Căng cờ búa liềm trên dãy Hoàng Liên - Bài 2: 'Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên'
>>>Bài 1: Sức trẻ nơi đầu nguồn biên giới
Bài 2: “Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên”
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đỉnh núi đá trắng ở xã Nậm Sài (Sa Pa) cao chót vót như chạm tới đỉnh trời. 98 hộ người Dao đỏ nằm trên lưng núi đã kiên cường và cần mẫn “bắt đất nở hoa”, xây dựng Nậm Ngấn trở thành thôn tiêu biểu của xã trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mở đường xua tan nghèo đói
Mặc dù cách trung tâm xã chỉ 5 cây số, nhưng đường đến Nậm Ngấn thật sự là thử thách đối với cả những tay lái cừ khôi. Vì thế, khi chúng tôi hẹn lên, anh Nguyễn Trường Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sài (Sa Pa) đã chuẩn bị sẵn sàng 3 con “ngựa sắt” khỏe để cùng leo núi. Quả thực, dù đã đi qua nhiều cung đường khó của tỉnh, nhưng khi đến thôn người Dao đỏ này, chúng tôi vẫn phải thốt lên: “Nậm Ngấn xa xôi quá!”.
Sau gần 40 phút chật vật leo dốc, chúng tôi cũng đến được Nậm Ngấn, rồi lại đi xuyên con đường giữa làng để đến khu làng mới. Phía cuối làng, chúng tôi gặp gần 100 người đang hối hả sửa đoạn đường dẫn lên rừng thảo quả. Vừa qua trận mưa to, đất trên đồi sạt xuống lấp hết mương nước bên đường, có đoạn chiếm hết nửa đường đi, cũng sắp đến vụ thu hoạch thảo quả nên các hộ tranh thủ sửa lại cho thuận lợi. Bí thư Chi bộ thôn Lý Vần Sử quần ống thấp ống cao cùng mấy người đo độ rộng của đường, rồi cắm cột mốc vào chân ta luy dương để bà con mở rộng. Anh Sử bảo: Đây là con đường “vàng” của thôn đấy! Thấy chúng tôi ngơ ngác, anh Sử cười: “Trên núi kia là hơn 100 ha thảo quả của bà con. Kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn thu thảo quả nên đối với bà con, loại cây này chính là vàng”.
Dù là một trong những bí thư chi bộ trẻ tuổi của xã nhưng anh Lý Vần Sử không thua kém bất cứ “đầu tàu” nào bởi sự nhanh nhạy, nhiệt tình với công việc. Như chuyện làm con đường này, mấy hôm trước đi họp giao ban dưới xã, thấy Bí thư Đảng ủy quán triệt các thôn, bản nên nâng cấp đường liên gia, đường nội đồng, nương để phục vụ việc đi lại, phát triển kinh tế, anh về họp chi bộ thống nhất ý kiến và quyết định tu sửa các tuyến đường. Nghe “thủ lĩnh” của bản giảng giải thiệt hơn nếu có con đường rộng rãi hơn, 98 hộ đã đồng tình hưởng ứng. Mỗi hộ cử 1 người tham gia 3 - 4 ngày công để tu sửa, mở rộng 2,5 km và mở mới 1 km đường lên nương thảo quả.
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi mấy người dân trong thôn gọi bí thư chi bộ của mình ra điểm công. Lấy từ trong chiếc túi đi rừng cuốn sổ màu nâu, anh Sử dõng dạc điểm danh từng người. Nếu thiếu mặt buổi nào, hộ ấy sẽ đóng góp bằng tiền mặt vào quỹ của thôn, thống nhất mỗi buổi 200.000 đồng. Bà con ở đây thích cách làm này nên mỗi khi có việc chung đều hăng hái tham gia. Như năm 2018 và đầu năm 2019, tranh thủ lúc nông nhàn, anh Lý Vần Sử cùng các đảng viên trong thôn đã vận động người dân đóng góp ngày công chở vật liệu từ dưới xã lên để đổ bê tông gần 500 m đường liên gia, ngõ xóm. Có đường, bà con tích cực tu sửa nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
“Tinh tú” của bản Dao
Nậm Ngấn hiện có 98 hộ, với 617 nhân khẩu, 100% là người Dao đỏ. Trước đây, công tác phát triển đảng viên của chi bộ không mấy thuận lợi. Tính từ khi mảnh đất này có người đầu tiên đứng trong hàng ngũ của Đảng là ông Lý Duần Phin (hơn 30 năm tuổi Đảng), đến nay chi bộ mới có 11 đảng viên. Từ năm 2014 trở về trước, có giai đoạn hơn chục năm liền, thôn không kết nạp được đảng viên. Có rất nhiều nguyên nhân, phần vì Nậm Ngấn xa xôi cách trở, phần vì người dân chưa thấy được tầm quan trọng của việc phấn đấu trở thành đảng viên, chưa có mục đích, chí hướng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thêm vào đó, do hủ tục, nhiều người còn giữ nếp xem tuổi lập gia đình, thường tảo hôn, vi phạm một trong những tiêu chí vào Đảng.
