Canada vẫn là điểm đến thu hút lao động quốc tế dù giá cả tăng
Mặc dù áp lực lạm phát đang ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, nhưng Canada sẽ vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với những người lao động từ phương xa.
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, kết quả một cuộc khảo sát về chi phí sinh hoạt năm 2023 được công bố ngày 14/6 cho thấy thành phố Toronto vẫn là nơi có cuộc sống đắt đỏ nhất tại "Xứ sở lá phong". Đây là năm thứ hai liên tiếp Toronto giữ vị trí này.
Cuộc khảo sát do công ty tư vấn và dịch vụ quản lý Mercer thực hiện đối với 227 thành phố trên khắp các châu lục, trong đó cho thấy Toronto được xếp vào hàng thứ 90 trong số những nơi có cuộc sống đắt đỏ đối với các nhân viên quốc tế đến sinh sống và làm việc. Tiếp theo là các thành phố khác như Vancouver, Montreal, Ottawa và Calgary lần lượt xếp ở các vị trí 116, 135, 137 và 145. Kết quả này cho thấy những cái tên nói trên được coi là Top 5 thành phố có chi phí sinh hoạt cao nhất ở Canada trong năm 2023.
Khảo sát trên được thực hiện bằng cách so sánh chi phí của hơn 200 lĩnh vực, như nhà ở, phương tiện đi lại, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng và giải trí... Giám đốc bộ phận nghề nghiệp tại Mercer, bà Nicole Stewart, cho rằng thông qua cuộc khảo sát về chi phí sinh hoạt này có thể thấy mặc dù áp lực lạm phát đang ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, nhưng Canada sẽ vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với những người lao động từ phương xa.
Canada đang trải qua thời gian kinh tế tăng trưởng nóng, với chỉ số lạm phát ở mức 4,4%, chỉ số tiêu dùng tăng 5,8% và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý I/2023 là 3,1%. Ngân hàng trung ương nước này vừa phải có đợt điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản lên 4,75% nhằm kiềm chế bớt chi tiêu và hạ nhiệt nền kinh tế.
Lạm phát tăng cùng các đợt điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản cũng là những yếu tố chính tác động tới nền kinh tế Canada và thế giới kể từ năm ngoái tới nay. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp tới tiền lương và các khoản tiết kiệm của những nhân viên thường xuyên phải làm việc di chuyển trên toàn cầu. Do vậy, tính linh hoạt là yếu tố then chốt.
Bà Stewart cho rằng tính linh hoạt trong công việc từ xa đang khiến nhiều nhân viên có sự thay đổi về các ưu tiên của mình, cũng như có những suy nghĩa khác về nơi họ muốn làm việc và sinh sống. Điều này buộc các tổ chức phải có chiến lược trả lương thật hiệu quả cho lực lượng lao động được phân bổ trên toàn cầu của họ.
Mặc dù 5 thành phố trên được coi là những nơi đắt đỏ nhất Canada, chi phí sinh hoạt vẫn chưa thể so sánh được với các thành phố của Mỹ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có ba thành phố của Mỹ lọt vào top 20 nơi đắt đỏ nhất thế giới lần lượt là New York (thứ 6), Los Angeles (thứ 11) và San Francisco (thứ 14).
Nhìn chung, theo kết quả khảo sát, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là nơi đắt đỏ nhất đối với các nhân viên quốc tế đến làm việc và sinh sống. Tiếp theo là Singapore (Xin-ga-po) và các thành phố của Thụy Sỹ là Zurich, Geneva và Basel.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy các thành phố có mức sống thấp nhất thế giới đối với người lao động quốc tế là La Habana (Cuba, xếp thứ 225), Karachi của Pakistan thứ 226 và Islamabad (Pakistan, thứ 227).
Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam được đánh giá là hai địa điểm tương đối dễ sống đối với các nhân viên quốc tế đến làm việc, với thứ tự xếp hạng lần lượt 156 và 164./.