Càng chậm trễ, cơ hội trả lại tên liệt sĩ vô danh càng ít
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, cuộc chiến bảo vệ biên giới cũng đã lùi xa gần 40 năm nhưng hiện vẫn có rất nhiều gia đình liệt sĩ chưa tìm được mộ người thân, đó là vết thương chưa lành của những người mẹ, người vợ, con liệt sĩ. Từ hơn 10 năm qua, có một tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện đã làm được nhiều việc ân nghĩa, đó là Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Nhân vật chúng tôi trò chuyện trong số báo ra đúng dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay là Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh chủng Công binh, nguyên Chính ủy Học viện Kỹ thuật quân sự, hiện là Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam...
PV: Thưa Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, tôi đã có dịp trò chuyện với nhiều cựu chiến binh và thấy có điểm chung rằng, với những người đi qua chiến tranh, ký ức về quá khứ ngoài kỷ niệm về một thời tuổi trẻ thì họ luôn ám ảnh về sự hy sinh khi hầu như ai cũng từng tự tay chôn cất đồng đội ở chiến trường. Với cá nhân ông thì sao, khi chúng tôi biết ông từng có tới gần 10 năm ở những chiến trường ác liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Quả thực đó là tâm trạng chung của những người từng đi qua chiến tranh.
Năm 1965, tôi nhập ngũ. Cuối năm 1968 thì vào chiến trường Trị Thiên, biên chế của Sư đoàn 324 thuộc Quân khu Trị Thiên, sau thuộc Quân đoàn 2. Chiến đấu ở đấy suốt 8 năm, cho tới sau giải phóng mới ra Bắc đi học.
Có thể nói đó là chiến trường ác liệt nhất trong những năm kháng chiến chống Mỹ. 10 năm chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, suốt từ 1965 tới 1975, Sư đoàn 324 tham gia nhiều trận đánh lớn như trận Đầu Mầu, Cồn Tiên - Giốc Miếu, các chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, chiến dịch ở thành cổ Quảng Trị, rồi đến 1975 tham gia giải phóng miền Nam. Sau năm 1975 còn có giai đoạn sang giúp nước bạn Lào nữa.
Trong 10 năm ác liệt nhất của cuộc chiến ấy, Sư đoàn 324 có tới 110.000 liệt sĩ, còn số thương binh gấp 10 lần. Vì thế, sau này có nhà thơ đã viết về sư đoàn chúng tôi rằng: “Nếu sư đoàn của tôi về đủ. Một sư đoàn sẽ thành 5 sư đoàn”. Nói thế để thấy rằng sự hy sinh trong chiến tranh rất khốc liệt.
Suốt 8 năm ở chiến trường, tôi từng bị thương và có nhiều lần từng cận kề cái chết. Tôi vẫn nhớ năm 1972, vào lúc cuộc chiến ở thành cổ Quảng Trị khốc liệt nhất, đơn vị tôi làm nhiệm vụ ở vòng ngoài. Buổi chiều hôm ấy, tôi nhận lệnh về sở chỉ huy, đồng chí Nghị xuống thay vị trí của tôi ở đơn vị. Nhưng, khi tôi vừa đi thì trận địa bị pháo kích, anh Nghị hy sinh ngay khi vừa đến đơn vị được vài giờ. 8 năm ở chiến trường, tôi cũng nhiều lần chôn cất anh em hy sinh. Lúc đang đánh nhau ác liệt ở chiến trường thì không biết sống chết ra sao, không biết hôm nay sống, mai còn sống hay không. Vì thế, anh em thường nói với nhau “sau này anh nào sống thì tìm cách đưa anh chết trở về”.
