Càng đòi hỏi bằng cấp thì càng có nhiều bằng giả
Việc yêu cầu những văn bằng, chứng chỉ một cách hình thức mà không sát hạch năng lực thực sự của ứng viên trước mỗi kỳ thi tuyển là kẽ hở khiến bằng giả xuất hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ một cách thực chất, không câu nệ quá nhiều vào bằng cấp là việc cần phải làm ngay.
Có cầu thì ắt có cung
Thật kinh khủng khi trên mạng rao bán công khai bằng cấp, chứng chỉ các loại. Và cũng thật nhức nhối trước những thông tin nơi này nơi kia phanh phui một vụ mua bán bằng, hoặc là sử dụng bằng giả có được do mua bán.
Khi yêu cầu tuyển dụng, bổ nhiệm đòi hỏi phải có nhiều loại văn bằng, chứng chỉ, thì đương nhiên sẽ xuất hiện những hình thức dạy - học qua loa. Người học muốn có bằng cấp, chứng chỉ thì bỏ tiền ra. Nơi dạy thì thu được nhiều tiền. Từ đó tạo ra những “mảnh đất màu mỡ” để nhiều nơi mở lớp, rồi lại liên kết với địa phương mở lớp, mà việc đào tạo cũng qua quít, học cũng không đầu không đũa. Dẫn tới việc bằng cấp, chứng chỉ rất không đáng tin cậy.
Một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn này như “nấm sau mưa” vì có cầu ắt có cung. Khi tiêu chí bằng cấp vẫn đặt nặng thì vẫn có người tìm cách gian lận để làm đẹp hồ sơ. Nguy hiểm hơn, khi những người sử dụng loại bằng cấp đó sau này lại “leo” lên vị trí chủ chốt trong cơ quan, tổ chức.
Trả lời Đại Đoàn kết, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lo ngại không chỉ bằng cấp trong nước mà vấn đề bằng cấp nước ngoài cũng khó kiểm soát. Thực tế hiện nay có tình trạng ghi tên, nộp số tiền lớn mà không cần học hành gì sau một thời gian là có bằng thạc sĩ, tiến sĩ gắn mác nước ngoài.
“Đây là tiếng chuông cảnh báo cho cơ quan quản lý nhà nước, ngành Giáo dục đào tạo về vấn đề bằng cấp láo nháo như hiện nay cả trong nước và ngoài nước”- ông Tiến bày tỏ lo ngại và cho rằng cái gốc của vấn đề chính là công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm nhân sự của chúng ta vẫn còn dựa vào vào “bộ hồ sơ đẹp”, trong khi ở một vị trí cụ thể nào đó không hề cần đến những văn bằng, chứng chỉ như vậy. Mà điều đó sẽ dẫn tới việc nhiều cơ sở đào tạo xin mở lớp để “kiếm chác” và sẽ có nhiều người gian dối mua bằng cấp, chứng chỉ.
Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ cộng đồng, do “thiên hạ kêu quá”, trước đây đã có lúc cơ quan chức năng ráo riết làm, phát hiện không ít trường hợp cán bộ dùng bằng cấp giả. Thực tế cho thấy, việc kiểm soát chất lượng cán bộ và kiểm soát văn bằng, chứng chỉ còn nhiều lỗ hổng. Nhưng nguyên nhân gốc vẫn là trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ vẫn rất hình thức, tức là chú trọng bằng cấp khi coi đây đây là điều kiện tiên quyết. Thế nên mới sinh ra chuyện cán bộ phải tìm đủ mọi cách để hợp thức hóa các loại văn bằng, chạy đua làm sao đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
“Tôi từng băn khoăn về yêu cầu muốn trở thành vụ trưởng thì phải có bằng tiến sĩ. Liệu bằng tiến sĩ này có chứng minh là anh vụ trưởng đó đáp ứng được yêu cầu công việc hay không? Cá nhân tôi cho rằng, chỉ cần trình độ cử nhân là có thể đảm trách nhiệm vụ này. Nhưng theo yêu cầu thì ai muốn trở thành vụ trưởng lại phải theo con đường ngắn nhất là kiếm cho được tấm bằng”- ông Dinh nói.
Phải coi trọng năng lực thực sự
Vậy làm thế nào để “thanh toán” vấn nạn bằng giả? Theo ông Lê Như Tiến, phải tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. “Tại sao ở các nước tiên tiến việc bằng cấp không trở thành vấn nạn như ở Việt Nam? Tôi đã từng đi thăm và làm việc ở một số nước như phương Tây, họ chỉ phỏng vấn, đưa các yêu cầu tuyển dụng, nếu anh vào vị trí làm việc này thì anh sẽ có những cải tiến gì, anh sẽ đưa ra giải pháp gì để xử lý công việc… Tức là họ thực tế, họ coi trọng năng lực hơn…hồ sơ đẹp. Trong khi đó ở ta lại ngược hẳn, chỉ đề cao bằng cấp. Cầm hồ sơ chỉ xem bao nhiêu bằng, bao nhiêu chứng chỉ mà không biết rằng khả năng thực tiễn của cán bộ đó khi xử lý, giải quyết công việc như thế nào” - ông Tiến nói.
Ông Đặng Ngọc Dinh cũng cho rằng, nhất thiết phải đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, quan trọng là đánh giá được năng lực thực tế của cán bộ chứ không chỉ căn cứ vào bằng cấp. Ông Dinh cho biết, việc tuyển dụng, đánh giá cán bộ ở các nước không có quá nhiều bước như chúng ta, họ sẽ phỏng vấn trực tiếp đưa ra một số tình huống như nếu công ty rơi vào tình trạng phá sản, nếu anh là Giám đốc công ty thì anh sẽ xử lý thế nào? Những giải pháp nào để xử lý? Nếu người được tuyển dụng vào bộ máy chính quyền thì anh có giải pháp gì để thúc đẩy sự phát triển chung.
“Tôi cho rằng, việc đánh giá năng lực dựa trên những tình huống cụ thể sẽ có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với yêu cầu đáp ứng đủ một “mớ” bằng cấp, giấy chứng nhận. Chúng ta càng coi trọng bằng cấp thì họ càng làm giả; càng nhiều người sở hữu bằng thật nhưng kiến thức giả, thậm chí là không học ngày nào cũng có bằng, đó là kiến thức giả. Còn có một số người học giả, kiến thức giả, bằng cũng giả đó là không đi học vẫn có bằng. Chừng nào mà ta xây dựng được tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ dựa vào định lượng, tức là dựa vào thực tài thì chuyện bằng cấp không còn nặng nề nữa. Tôi nhấn mạnh, yếu tố tiên quyết ở đây phải là thực tài. Thực tài ngoài yếu tố bẩm sinh còn là là sự nỗ lực tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng công việc” - ông Lê Như Tiến nói.