Cảng Cần Thơ đón tàu trọng tải lớn thứ 2 sau 6 năm vắng bóng tuyến đường thủy Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ
Đây là chuyến tàu tải trọng lớn thứ hai cập cảng Cần Thơ nằm trong chuỗi khởi động lại tuyến đường thủy Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ sau 6 năm vắng bóng vì luồng sông Hậu bị bồi lắng.
Chiều ngày 27/2, cảng Cần Thơ đã đón tàu VIMC PIONEER (IMO: 9167514, MMSI 574453000) cập bến Cái Cui. Đây là chuyến tàu tải trọng lớn thứ hai cập cảng Cần Thơ nằm trong chuỗi khởi động lại tuyến đường thủy Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ sau 6 năm vắng bóng vì luồng sông Hậu bị bồi lắng.
Tàu VIMC PIONEER có sức chở 558 TEU (1 TEU = 1 container 20ft) với trọng tải 9.088 dwt, chiều dài 120,84 mét đã cập bến cảng Cái Cui thành công để làm hàng với số lượng container xếp dỡ lên/ xuống tàu là 280 TEU. Trong đó, có 7 container 40ft hàng lạnh xuất ra Hải Phòng. Đây là chuyến tàu thứ hai cập bến Cảng Cái Cui trong chuỗi dịch vụ vận tải container Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Hải Phòng qua cụm cảng Cần Thơ.
Tuyến tàu container Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ bắt đầu hoạt động từ năm 2016 đi theo luồng Quan Chánh Bố với tần suất 1 chuyến/tuần, được 33 chuyến thì buộc phải tạm ngưng do độ sâu luồng không đảm bảo. Năm 2022, luồng Quan Chánh Bố hoàn tất nạo vét, sự trở lại của tuyến dịch vụ này tiếp tục kết nối hàng hóa 3 miền Bắc – Trung – Nam. Đặc biệt, chuyến tàu tái khởi động, tác dụng của giao thông thủy ĐBSCL đã được đánh thức mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế tại khu vực này.
Hiện tại ĐBSCL, Cảng Cần Thơ có quy mô và cơ sở hạ tầng lớn nhất trong khu vực, đã hoạt động hơn 42 năm. Hiện đang khai thác hai bến cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I của vùng là bến Cái Cui và Hoàng Diệu, với tổng diện tích cầu cảng là 667m, có khả năng tiếp nhận tàu 20.000DWT.
Năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua các bến cảng và khu vực khai thác thuộc cảng Cần Thơ đạt hơn 2.67 triệu tấn, tăng trưởng 63,86% so với năm 2021. Cảng Cần Thơđang hướng đến mục tiêu đạt 3 triệu tấn hàng hóa thông qua vào năm 2023. Tuy nhiên, do lượng tàu tải trong lớn ra vào còn hạn chế vì lòng sông bị bồi lắng, phương tiện thủy di chuyển khó khăn và mất thời gian. Doanh nghiệp bắt buộc chọn đường bộ để vận chuyển hàng hóa nhưng chi phí bị đội lên và tỷ lệ hao hụt cao.
Quốc hội đã có Nghị quyết 45 về thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP Cần Thơ. Trong đó có công tác nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ (luồng thứ 2 cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu song song với luồng Quan Chánh Bố) theo phương thức xã hội hóa.
Doanh nghiệp thực hiện dự án có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên sẽ được áp dụng hình thức ưu đãi. Việc nạo vét luồng này là để đảm bảo khai thác tuyến 2 chiều, cho tàu chạy song song thay vì 1 chiều gây ách tắc như hiện tại.