PV: Vì thế mà sau khi nghỉ hưu, ông tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Năm 2010, tôi nghỉ hưu. Lúc này mới có thời gian thực hiện lời hứa với anh em đã hy sinh là tìm kiếm, đưa hài cốt anh em về quê. Thăm gia đình các anh, gặp nhiều hoàn cảnh thương tâm. Có những lần gặp bà mẹ gần 100 tuổi, nằm liệt giường, nhưng khi hỏi mẹ ước gì trước khi mất, mẹ nói “muốn đưa anh về cho có mẹ có con”. Có những người vợ liệt sĩ đã gần 80 tuổi hay cả những người con của liệt sĩ, khi bố ra trận thì họ còn rất trẻ mà nay đều đã thành ông, thành bà cả rồi. Những câu nói ấy khiến tôi luôn trăn trở bởi tất cả các gia đình đều có tâm nguyện là đưa được xương cốt của người thân về vì suốt mấy chục năm vẫn chưa tìm được thông tin mộ phần. Tôi hay nói với anh em rằng, giá như các anh ấy không hy sinh, họ thừa khả năng nuôi mẹ, nuôi cha, nuôi con, chăm vợ. Bây giờ họ mất đi rồi, mình phải xác định rằng cần làm những việc ấy, giúp cho các liệt sĩ, để hành động thật vô tư. Mình xác định như thế mới có tâm trong vận động làm tri ân. Mình làm theo cái tâm của mình, không đòi hỏi gì cả.
Tôi đã cùng một số anh em cựu chiến binh đi tìm mộ liệt sĩ cả ở trong nước và bên Lào. Vợ chồng tôi sang Lào 7 lần tìm mộ liệt sĩ. Thời gian đầu, tôi đi tìm mộ liệt sĩ hoàn toàn bằng tâm nguyện cá nhân. Sau này, theo lời mời của Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, tôi tham gia Ban Chấp hành. Năm 2021, tôi thay anh Lê Văn Hân làm Chủ tịch Hội.
Hơn 10 năm gắn bó với công việc này, tôi chứng kiến rất nhiều chuyện cảm động. Có gia đình khi nhận được hài cốt thân nhân đã so sánh rằng, trong gần 1,2 triệu liệt sĩ đã nằm xuống, bao nhiêu liệt sĩ được tổ chức bàn giao hài cốt, được truy điệu, được an táng đàng hoàng như thế.
PV: Trong tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, ghi rõ: Hội tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, minh bạch; tự chủ về tài chính. Trong khi để hỗ trợ các gia đình tham gia tìm kiếm, phát hiện, cung cấp thông tin về mộ, hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ các gia đình có nhu cầu giám định gene hài cốt liệt sĩ để xác định danh tính liệt sĩ... thì không thể không có tiền. Vậy, hơn 10 năm qua, Hội đã hoạt động thế nào, thưa Trung tướng?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Các thành viên Ban Chấp hành Hội hiện nay đều là sĩ quan quân đội nghỉ hưu hoặc cán bộ các cơ quan nhà nước đã nghỉ hưu nên đều có lương. Bản thân tôi, lương hưu và phụ cấp thương binh mỗi tháng được 20 triệu đồng. Vì vậy, khi tham gia công tác Hội, chúng tôi không nhận lương ở Hội. Khi đi vận động doanh nghiệp hỗ trợ, tôi nói luôn đây không phải là tôi xin cho tôi mà xin để làm việc nghĩa và hỗ trợ thân nhân liệt sĩ. Vì vậy, Hội của chúng tôi có mọi tầng lớp nhân dân tham gia, có cả những người theo đạo Thiên chúa, đạo Phật... Ngoài ra, chúng tôi cũng được các doanh nghiệp, “Mạnh Thường Quân” ủng hộ.
Hội hiện có khoảng 10.000 hội viên; 13 tỉnh có cấp hội trực thuộc; 22 tỉnh, thành phố có cấp chi hội; hơn 90 huyện, quận, phường có chi hội. Đây là điều kiện thuận lợi để tìm kiếm thông tin, đính chính thông tin trên các bia mộ liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê hương, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn đang chôn cất ở ngoài nghĩa trang liệt sĩ.
Từ khi thành lập (tháng 10/2010) đến nay, Hội vận động được tổng số tiền khoảng 160 tỷ đồng; đã làm 1.100 ngôi nhà tình nghĩa (trị giá 60-80 triệu đồng/căn); tặng 5.000 sổ tiết kiệm (3-5 triệu đồng/sổ); tặng hơn 38.500 suất quà, mỗi suất từ 1-3 triệu đồng; tặng 350 xe đạp và xe máy; tặng 300 nồi cơm điện, quạt điện...
