Cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT để chuẩn bị chu đáo

Sáng ngày 5-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Tuyết Hà, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc sở và lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: H.Như

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: H.Như

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tóm tắt một số nội dung chính trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có các điểm mới như: tăng cường tự chủ của các địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình; các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi, chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi; ngoài các đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của sở giáo dục và đào tạo, thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh. Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức thi trong 2 ngày (ngày 9 và 10-8-2020).

Cũng tại hội nghị, một số đơn vị liên quan là thành viên ban chỉ đạo cấp quốc gia và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo có ý kiến thảo luận để công tác phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra đúng quy chế, an toàn, nghiêm túc.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước khi hoàn thành cấp THPT, học sinh được trải qua kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng, để kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Đây là cơ sở để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh, đánh giá chất lượng dạy học của các nhà trường và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Ngoài ra, với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng để tuyển sinh.

Để tổ chức tốt kỳ thi, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các địa phương khi thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh thì phải có lãnh đạo UBND tỉnh là trưởng ban chỉ đạo, phó trưởng ban và các ủy viên là đại diện của các sở, ban ngành liên quan. Việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan là nhiệm vụ rất quan trọng. Bộ trưởng cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương có chỉ đạo, quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung cụ thể trong thực hiện tổ chức kỳ thi này. Địa phương cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi, để chuẩn bị chu đáo các khâu, tránh tiềm ẩn các rủi ro.

H.Như

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/giao-duc/can-y-thuc-ro-tam-quan-trong-cua-ky-thi-tot-nghiep-thpt-de-chuan-bi-chu-dao-37474.html