đúng thực tế về hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, chênh lệch về tổng tài sản và nguồn vốn hơn 4.286 tỉ đồng; chênh lệch về lợi nhuận trước thuế hơn 2.092 tỉ đồng. Hành vi nêu trên đã vi phạm quy định tại Điều 13 Luật kế toán, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 743 tỉ đồng. Do đó, Viện kiểm sát truy tố Nguyễn Đăng Thuyết và các đồng phạm: Nguyễn Thị Hòa; Bùi Thị Mai Hương; Đỗ Thị Hoa; Nguyễn Nhật Linh; Nguyễn Quý Khái về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, không oan, sai.
Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, để vận hành sổ sách kế toán trên phần mềm FAST Thuế, Nguyễn Đăng Thuyết chỉ đạo nhân viên mua Hóa đơn khống của các Công ty, hộ kinh doanh cá thể để hạch toán, kế toán vào Chi phí giá vốn và Chi phí bán hàng nhằm tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận ghi nhận trên Báo cáo tài chính hàng năm.
Trong vụ án này đã xác định một nhóm đối tượng đã sử dụng căn cước công dân do mua, mượn để đứng tên pháp nhân thành lập doanh nghiệp; thông qua mạng xã hội và các hội nhóm trên mạng Internet để mua lại các doanh nghiệp cũ đang hoạt động, thiết lập “mạng lưới" đối tượng trung gian ở nhiều cấp để bán hóa đơn GTGT cho nhóm Công ty Thành An nhằm thu lợi bất chính.

Chiều 26/3, một bị cáo trình bày ý kiến sau khi đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội và đề nghị mức án.
Kết quả điều tra xác định, 32 bị cáo trong vụ án này là Giám đốc, chủ cửa hàng, đại diện theo pháp luật các công ty hộ kinh doanh cá thể, mặc dù không có hoạt động kinh doanh với nhóm Công ty Thành An nhưng vẫn ký hợp đồng để bán hóa đơn khống cho nhóm Công ty này nhằm mục đích thu lợi bất chính. Căn cứ tài liệu điều tra, kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, có cơ sở khẳng định VKS truy tố 32 bị cáo về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự, là đúng người, đúng tội, không oan, sai.
Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của nhà nước về quản lý kinh tế; gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực kế toán.
Vụ án có tính chất đồng phạm, trong đó bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết là chủ mưu, tổ chức thực hiện tội phạm; Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp; hành vi phạm tội diễn ra trong nhiều năm, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Đối với bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, đại diện Viện kiểm sát nhận định, mặc dù Thuyết đã bỏ trốn nhưng căn cứ tài liệu điều tra, lời khai của các bị cáo trong nhóm Công ty Thành An và những người có liên quan trong vụ án, lời nhận tội của bị cáo Thuyết tại đơn đề ngày 11/3/2025 do bị cáo viết từ Hoa Kỳ gửi TAND TP Hà Nội và VKSND TP Hà Nội, có cơ sở xác định bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết đã trực tiếp chỉ đạo bị cáo Nguyễn Nhật Linh, Nguyễn Thị Hòa, Đỗ Thị Hoa, Nguyễn Quý Khái; Bùi Thị Mai Hương lập, sử dụng hai hệ thống sổ kế toán tài chính trên phần mềm kế toán FAST để theo dõi kết quả hoạt động kinh doanh của 03 Công ty và hạch toán, kê khai, báo cáo thuế có số liệu sai lệch do mua hóa đơn khống để hạch toán, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 743 tỉ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: H.N
Bản luận tội của Viện kiểm sát nêu rõ, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết phạm tội với vai trò chủ mưu, tổ chức thực hiện tội phạm, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện; hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài; sau khi bị cáo bỏ trốn khỏi Việt Nam, bị cáo vẫn tiếp tục chỉ đạo thông qua ứng dụng phần mềm Viber, Telegram cho vợ là bị cáo Nguyễn Nhật Linh để bị cáo Linh tiếp tục chỉ đạo đến các bị cáo khác tại nhóm Công ty này, qua đó thể hiện rõ vị trí, vai trò, sự ảnh hưởng của bị cáo trong nhóm Công ty Thành An và vai trò của bị cáo trong vụ án.
Với vị trí, vai trò nêu trên nên bị cáo phải chịu trách nhiệm chính về hành vi vi phạm pháp luật và hậu quả thiệt hại gây ra. Hậu quả thiệt hại tài sản của Nhà nước từ hành vi phạm tội của bị cáo Thuyết gây ra là rất lớn, sau khi phạm tội bị cáo bỏ trốn, do vậy, cần phải được xử lý trước pháp luật bằng một bản án nghiêm khắc để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt đối với từng nhóm tội danh như sau:
Đối với nhóm bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại khoản 3 Điều 221, khoản 3 Bộ luật Hình sự:
Nguyễn Đăng Thuyết (Tổng Giám đốc Công ty Thành An) từ 15-16 năm tù, cộng với bản án trước đó; Nguyễn Thị Hòa (Giám sát kế toán thuế Công ty Thành An, Công ty Danh, Công ty Tràng Thi) từ 11-12 năm tù; Bùi Thị Mai Hương (Kế toán trưởng Công ty Danh) từ 7-8 năm tù; Đỗ Thị Hoa (cựu Kế toán trưởng Công ty Thành An, Trưởng Ban kiểm soát nội bộ Công ty Tràng Thi) 5-6 năm tù; Nguyễn Nhật Linh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Thành An) từ 3-4 năm tù; Nguyễn Quý Khái (Giám đốc Công ty Danh) từ 3-4 năm tù.
Nhóm bị cáo phạm tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp Ngân sách Nhà nước”, quy định tại khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự, Viện kiểm sát đề nghị mức án, xử phạt như sau:
Nguyễn Thị Kim Dung (Giám đốc Công ty TNHH Vật tư thiết bị y tế An Bình Minh) từ 4-5 năm tù. Phạm Thị Thu Hà (Kinh doanh thiết bị y tế Cửa hàng Tuấn Phong) từ 30-36 tháng tù; Phạm Thị Quỳnh Như (Giám đốc Công ty cổ phần vật tư hóa chất và thiết bị Thành Phát) từ 4-5 năm tù; 3-4 năm tù; Nguyễn Văn Hưng (nguyên Giám đốc Công ty Thương Mại TCT) 12-15 tháng tù….Nguyễn Thị Thu Thanh (Chủ cửa hàng thiết bị y tế Nguyễn Thị Thu Thanh) mức án bằng thời hạn tạm giam, trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa.
Một số bị cáo được Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 6-18 tháng nhưng cho hưởng án treo; phạt tiền từ 50-200 triệu đồng.
Nhóm bị cáo phạm tội In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp Ngân sách Nhà nước, quy định tại khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự, Viện kiểm sát đề nghị xử phạt như sau:
Nguyễn Thị Thu Hằng (Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hằng Anh) đề nghị xử phạt từ 50-60 triệu đồng.
Dương Văn Tiến (Chủ cửa hàng thiết bị y tế Hồng Hà) được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.