Nhưng, việc làm được lớn nhất và đáng tự hào nhất là chúng tôi đã trả lại tên cho 800 liệt sĩ qua công tác giám định ADN và phương pháp thực chứng. Di chuyển 1.200 hài cốt liệt sĩ từ mọi miền Tổ quốc về với đất mẹ, về quê hương. Các hội viên của Hội thường xuyên tới các nghĩa trang để cập nhật tên tuổi liệt sĩ rồi thông báo cho các gia đình. Đến nay đã thông tin được hơn 35.000 ngôi mộ và hỗ trợ thân nhân liệt sĩ tìm kiếm, đính chính thông tin trên bia mộ, đến nay cũng được hàng chục ngàn người rồi.
Nhờ có mạng lưới hội viên rộng khắp các tỉnh nên công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ đang thực hiện khá hiệu quả. Tháng trước, từ thông tin do một cựu chiến binh ở Đồng Nai cung cấp, chúng tôi vào Hiệp Đức, Quảng Ngãi tìm được 15 ngôi mộ và đã thông báo tới cơ quan chức năng để chuẩn bị khai quật. Đây là khu vực rừng núi, nơi tiếp giáp chiến tuyến giữa ta và địch ngày trước.
Một nhiệm vụ mà chúng tôi đặt trọng tâm thời gian tới là tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; tích cực đưa hài cốt các liệt sĩ về quê hương, giúp đỡ các thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn; đính chính thông tin sai sót trên bia mộ; tiếp tục giám định ADN để trả lại tên cho liệt sĩ; giúp đỡ gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn di chuyển, đưa hài cốt các anh từ các nghĩa trang về quê hương; cố gắng, vận động giúp thân nhân gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng.
PV: Tôi đã đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ như nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên..., thấy ở đâu cũng có một góc dành cho những liệt sĩ chưa biết tên. Trả lại tên cho các liệt sĩ thực sự là món nợ mà chúng ta phải trả để yên lòng các gia đình. Nhưng, việc này hình như đang gặp rất nhiều khó khăn?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Cả nước còn 530.000 liệt sĩ chưa biết tên. Hiện đã đưa được khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa biết tên về trên 3.000 nghĩa trang trên cả nước; còn khoảng 180.000 hài cốt liệt sĩ vẫn đang nằm ở các chiến trường xưa, ở bên Lào, Campuchia nhưng chưa tìm được vị trí. Đây là việc cần cả xã hội vào cuộc và thật sự có sự đóng góp của xã hội thì mới nhanh trả lại tên cho các liệt sĩ. Bởi, càng chậm trễ, cơ hội trả lại tên cho liệt sĩ vô danh càng ít.
Với 180.000 hài cốt còn đang nằm ở chiến trường xưa hiện gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm. Thứ nhất, chiến tranh đã lùi xa, từ năm 1975 đến nay là 48 năm rồi. Thứ hai, địa hình, địa chất thay đổi, thủy văn thay đổi. Ví dụ, dòng suối trước kia chảy thế này, nhưng sau năm tháng nó khác đi. Thứ ba, là những người trong cuộc đã già, sức khỏe yếu, trí nhớ kém, thậm chí nhiều người đã mất nên không thể trở lại chiến trường xưa tìm đồng đội. Quá trình tìm kiếm, có những cựu chiến binh, những người cùng chiến đấu với các liệt sĩ đi cùng thì rất tốt, nhưng cũng có nhiều trường hợp các cựu chiến binh đã yếu, không đi được và chỉ có thể trợ giúp bằng cách vẽ sơ đồ hoặc chỉ dẫn... Trong những trường hợp như vậy xác suất tìm được mộ không cao.
