Mỹ áp thuế 10% lên tất cả hàng nhập khẩu, Việt Nam chịu 46%
Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%, thuộc hàng cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế được ông Trump ký rạng sáng 3/4 (theo giờ Việt Nam).
Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%
Phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định đây là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ khi ông công bố loạt chính sách thuế mới.
Mức thuế "cơ bản" áp dụng với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ là 10%. Một số quốc gia nằm trong nhóm này gồm Anh, Brazil, Singapore, Úc, Chile, Argentina, Saudi Arabia,...
Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu mức thuế từ 20-26%. Đáng chú ý, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm bị áp mức thuế đối ứng cao nhất, lần lượt 34% và 46%.

Ông Trump áp thuế quan đối ứng từ 10% lên hơn 180 nền kinh tế, Việt Nam chịu 46%.
Tấm bảng được ông Trump cầm cũng đưa ra lập luận cho mức thuế đối ứng là mức thuế các nền kinh tế đang áp cho hàng hóa Mỹ. Ví dụ Việt Nam, Trung Quốc và EU đang áp mức thuế lần lượt 90%, 67%, 39% với hàng hóa Mỹ. Không có lời giải thích cụ thể nào cho cách tính của Washington.
Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36% vì áp mức thuế 72% với hàng hóa Mỹ, tiếp theo là Indonesia (32%, 64%), Malaysia (24%, 47%), Philippines (17%, 34%), Singapore (10%, 10%).
Đáng chú ý là Canada và Mexico không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế đối ứng lần này.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết mức thuế cơ bản 10% sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4 tới. Trong khi đó, với các nền kinh tế chịu mức thuế cao hơn, việc thực thi sẽ bắt đầu từ ngày 9/4.
Thuế quan trung bình cao nhất hơn 100 năm qua
Sắc lệnh do Tổng thống Trump ban hành nêu rõ, các mức thuế có thể tăng, giảm tùy thuộc vào việc các nước giải quyết những lo ngại của Mỹ.
Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ của Fitch Ratings cho biết, theo chính sách mới, mức thuế quan trung bình có hiệu lực của Mỹ đối với tất cả hàng nhập khẩu đã tăng vọt lên 22% từ mức chỉ 2,5% vào năm 2024. Đây là mức trung bình cao nhất hơn 100 năm qua.
"Lần gần đây nhất chúng ta chứng kiến mức thuế trung bình cao như vậy là khoảng năm 1910. Đây là một bước ngoặt, không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào suy thoái. Bạn có thể loại bỏ hầu hết các dự báo nếu mức thuế quan này vẫn duy trì trong một thời gian dài", Olu Sonola, giám đốc nghiên cứu kinh tế Mỹ của Fitch Ratings, nhận định.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhắn nhủ đến các quốc gia đang có ý định đáp trả thuế quan: "Hãy ngồi lại, hít thở sâu, đừng vội trả đũa. Hãy xem điều này sẽ đi đến đâu, bởi vì nếu bạn trả đũa, đó là cách chúng ta sẽ leo thang", ông nói.
Ông cũng cho rằng mức thuế quan có thể không phải là vĩnh viễn và ông tin chính quyền Tổng thống Trump sẽ "chờ xem mọi việc diễn ra như thế nào" trước khi đưa ra bước tiếp theo.
Thuế đối ứng là gì?
Thuế đối ứng là một loại thuế được áp dụng để đáp trả hoặc cân bằng lại tác động của một loại thuế, trợ cấp hoặc chính sách thương mại không công bằng từ một quốc gia khác. Loại thuế này thường được áp dụng trong thương mại quốc tế để bảo vệ lợi ích kinh tế, duy trì sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Thuế đối ứng có thể được hiểu là một biện pháp phòng vệ thương mại do chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài. Biện pháp này nhằm điều chỉnh cán cân thương mại, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp trong nước và duy trì sự ổn định của nền kinh tế.
Thuế đối ứng ảnh hưởng như thế nào?
Thuế đối ứng có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và các bên liên quan. Dưới đây là những tác động chính:
- Bảo vệ ngành công nghiệp trong nước: Thuế đối ứng giúp bảo vệ doanh nghiệp nội địa khỏi sự cạnh tranh không công bằng từ hàng nhập khẩu, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn.
- Tác động đến giá cả và người tiêu dùng: Khi thuế đối ứng được áp dụng, giá hàng nhập khẩu sẽ tăng, khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn hoặc chuyển sang mua sản phẩm nội địa.
- Khuyến khích sản xuất trong nước: Doanh nghiệp nội địa có động lực nâng cao chất lượng và sản lượng để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
- Nguy cơ chiến tranh thương mại: Thuế đối ứng có thể dẫn đến vòng xoáy trả đũa, gây ra chiến tranh thương mại giữa các quốc gia.
- Tăng thu ngân sách: Chính phủ có thể thu được thêm thuế từ hàng nhập khẩu, nhưng nếu áp dụng lâu dài, nguồn thu này có thể không ổn định.
- Tác động đến xuất khẩu: Thuế đối ứng của đối tác có thể làm giảm khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.
- Ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế: Việc áp dụng thuế đối ứng có thể làm căng thẳng mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia và ảnh hưởng đến các thỏa thuận thương mại.