Canada và Mexico trước áp lực thuế quan từ Mỹ
Những lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang gây sức ép lớn lên các nền kinh tế Canada và Mexico, buộc chính phủ các nước này phải vội vã tìm kiếm giải pháp ứng phó.
Khu vực Bắc Mỹ đối mặt với rủi ro thuế quan
Hồi cuối tháng 11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố một trong những hành động đầu tiên của ông sau khi nhậm chức vào đầu năm tới là sẽ áp thuế 25% đối với Canada và Mexico. Lý do là bởi hai nước này đã không ngăn chặn được tình trạng di cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy tại biên giới với Mỹ.
Một động thái như vậy được dự báo sẽ phá vỡ Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) mà ông Trump đã đạt được trong nhiệm kỳ tổng thống trước để thay thế cho Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Đồng thời, nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều xáo trộn.
Nếu mức thuế quan 25% được hiện thực hóa, không có gì phải nghi ngờ về những tác động tiêu cực to lớn mà nó có thể gây ra cho khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là hai nền kinh tế Canada và Mexico.
Theo chỉ số quan sát về độ phức tạp kinh tế của MIT, trong năm 2022 gần 75% hàng xuất khẩu của Canada có điểm đến là Mỹ. Canada đã xuất khẩu nhiều loại hàng hóa và nguyên liệu thô sang Mỹ, từ dầu mỏ, gỗ cho tới turbine khí và ô tô.
Bà Wendy Wagner, một luật sư chuyên về thương mại quốc tế tại Công ty Gowling WLG có trụ sở tại Ottawa (Canada), cho biết một yếu tố quan trọng cần tính đến trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Canada là sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, có thể bị phá vỡ vì thuế quan.
“Đó là một mức thuế rất cao, và vấn đề càng trầm trọng hơn khi biết rằng Canada là một nền kinh tế xuất khẩu”, bà Wagner cho biết.
Với Mexico, tình hình càng nghiêm trọng hơn bởi nước này thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ với tư cách là một điểm đến của hàng hóa xuất khẩu. Theo chỉ số của MIT, 77% hàng hóa của nước này được chuyển đến Mỹ trong năm 2022.
Ông Jeffrey Schott, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói với DW rằng: “Mexico có sự gắn kết rất lớn với nền kinh tế Mỹ, và bất kỳ tranh chấp thương mại nào cũng sẽ gây tổn hại rất nhiều cho cả hai bên. Nhưng tổn hại mà Mexico phải gánh chịu sẽ nặng nề hơn nhiều so với Mỹ”.
Tuy nhiên, người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại đáng kể bởi sự gắn kết chặt chẽ trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là các lĩnh vực như ô tô. Chuyên gia Schott nhấn mạnh rằng thuế quan đối với hàng nhập khẩu Mexico sẽ khiến giá ô tô trở nên đắt đỏ hơn tại thị trường Mỹ.
“Điều này sẽ không có lợi cho ngành sản xuất của Mỹ, vì các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi thuế quan áp lên hàng nhập khẩu Mexico cũng chính là các doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất tại Mỹ. Những chi phí đó sẽ được chuyển cho người tiêu dùng Mỹ”.
Bên cạnh đó, chuyên gia Schott cũng lo ngại thuế quan đối với hàng nhập khẩu Mexico có thể khiến một trong những vấn đề mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đang cố gắng giải quyết - là người di cư bất hợp pháp, trở nên nghiêm trọng hơn.
“Thuế quan chỉ khiến tình hình kinh tế ở Mexico trở nên tồi tệ hơn và khuyến khích nhiều người di cư bất hợp pháp đến Mỹ hơn nữa”, ông Schott nói.
Những sự chuẩn bị của Canada và Mexico
Trước sức ép từ Mỹ, cả Canada và Mexico đều đã đưa ra những thông điệp mang tính xoa dịu. Cả Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đều đã có những cuộc trao đổi riêng với Tổng thống đắc cử Donald Trump để tìm kiếm lối thoát cho những bất đồng.
Theo kênh CBC, Chính phủ Canada hiện đang cân nhắc chi hàng trăm triệu, thậm chí là hơn 1 tỉ đô la, để tăng cường kiểm soát biên giới với Mỹ, qua đó giúp xoa dịu mối lo ngại của ông Donald Trump. Bộ trưởng An toàn Công cộng Dominic LeBlanc cho biết các chi tiết về kế hoạch của chính phủ sẽ được công khai trong những ngày tới.
Còn tại Mexico, các nỗ lực ngăn chặn ma túy và di cư bất hợp pháp cũng đang được đẩy mạnh nhằm giảm thiểu nguy cơ bị áp thuế. Các nhóm chuyên gia từ cả khu vực tư nhân và các tổ chức đại diện cho Chính phủ Mexico cũng đang được thành lập để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận về thương mại với Mỹ.