Đó là chưa nói đến chuyện thời tiết khắc nghiệt. Trong chiến tranh chế độ dinh dưỡng kém, ít canxi, sau thời gian mấy chục năm, hài cốt liệt sĩ có thể đã tan vào đất. Tháng trước, chúng tôi khai quật 17 ngôi mộ ở nghĩa trang trong Quảng Ngãi, rất đau lòng khi chỉ lấy được mẫu phẩm ở 4 ngôi mộ. Trong 4 ngôi mộ, theo mắt thường, thì chỉ 1-2 ngôi chất lượng xương còn tốt, còn lại đều đã mủn. Trong nghĩa trang còn vậy thì số nằm ngoài rừng, ở sông suối, đồi núi có thể chẳng còn gì.
Thời chiến tranh, mùa mưa ở miền Nam, bên Lào rất khắc nghiệt, 4 tháng mưa dầm dề không thấy mặt trời. Có liệt sĩ được chôn cất trên núi, chỉ sau một mùa mưa địa hình đã thay đổi nhiều. Trong điều kiện chiến tranh khắc nghiệt, không có phương tiện, việc chôn cất các liệt sĩ hi sinh có khi phải làm rất nhanh chóng. Nếu mình làm chủ trận địa thì còn thu dọn chiến trường, chôn cất anh em chu đáo. Có những trận đánh xong rút ngay hoặc không làm chủ được trận địa, không thể cho người vào đưa thi thể những người hi sinh ra nên có khi đào hố chôn anh em chỉ sâu khoảng hơn 30 cm, đặt anh em nằm xuống rồi phủ lá cây, phủ đất vội vàng rồi còn phải tiếp tục chiến đấu... Vì thế, sau mấy chục năm, giờ chẳng còn gì. Có những trận đánh, sau khi địch chiếm lại được trận địa đã dùng máy xúc đào hố sâu tới 3-4 mét, chôn tập thể cả trăm thi thể rồi dùng xe lu lèn chặt. Bởi vậy, các đội quy tập của ta nếu không có cựu binh Mỹ giúp xác định vị trí, không có tọa độ chính xác thì không tìm được.
PV: Khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều gia đình liệt sĩ đã đi tìm mộ thân nhân bằng phương pháp ngoại cảm. Từ thực tế đã làm, theo ông phương pháp này có khả quan không?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Chúng tôi biết hiện vẫn còn một số gia đình theo các nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt người thân để đưa về nghĩa trang liệt sĩ, nhưng hài cốt thật sự có khi lại đang nằm ở nghĩa trang khác.
Mới tháng trước, tôi có đưa 2 hài cốt liệt sĩ về Lạng Giang, Bắc Giang và Thanh Thủy, Phú Thọ. Hai gia đình liệt sĩ ấy khi trước rất nôn nóng nên theo các nhà ngoại cảm đi tìm mộ. Họ vào tận Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) để đưa về, nhưng cũng may là không đưa nhầm hài cốt người khác mà chỉ là một nắm đất, không có xương cốt gì cả...
Từ khi có Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và các tổ chức hội trực thuộc tại các tỉnh, thân nhân các liệt sĩ đã được trợ giúp để tìm kiếm hài cốt người thân đúng hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn và mang lại niềm tin cho nhân dân, làm chỗ dựa tin cậy cho thân nhân gia đình liệt sĩ, đồng thời hạn chế phương pháp tìm mộ bằng ngoại cảm hoặc bằng con đường mê tín.
Hiện nay, Hội đang hợp tác với với cựu chiến binh Mỹ, Viện Hòa bình Mỹ, Đại học Harvard để nhờ họ cung cấp thông tin mộ chôn tập thể, những thông tin mà họ biết nơi bộ đội hi sinh. Thông qua việc này, chúng ta có thể tìm thấy nhiều hài cốt hơn. Có một thuận lợi là các cựu chiến binh Mỹ, các cấp chỉ huy của lính Mỹ, khi tham chiến ở Việt Nam thì họ ghi nhật ký đầy đủ hơn, lưu trữ tốt hơn, nhớ được tọa độ kỹ hơn.
Năm 2022, tôi sang Mỹ tham gia hội thảo do Viện Hòa bình Mỹ tổ chức về vấn đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tháng 5/2022, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được một cựu binh Mỹ cung cấp thông tin có một ngôi mộ tập thể hơn 100 người ở Bình Định. Nơi này trong chiến tranh là trận địa pháo Xuân Sơn. Nhưng, khi khai quật, đào một hố sâu 3m, dài 7m thì tìm được 62 hài cốt.