Tuy nhiên, với sự kiên trì, nỗ lực tuyên truyền của lớp đảng viên đi trước và sau khi được học hành, giác ngộ, thế hệ trẻ như anh Lý Vần Sử hiểu rằng, phấn đấu trở thành đảng viên là một trong những con đường hoàn thiện bản thân và góp phần giúp gia đình, quê hương phát triển nên tích cực luyện rèn, vượt qua thử thách. Năm 2014, Lý Vần Sử vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, sau đó 1 năm thì được bầu là bí thư chi bộ. Với sức trẻ, lòng nhiệt thành, Lý Vần Sử tích cực góp sức xây dựng chi bộ, từ đó cho đến nay, năm nào chi bộ cũng kết nạp thêm đảng viên, có năm kết nạp được 2 đảng viên.
Đến Nậm Ngấn, mặc dù nhà dân ở sát nhau, nhưng không có cảnh mất vệ sinh môi trường như các thôn vùng cao khác. Nhà nào cũng có công trình vệ sinh riêng, vật nuôi được nuôi nhốt trong chuồng. Trong thôn chưa có nhiều nhà xây dựng kiên cố do đường xa khó vận chuyển vật liệu, phần đa bà con làm nhà gỗ chắc chắn, thoáng mát. Nhiều năm qua, thôn không có hiện tượng tảo hôn, trẻ em được đến trường đúng độ tuổi. Nhiều học sinh sau khi học xong bậc THCS còn học tiếp lên THPT, học nghề.
Có được kết quả đó là do trong các cuộc họp chi bộ, anh Lý Vần Sử luôn quán triệt sâu sắc đến mỗi đảng viên tinh thần tự học, tự bồi dưỡng theo gương Bác Hồ, thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong chính gia đình, khu dân cư mình đang sinh sống. Chi bộ phân công mỗi đảng viên phụ trách từ 8 đến 10 hộ trong thôn, chịu trách nhiệm tuyên truyền đến bà con nếp sống văn hóa, tự giác chỉnh trang nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tiên phong trong phát triển kinh tế
Trước đây, bà con thôn Nậm Ngấn chủ yếu sống dựa vào nguồn thu từ thảo quả. Những năm được mùa, nhà nhiều được cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, từ đợt mưa tuyết năm 2016, nương thảo quả bị chết hàng loạt, thêm vào đó, giá của loại quả này cũng bấp bênh theo từng năm nên bà con quay sang phát triển lúa ruộng bậc thang và đi làm thuê.
Anh Vàng Thùng Lẩy, Trưởng thôn Nậm Ngấn cho hay: Trước đây, bà con chủ yếu trồng giống lúa địa phương, năng suất thấp, hay bị sâu bệnh. Vài năm nay, được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, bà con trồng giống cây mới và áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cao hơn hẳn. Nhiều nhà 1 năm thu 6 tấn thóc, như gia đình đảng viên Lý Duần Phây, Lý Duần Phin, Lý Duần Quẩy, Lý Tả Hiếu… Người dân còn biết tận dụng những sản phẩm thừa từ ngô, lúa, biết trồng cỏ voi để chăn nuôi đại gia súc. Nhiều đảng viên đi đầu trong chăn nuôi, như Lý Phù Dạo, Lý Phù Quẩy, Phùng Chà Nhàn…
Để tăng thu nhập cho gia đình, bằng sự nhạy bén, hiểu việc, mỗi khi mùa vụ xong xuôi, bà con trong thôn lại vượt hàng chục km về phố huyện Sa Pa để kiếm việc làm trong các nhà hàng, làm dịch vụ chở khách đến các điểm du lịch… Trừ ăn uống, chi phí đi lại, mỗi tháng, người làm công cũng được 5 - 6 triệu đồng.
Thôn Nậm Ngấn hiện có 98 hộ thì chỉ còn có 19 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo qua các năm giảm mạnh, như năm 2018 có 17 hộ thoát nghèo. Trong khi đó, hộ khá, giàu có 40 hộ. Là thôn khó khăn nhất của xã về địa hình, thời tiết, giao thông, nhưng bà con thôn Nậm Ngấn lại có kinh tế đồng đều, khá nhất trong các thôn, bản của xã.
“Có được kết quả đó là do người dân thôn Nậm Ngấn luôn chủ động trong phát triển kinh tế, thêm vào đó là sự tiên phong, tích cực của các đảng viên. Họ đã trở thành tấm gương và là động lực để bà con noi theo”, anh Nguyễn Trường Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sài khẳng định.
Chúng tôi chia tay Nậm Ngấn mà vẫn nhớ hình ảnh gần 100 hộ cùng mở đường lên núi trong tiếng nói cười râm ran phấn khởi. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng “trăm người như một” của người dân Nậm Ngấn, đường đến hạnh phúc ở vùng đất này sẽ không còn xa.