Bên cạnh đó, một số thông điệp cứng rắn đã được đưa ra. Tổng thống Claudia Sheinbaum đã cảnh báo Mexico sẽ đáp trả việc bị áp thuế bằng mức thuế quan riêng của mình, trong khi Thủ tướng Justin Trudeau hôm 9-12 cũng tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ áp thuế “không công bằng” đối với hàng hóa Canada.
Thủ hiến Ontario Doug Ford đã khẳng định ưu tiên hàng đầu là bảo vệ lợi ích của người dân Canada. Mặc dù không mong muốn đối đầu thương mại, ông nhấn mạnh rằng tỉnh của ông sẽ không ngần ngại cắt đứt nguồn cung năng lượng đến các bang Michigan, New York và Wisconsin của Mỹ nếu tình thế bắt buộc.
Chuyên gia thương mại quốc tế Claudia Ávila Connelly cũng đề cập đến khả năng Mexico và Canada có thể cùng nhau tham gia vào các tòa án ba bên để giải quyết các tranh chấp thương mại với Mỹ. Các tòa án ba bên này lần đầu tiên được đưa vào Hiệp định NAFTA và sau đó tiếp tục được thông qua trong Hiệp định USMCA.
Những toan tính của ông Donald Trump
Hiện vẫn chưa rõ các đe dọa áp thuế mà ông Donald Trump đưa ra có được hiện thực hóa hay không. Theo chuyên gia Jeffrey Schott, những kinh nghiệm trước đó từ việc ông Donald Trump áp thuế đối với cả thép và nhôm nhập khẩu từ Canada và Mexico trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên cho thấy cần nghiêm túc xem xét những lời đe dọa mới. “Ông ấy đã làm điều đó và sẽ sẵn sàng lặp lại hành động này trong những hoàn cảnh thích hợp”, chuyên gia Schott kết luận.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lạc quan hơn cho rằng, đây chỉ là một phần trong chiến thuật đàm phán của ông Trump: luôn đưa ra các mối đe dọa để tìm cách đạt được một thỏa thuận mới tốt hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các biện pháp thuế quan sẽ không thực sự được triển khai.
Ông Bill Reinsch, cố vấn kinh tế cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tin rằng thuế quan đối với Canada và Mexico vẫn sẽ chỉ dừng ở ngưỡng đe dọa, và rất có thể các vấn hợp tác biên giới và di cư sẽ là một phần trong thỏa thuận USMCA sau khi được đàm phán lại trong năm 2026.
“Điều đó là không thể tránh khỏi. Dù sao thì các nước vẫn sẽ phải giải quyết vấn đề này”, ông Reinsch nhận định. “Cũng có nhiều khả năng là ông Trump sẽ đẩy các cuộc đàm phán lên sớm một năm. Vấn đề phức tạp là các cuộc đàm phán sẽ liên quan đến mối đe dọa ma túy và người di cư bất hợp pháp, chứ không phải là về thương mại”.
Đáng chú ý, những tuyên bố đe dọa về thuế quan của ông Trump không chỉ gây ra căng thẳng giữa Mỹ với hai nước láng giềng, mà còn dẫn tới những bất đồng giữa chính Mexico và Canada - các quốc gia bị áp thuế.
Trong cuộc gặp với Tổng thống đắc cử Donald Trump tại bang Florida hồi tháng trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau được cho là đã cố gắng thuyết phục ông Trump rằng, Canada không nên bị gộp chung với Mexico trong vấn đề ma túy hoặc nhập cư bất hợp pháp.
Các chính trị gia ở một số tỉnh của Canada lập luận rằng, nước này nên đạt được thỏa thuận riêng với Mỹ, không liên quan đến Mexico. Thủ tướng Trudeau một mặt cho biết vẫn ủng hộ USMCA, nhưng đồng thời cũng đã ám chỉ đến các lựa chọn thay thế “trong khi chờ quyết định và lựa chọn mà Mexico đưa ra”.
Về phần mình, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết, Canada có “vấn đề rất nghiêm trọng với fentanyl (loại ma túy được nhập nhiều vào Mỹ)”, đồng thời nói thêm rằng, “Mexico không nên bị sử dụng như một phần trong các chiến dịch tranh cử” - ám chỉ đến cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Canada.
Chuyên gia Jeffrey Schott nhận định, những diễn biến trên sẽ có lợi cho chiến lược của ông Donald Trump là giải quyết riêng rẽ những bất đồng với Mexico và Canada, dần làm suy yếu thỏa thuận USMCA. “Ông Trump thích giải quyết vấn đề theo cách song phương, vì vậy, ông ấy sẽ không coi đây là vấn đề chung của khu vực Bắc Mỹ”.
Nguồn: DW, Automotive Logistics, The Hill, CBC, The Guardian
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/canada-va-mexico-truoc-ap-luc-thue-quan-tu-my/