Tới đây, họ sẽ sang Việt Nam để hỗ trợ xác định vị trí. Nếu không có gì thay đổi, tháng 8/2023, họ sẽ sang đây cùng một số cựu chiến binh tham gia hội thảo, vừa giúp mình xác định mộ chôn tập thể bộ đội ta. Bởi, theo thông tin họ cung cấp thì có 3 ngôi mộ tập thể, một ở Khe Sanh (Quảng Trị), một ở Biên Hòa (Đồng Nai), một ở Bình Định. Ở Khe Sanh, họ bảo có hơn 200 người; ở Bình Định khoảng 120 người và ở Biên Hòa 250-300 người. Khe Sanh là trận đánh năm 1969, Biên Hòa là trận đánh năm 1970, Bình Định khoảng 1968 đến 1970.
PV: 10 năm tham gia công tác này, điều gì khiến ông trăn trở nhất?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Chính sách của Đảng và Nhà nước rất tốt, rất cụ thể rồi. Nhưng, một bộ phận những người trực tiếp làm công việc này lại ít gần dân, họ không hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các gia đình chính sách nên có nhiều vấn đề cần giúp đỡ thì chúng ta chưa giúp đỡ được, nhất là đối với gia đình các liệt sĩ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Hiện nay, trên các mạng thông tin đã có đăng danh sách liệt sĩ ở các nghĩa trang, nhưng thử hỏi là có bao nhiêu người có điện thoại công nghệ cao, bao nhiêu thân nhân có điều kiện truy cập mạng để tìm kiếm mộ thân nhân của mình. Tôi đi về những nông thôn ở miền núi phía Bắc, miền Trung, miền Tây Nam Bộ, nhiều gia đình liệt sĩ khó khăn lắm.
Tôi mong những người làm chính sách cụ thể cần sâu sát dân hơn nữa, đừng quan liêu hành chính và phải tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh cụ thể, đưa ra hướng dẫn cụ thể, cách làm cụ thể. Ví dụ, bây giờ đính chính được một thông tin trên bia mộ nhiêu khê lắm. Nhanh thì mất 3 tháng, không nhanh mất cả năm trời. Có trường hợp 2 năm mới xong. Có người đến để làm các thủ tục công nhận liệt sĩ mất tới 12 năm.
Tôi luôn mong muốn nước ta thành lập một ngân hàng gene. Bây giờ phải lấy được gene của thân nhân liệt sĩ, chứ không 5-7 năm nữa là mất hết, không còn người mà lấy gene. Đi tìm hài cốt liệt sĩ đã khó, nhưng bây giờ đi tìm thân nhân mà lấy gene, nếu không nhanh thì còn khó hơn.
Có trường hợp khi chúng tôi xin văn bản để lấy gene một số thân nhân gia đình liệt sĩ và khai quật hài cốt để lấy mẫu phẩm thì được đồng ý. Thân nhân liệt sĩ gốc Thái Bình nhưng khi về Thái Bình thì mới biết gia đình đã lên Điện Biên đi làm kinh tế mới từ mấy chục năm trước. Lên Điện Biên lại được tin họ đã vào Tây Nguyên thăm con.
Vì thế, nếu ta không sớm thành lập ngân hàng gene thì công tác trả lại tên cho các liệt sĩ không biết bao giờ mới hoàn thành được. Giá như có ngân hàng gene, mỗi năm ta chỉ cần làm vài vạn người thôi nhưng cũng đủ để tính toán ra, với tốc độ như thế, thì bao nhiêu năm ta làm xong.
Khi có các ngân hàng gene rồi thì cần khẩn trương lấy gene của thân nhân, gia đình liệt sĩ trước; số mộ đã quy tập, đã tìm kiếm ta cũng lấy trước; tại những nghĩa trang được nâng cấp thì tranh thủ lấy mẫu phẩm luôn; còn số nằm trong nghĩa trang lấy sau cũng được.
PV: Xin cảm ơn Trung tướng và chúc ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục làm tốt công việc nặng nghĩa tình này!