Cảng cá góp sức chống khai thác IUU

Thời gian qua, các cấp, ngành và ngư dân trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải. pháp đồng bộ để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp sức cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' cho ngành thủy sản. Một trong những giải pháp căn cơ đó là ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (HCNC), đặc biệt là các cảng cá đủ tiêu chuẩn.

"Cửa ngõ" chống khai thác IUU

Kiểm soát hoạt động nghề cá tại các cảng cá là nội dung trọng tâm thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU. Các cảng cá trở thành “cửa ngõ” để lực lượng chức năng kiểm soát các quy trình trước khi xuất bến và bán hải sản theo đúng nhật trình đánh bắt.

Đây cũng là “trung tâm” để đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức (loa, đài, tờ rơi, pa-nô…) cho ngư dân, các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hiểu rõ quy định của pháp luật về nghề cá, đặc biệt là các quy định về chống khai thác IUU.

Từ sáng sớm, tại Cảng cá Quảng Phúc ở (TX. Ba Đồn), có 6 tàu cá đang làm các thủ tục để xuất bến đi biển đánh bắt hải sản. Ngư dân Nguyễn Thái Sơn, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá, cho biết: “Trước đây đi biển thì cứ ra là đánh bắt, nay phải đánh bắt phải đúng ngư trường và ghi nhật ký đầy đủ theo theo quy định”.

Cảng cá Quảng Phúc được đầu tư hạ tầng hiện đại.

Cảng cá Quảng Phúc được đầu tư hạ tầng hiện đại.

Giám đốc Cảng cá Quảng Phúc Nguyễn Hữu Sáu cho biết, tất cả các tàu xuất bến đều qua quy trình kiểm tra rời cảng và chứng thực tàu cá rời cảng. Khi vào bờ, bán cá đều qua quy trình 4 bước gồm: Kiểm tra tàu cập cảng, giám sát việc bốc dỡ thủy sản, chứng thực tàu cá cập cảng, cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng.

“Nếu tàu cá cấp sản lượng đánh bắt 10 tấn nhưng chuyến đánh bắt đạt 15 tấn thì số sản lượng dôi dư đó phải được lập biên bản, kiểm tra nhật trình, đánh bắt đúng ngư trường sẽ tạo điều kiện cho bán, nếu sai sẽ báo cơ quan chức năng xử phạt”, ông Sáu chia sẻ.

Theo những ngư dân đang làm thủ tục xuất, nhập cảng tại Cảng cá Quảng Phúc, việc ra khơi bây giờ không còn đơn thuần là lên tàu rồi nổ máy đi bủa lưới tìm cá tôm một cách tùy tiện vì lợi ích cá nhân, mà cần được đặt dưới sự quản lý bài bản, khoa học, có trách nhiệm vì một nghề cá phát triển bền vững.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Cảnh (phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn) cho biết: Gia đình anh hiện đang sở hữu 2 tàu cá dài trên 15m, đánh bắt ở vùng biển xa và đều được gắn thiết bị giám sát hành trình đầy đủ. Việc khai báo thông tin khi tàu cá cập cảng, rời cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được thực hiện qua ứng dụng “CDT VN”, thay vì giấy tờ truyền thống như trước đây nên rất nhanh chóng, thuận tiện…

Ưu tiên đầu tư hệ thống cảng cá hiện đại

Theo đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”, việc đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm soát tàu cá và truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác tại cảng cá là một trong những nhóm nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chống khai thác IUU.

Theo Chi cục Thủy sản, biển, hải đảo và Kiểm ngư (Sở Nông nghiệp và Môi trường), thời gian qua, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Quảng Bình đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở dịch vụ HCNC trên địa bàn. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư cơ sở dịch vụ HCNC, đặc biệt là các cảng cá hiện đại, đủ tiêu chuẩn, góp phần chống khai thác IUU.

Đi vào hoạt động từ cuối năm 2023, Cảng cá Mũi Ông (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ định là cảng cho tàu 15m về bốc dỡ cá phục vụ cho việc xác nhận nguồn gốc thủy sản nhằm chống khai thác IUU. Đây là cảng cá được tư nhân đầu tư theo hình thức cổ phần.

Toàn tỉnh hiện có 4 cảng cá được Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ định là cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản, gồm: Cảng Gianh (hiện đang sửa chữa, nâng cấp), Cảng cá Nhật Lệ, Cảng cá Quảng Phúc và Cảng cá Mũi Ông. Trong đó Cảng cá Mũi Ông và Cảng cá Quảng Phúc là 2 cảng cá được tư nhân đầu tư theo hình thức cổ phần và hợp tác xã. Đây là 2 cảng cá trong quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cảng cá Mũi Ông là cảng cá loại 3, có độ sâu của luồng 4m, chiều rộng của luồng 200m; chiều dài cầu cảng 168,5m; độ sâu vùng nước đậu tàu 2m. Cảng có thể đón cùng lúc 6 chiếc tàu vào bến; năng lực bốc dỡ hàng hóa từ 35.000-40.000 tấn/năm. Ngoài ra, cảng còn có các dịch vụ HCNC khác, như: Bốc dỡ hàng hóa, sản xuất nước đá, buôn bán hàng hóa thực phẩm...

Ông Tưởng Văn Thịnh, quản lý Cảng cá Mũi Ông cho biết: Từ khi được chỉ định là cảng cho tàu 15m về bốc dỡ cá phục vụ cho việc xác nhận nguồn gốc thủy sản nhằm chống khai thác IUU, cảng tiếp tục ưacu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Khi tàu cá ngoài khơi vào cập cảng phải báo cho cảng trước 1 giờ để chủ động đón tàu. Cảng kiểm tra chặt chẽ hồ sơ về khối lượng, sản lượng, các loài cá… để xác nhận hải sản đủ điều kiện xuất khẩu. Ngoài ra, cảng cá kiểm soát chặt các loài cá, kích thước được phép khai thác, các loài cá bị cấm khai thác… Cùng với đó, cảng kiểm tra sổ nhật trình đánh bắt đúng ngư trường”, ông Thịnh chia sẻ.

Gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu không chỉ nâng cao thương hiệu, uy tín, tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, mà còn là động lực để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững. Cùng với các cấp, ngành và ngư dân, các cảng cá trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực, cố gắng từng ngày để chống khai thác IUU, góp phần gỡ “thẻ vàng”, phát triển thủy sản bền vững.

Phan Phương

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202504/cang-ca-gop-suc-chong-khai-thac-iuu-2225349/